Đào tạo nghề giúp ngư dân vững tin bám biển

(Baohatinh.vn) - Nghiệp sông nước trước nay vẫn được ngầm định là nghề “cha truyền con nối”. Nhưng, khi ngư trường ngày càng rộng mở, tàu thuyền ngày càng được đầu tư hiện đại và thiên nhiên trên biển nhiều bất trắc, nếu ngư dân chỉ có kinh nghiệm sẽ không thể tự tin trong mỗi chuyến xa bờ. Để nâng cao trình độ, kỹ năng xử lý khi đi biển cho ngư dân, các lớp đào tạo nghề đã được mở nhằm trang bị, củng cố niềm tin để họ an tâm bám biển.

Theo giới thiệu của cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản Hà Tĩnh, chúng tôi gặp anh Trần Đình Yên (sinh năm 1975, thôn Hoa Thành, Thạch Kim - Lộc Hà), người từng được đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng hạng 5 do chi cục phối hợp tổ chức. Qua trò chuyện, được biết, anh Yên đã gắn bó gần chục năm với nghề đi biển, nhưng chủ yếu là từ kinh nghiệm đúc rút, chứ không được đào tạo bài bản. Do đó, khi nhận được thông tin có tổ chức lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng nhỏ vào năm 2010, anh đã quyết tâm đăng ký theo học.

Anh tâm sự: “Trong khóa đào tạo, không chỉ riêng tôi mà các học viên của lớp đều được học hỏi, mở mang nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích. Được các giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy, tôi và nhiều học viên đã hiểu và nắm vững kỹ thuật lái tàu thuyền. Không những thế, sau khóa đào tạo, chúng tôi được cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng là cơ sở pháp lý để hành nghề, giúp anh em thuận lợi hơn khi khai thác ở ngư trường rộng lớn. Riêng tôi, sau khi được đào tạo đã mạnh dạn đầu tư tàu công suất trên 100 CV để đánh bắt xa bờ”.

Đào tạo nghề giúp ngư dân vững tin bám biển ảnh 1

Sau khi tham gia các lớp tập huấn và được cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, ngư dân đã vững tin để vươn khơi.

Ông Nguyễn Viết Hùng - cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản Hà Tĩnh cho biết: “Bằng các nguồn hỗ trợ từ trung ương và địa phương, chi cục đã phối hợp với các đơn vị mời giảng viên đủ điều kiện giảng dạy ở Cục Khai thác, các trường đại học trong nước về đứng lớp. Từ năm 2010 đến nay, chi cục đã đào tạo miễn phí gần 30 lớp thuyền trưởng, máy trưởng, thu hút trên 1.500 ngư dân tham gia”

Theo giáo trình giảng dạy, ngư dân được trang bị kiến thức về kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác, cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố; phương pháp cứu hộ, cứu nạn trên biển; bảo quản hải sản an toàn. Đặc biệt, ngư dân còn được cung cấp cơ bản kiến thức về Luật Biển, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, quốc tế. Điều đáng mừng là sau khóa học, hầu hết ngư dân được đào tạo đã vận dụng kiến thức vào đánh bắt, vận hành phương tiện đánh bắt đạt hiệu quả. Ngư dân qua đào tạo không còn lệ thuộc nhiều vào đất liền khi tàu bị sự cố máy móc. Không những thế, việc đào tạo này đã giúp ngư dân tiết kiệm chi phí nhiên liệu, kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, nắm vững các kỹ thuật bảo quản thủy sản… nên hiệu quả kinh tế mỗi chuyến ra khơi được nâng lên.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Hùng cũng cho biết thêm: Tính đến thời điểm hiện nay, số ngư dân đang làm việc được đào tạo nghề chưa cao. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để những người điều khiển phương tiện trên biển đều có thể tham gia học nghề và đủ điều kiện được cấp chứng chỉ, trong khi các học viên vừa phải đi học, vừa phải đi làm và đảm bảo được chất lượng đào tạo… Bên cạnh đó, giáo trình học hiện nay của nghề thuyền trưởng, máy trưởng cần được nâng cao và phù hợp hơn, bởi những lao động học nghề phần lớn đang làm nghề và đã có nhiều kinh nghiệm… Để giải quyết vấn đề này, chi cục đang tích cực hiện thực hóa dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững Hà Tĩnh, trong đó có phần đào tạo nghề phát triển sinh kế cộng đồng. Theo đó, khi triển khai, dự án sẽ mở lớp đào tạo miễn phí về ngư nghiệp cho gần 400 ngư dân.

Một nguồn đào tạo khác theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) cũng là “cơ hội vàng” cho ngư dân được tham gia học nghề. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ kết 5 năm (2010-2014) thực hiện đề án này của tỉnh ta, nhu cầu học nghề và kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn ở nhóm nghề liên quan đến ngư dân đang rất khiêm tốn. Đề án chỉ mới đào tạo được nghề sửa chữa tàu thuyền với 30 học viên ở xã Thạch Kim tham gia.

Trả lời cho thực tế này, ông Lê Xuân Ý - Phó phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho hay: “Nhu cầu đăng ký lớp sửa chữa tàu thuyền của người dân thấp bởi nhiều người vẫn có quan niệm cố hữu rằng, nghề này không cần học, cứ làm khắc biết. Ngoài ra, thời gian đào tạo khá dài trong khi người dân lại phải mưu sinh thường xuyên trên biển nên rất khó tập trung lớp. Vậy nên, dù rất nỗ lực nhưng tỉ lệ đào tạo nghề cho ngư dân vẫn chưa cao”.

Đào tạo nghề cho ngư dân đã khẳng định hướng đi đúng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế biển, giúp ngư dân vững tin hơn khi đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, con số người dân được dạy nghề và quan tâm học nghề vẫn còn khiêm tốn. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng về tận dụng nguồn hỗ trợ, tích cực tuyên truyền về những lợi ích khi học nghề được coi là giải pháp hàng đầu để mở rộng chương trình dạy nghề cho ngư dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast