Lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài và những hệ lụy

(Baohatinh.vn) - Thực trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thời gian qua gây nhiều bức xúc cho các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng như cơ quan quản lý. Thiệt hại lớn nhất là hình ảnh lao động Việt Nam trở nên xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế, giá cả của lao động Việt Nam sẽ bị hạ thấp, thậm chí, có thể bị một số thị trường từ chối tiếp nhận.

Chuyện 6 thuyền viên nhảy xuống biển

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, vài năm gần đây, tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn diễn ra ở hầu hết các thị trường, nhiều nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc (30-40%), Đài Loan (10-15%). Ngoài thiệt hại về kinh tế đối với các công ty XKLĐ, người lao động nếu bị phát hiện sẽ bị phạt và trục xuất về nước. Hà Tĩnh là một trong 7 tỉnh có số lao động bỏ trốn cao nhất tại các nước này.

Lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài và những hệ lụy ảnh 1

Cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng để người lao động hiểu rõ những rủi ro và tác hại nếu bỏ trốn, tự ý phá bỏ hợp đồng đã ký kết (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Vụ việc 6 thuyền viên, trong đó có 5 thuyền viên quê ở Kỳ Anh nhảy khỏi tàu đánh cá Đài Loan tại vùng biển Nhật Bản vào ngày 11/10 vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lao động bỏ trốn khi làm việc ở nước ngoài. Ông Nguyễn Hữu Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC) cho biết, các thuyền viên này do TTLC phái cử và làm việc trên tàu cá Liên Toàn Thịnh (Đài Loan). Khi tàu vào tránh bão tại vùng biển Nhật Bản, 6 thuyền viên này đã nhảy khỏi tàu. Ngay khi phát hiện, thuyền trưởng đã báo cáo với cảnh sát biển Nhật Bản. Sau 72 giờ áp dụng các biện pháp tìm kiếm nhưng không có kết quả, cảnh sát Nhật Bản đã dừng công tác tìm kiếm vào tối 14/10.

Chị Trần Thị Chung (thôn Bắc Hải, xã Kỳ Hải) có con trai là Phạm Lương Khánh - một trong 6 thuyền viên Việt Nam nhảy tàu nói trên cho biết, cách đây 2 tháng, thông qua một người môi giới, con trai chị đã làm hợp đồng lao động với Công ty TTLC sang lao động trên một tàu cá Đài Loan với mức lương 400 USD/tháng. Trước khi lên tàu làm việc, con chị phải trả cho người môi giới 16 triệu đồng. Ngoài ra, tiền lương 3 tháng đầu sẽ bị chủ sử dụng lao động giữ lại, người lao động chỉ được nhận lương từ tháng thứ 4.

Cùng nhảy từ tàu cá Đài Loan xuống biển hôm 11/10, còn có anh Thiều Sinh Song (Kỳ Khang). Tuy nhiên, 1 tuần sau (ngày 18/10), thân nhân anh Thiều Sinh Song nhận được thông báo của Công ty TTLC đã tìm thấy xác anh tại vùng biển tàu đánh cá vào tránh trú bão. Trưởng Công an xã Kỳ Khang - Nguyễn Lý Luận cho biết, gia đình anh Song có hoàn cảnh khó khăn nên cũng chỉ trông chờ vào đơn vị sử dụng lao động làm thủ tục đưa thi thể người thân về, đồng thời, mong cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân cái chết.

Ngoài anh Khánh, anh Song, còn có 3 người cùng quê Kỳ Anh, gồm: Trần Đình Diệm (Kỳ Hải), Nguyễn Tiến Tình (Kỳ Phú) và Nguyễn Văn Tứ (Kỳ Hà). Thân nhân các lao động này đang rất lo lắng cho số phận con em mình và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ để xác minh thông tin về các lao động.

Tăng cường giáo dục, định hướng cho người lao động

Đến thời điểm này, chưa xác định được nguyên nhân nhảy tàu của các thuyền viên nhưng việc tự ý bỏ trốn, ngoài thiệt hại về kinh tế đối với các công ty XKLĐ, người lao động nếu bị phát hiện sẽ bị phạt và trục xuất về nước. Nhưng thiệt hại lớn nhất không thể đo đến được là hình ảnh lao động Việt Nam trở nên xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế, giá cả của lao động Việt Nam sẽ bị hạ thấp, và có thể lao động Việt Nam sẽ bị một số thị trường từ chối tiếp nhận.

Lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài và những hệ lụy ảnh 2

Trước đó, trong 2 năm 2012-2013, lao động một số tỉnh của Việt Nam, trong đó có Hà Tĩnh đã bị phía đối tác Hàn Quốc tạm ngừng tiếp nhận vì tình trạng phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp. Người tham gia XKLĐ hầu hết có thu nhập thấp, trước khi đi phải vay mượn nhằm trang trải chi phí rất lớn, từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Do đó, việc mau chóng hoàn trả vốn và có một khoản tích lũy để làm ăn khi về nước là một sức ép rất lớn đối với họ. Họ sẵn sàng phá vỡ hợp đồng, ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn. Đây là lý do cơ bản mà lao động Việt Nam sẵn sàng bỏ trốn, bất chấp rủi ro.

Để giảm thiểu tình trạng lao động bỏ trốn, góp phần nâng cao hiệu quả XKLĐ, các cấp, ngành cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, lên án hành động bỏ trốn và những ảnh hưởng của hành động này đến bản thân và lợi ích quốc gia.

Giải pháp lâu dài mà Nhà nước cần quan tâm là việc làm cho người lao động khi họ trở về nước. Thực tế qua các đợt tuyển dụng của doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng cho thấy, nhiều lao động đã từng làm việc ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng vì những lao động này biết ngoại ngữ, có tay nghề, tác phong công nghiệp, hiểu biết văn hóa của họ. Đây là giải pháp có tính bền vững, vừa tránh lãng phí nguồn lực, vừa để người lao động an tâm về việc làm và thu nhập, tránh sức ép phải kiếm tiền bằng mọi giá trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh quan tâm công tác giáo dục, định hướng người lao động, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý trong thời gian họ làm việc ở nước ngoài; thu thập và công bố đầy đủ, chính xác những thông tin: tiền lương, thời gian làm việc, chế độ phúc lợi, các quyền và nghĩa vụ liên quan… cung cấp cho người lao động, để họ hiểu rõ những rủi ro và tác hại nếu bỏ trốn, từ đó an tâm làm việc theo hợp đồng đã ký kết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast