Nỗi niềm những người “canh cống” tiêu thoát lũ ở Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Công việc của những người quản lý, bảo vệ, vận hành hệ thống tiêu thoát lũ ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) khá vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa lũ, nhưng thời gian qua, chế độ chi trả cho họ lại rất thấp.

Nỗi niềm những người “canh cống” tiêu thoát lũ ở Lộc Hà

17 năm nay, hầu như ngày nào anh Nguyễn Công Hùng (xã Thạch Mỹ) cũng ra bờ sông kiểm tra thủy triều để điều tiết nước qua cống Cổ Ngựa, nhất là khi mùa mưa lụt đến.

Năm nay là năm thứ 17 anh Nguyễn Công Hùng ở thôn Liên Giang (xã Thạch Mỹ) quản lý, bảo vệ, bảo dưỡng, vận hành cống xả lũ chính trên đê Tả Nghèn (cống Cổ Ngựa) và 4 cống phụ lân cận. Đây là hệ thống cống có chức năng giữ nước ngọt để phục vụ hàng trăm ha đất nông nghiệp, lấy nước mặn để nuôi trồng 40 ha thủy sản, ngăn không cho triều cường xâm nhập đồng ruộng và tiêu thoát nước khi có mưa lớn.

Đặc biệt, trong các mùa mưa lũ, lượng nước mưa của gần như toàn xã Thạch Mỹ và một phần xã Thạch Châu đều đổ về đây nên ngày nào anh cũng phải mở cống 3 - 4 lần. Cứ thủy triều xuống là phải xả ngay, chỉ cần chậm trễ một chút là hậu quả sẽ khó lường.

Nỗi niềm những người “canh cống” tiêu thoát lũ ở Lộc Hà

Dù là đóng hay mở cổng chính thì anh Hùng đều phải vận hành 4 cống nhỏ ở xung quanh (trong phạm vi gần 1 km).

Anh Nguyễn Công Hùng chia sẻ: “Nhiều năm làm nghề, gần như tôi đã nếm đủ mọi khổ cực, vất vả, nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa lụt. Bản thân phải thường xuyên thức khuya, dậy sớm thất thường, việc phải đi đóng/mở cống lúc nửa đêm, hay 2 - 3 giờ sáng đã trở thành quen thuộc.

Ngoài việc phải dùng sức để quay cùng lúc 4 cống phụ, 1 cống chính với 2 cánh cửa nặng hàng tấn mà không phải ai cũng đủ sức khỏe để làm, tôi còn thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, rủi ro khi một mình đi lại trong mưa to, gió lớn, nước mênh mông, dòng chảy xiết...”

Nỗi niềm những người “canh cống” tiêu thoát lũ ở Lộc Hà

Để quay lên rồi hạ xuống 2 cánh cống bằng sắt cao 1,5 - 1,7m phải mất rất nhiều sức lực, không phải ai cũng làm được, nhất là khi có sự chênh lệch mực nước thì càng thêm nặng.

“Công việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm như thế nếu thuê người chuyên trách thì khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng mới tương xứng, nhưng ở đây tôi chỉ được xã trả công 1 triệu đồng/năm, trong đó có 200 ngàn đồng tiền dầu mỡ, 8 trăm còn lại cho hoạt động quản lý, bảo vệ, vận hành trong 12 tháng.

Số tiền này không đủ xăng xe nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, đã quen với công việc và kết hợp với việc gia đình nuôi trồng thủy sản gần đó nên tôi mới nhận việc. Tôi mong cấp trên xem xét hỗ trợ thêm kinh phí” - anh Nguyễn Công Hùng chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Đức Toản ở thôn Sơn Phú, xã Mai Phụ cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Nỗi niềm những người “canh cống” tiêu thoát lũ ở Lộc Hà

Anh Nguyễn Đức Toản tâm sự: mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa lụt thì công việc rất vất vả. Ảnh tư liệu

Hơn 6 năm làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, vận hành cống Văn Tích, anh Toản nhận mức thù lao chỉ 1,6 triệu đồng/năm, bao gồm cả dầu mỡ bảo dưỡng.

Anh Toản tâm sự: Mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa lụt thì rất vất vả, nước lụt từ thị trấn Lộc Hà, một phần của xã Thạch Châu và Mai Phụ đổ về cuồn cuộn suốt ngày đêm, có lúc phải nhờ thêm vợ con, xóm làng hỗ trợ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Dù đã rất cố gắng vì trách nhiệm với cộng đồng nhưng nhiều khi không khỏi chạnh lòng bởi mức thù lao quá thấp.

Nỗi niềm những người “canh cống” tiêu thoát lũ ở Lộc Hà

Xã Thạch Mỹ chỉ hợp đồng 2 người để vận hành toàn bộ hệ thống cống tiêu thoát lũ. Ảnh tư liệu

Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ Lê Tiến Lương cho biết: Việc tiêu thoát lũ trên 10km2 của xã Thạch Mỹ và một phần của xã Thạch Châu phụ thuộc hoàn toàn vào cống Cổ Ngựa (thôn Liên Giang), cống Số Một (thôn Tây Giang) và khoảng 10 cống phụ khác. Hiện nay, chúng tôi chỉ hợp đồng với 2 người để vận hành cống với mức thù lao 1 - 1,8 triệu đồng/người/năm.

"Việc bảo vệ, vận hành các cống lớn vào mùa mưa rất vất vả, nguy hiểm nhưng do ngân sách xã khó khăn nên chế độ của những người canh cống chưa đảm bảo. Chúng tôi đang tính kiến nghị với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh hỗ trợ thêm hoặc sớm có kế hoạch lắp mô tơ điện đối với 2 cống chính trên đê Tả Nghèn” - ông Lê Tiến Lương cho biết thêm.

Nỗi niềm những người “canh cống” tiêu thoát lũ ở Lộc Hà

Tại Lộc Hà, mới chỉ có cống Ba Cửa ở thôn Liên Xuân (xã Hộ Độ) đang đầu tư là có hệ thống vận hành bằng mô tơ điện.

Ngoài gần 30 cống nhỏ (khoảng 4 - 5 cống có 1 người vận hành, bảo vệ) thì ở Lộc Hà đang có 36 cống xả lũ lớn nằm bao quanh toàn huyện (với 33 người vận hành, bảo vệ) có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều tiết nước sản xuất, ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu thoát lũ vào mùa mưa. Cụ thể, Hộ Độ có 9 cống, Thịnh Lộc 7 cống, Ích Hậu 6 cống, Thạch Kim 4 cống, thị trấn Lộc Hà 4 cống, Phù Lưu 3 cống, Mai Phụ 3 cống.

Việc quản lý, bảo vệ, vận hành hệ thống cống này đang được các xã hợp đồng, hoặc bàn giao cho những người sinh sống, nuôi trồng thủy sản ở gần khu vực cống hoặc trưởng thôn đảm nhận. Mức thù lao được hưởng là khoảng 1 - 2 triệu đồng/người/năm đối với cống chính (xã Phù Lưu trả cao nhất với 2 triệu đồng/người/năm, các địa phương khác thấp hơn) và 200 - 400 ngàn đồng/năm đối với cống phụ, được lấy từ ngân sách hỗ trợ, thu từ nguồn thủy lợi phí và các nguồn hợp pháp khác.

Nỗi niềm những người “canh cống” tiêu thoát lũ ở Lộc Hà

Vận hành cống xả lũ để ứng cứu lúa vụ hè thu ở Mai Phụ (ảnh chụp giữa tháng 6/2021).

Ông Dương Đức Toàn - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Lộc Hà cho hay: Hiện tại, ngân sách hằng năm chỉ cấp kinh phí chi trả người bảo vệ đê, người vận hành cống không có, trừ trường hợp kiêm nhiệm. Vì vậy, huyện đang đề nghị các xã, thị trấn sử dụng nguồn kinh phí quản lý đê đã được cấp hằng năm để hỗ trợ. Huyện cũng đang gấp rút thực hiện các quy định mới về phân cấp quản lý đê điều và tổ chức lực lượng quản lý đê Nhân dân để thực hiện đúng chế độ thù lao và quản lý Nhà nước về đê điều trên địa bàn...

Chủ đề PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast