Chiều 16/4, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê tổ chức hội nghị triển khai phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê (trực thuộc Sở NN&PTNT) hiện quản lý 31.276,4ha rừng nằm trên 38 tiểu khu, thuộc 12 xã của huyện Hương Khê.
Năm 2020, đơn vị đã phát hiện, lập biên bản chuyển cơ quan chức năng xử lý 2 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ 5,596 m3 gỗ các loại; phát hiện và xử lý 4 vụ lấn chiếm, sẻ phát rừng trái phép với tổng diện tích 1,17 ha.
Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hương Khê Nguyễn Thượng Hải trao đổi một số giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác phòng, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô.
Trong năm 2020, mặc dù khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nhưng nhờ sự chủ động trong công tác PCCCR nên trên toàn lâm phần chỉ xảy ra một số điểm phát lửa và được phát hiện, xử lý kịp thời. Toàn đơn vị xảy ra 8 điểm phát lửa, với tổng diện tích thiệt hại là 6,94 ha.
Năm 2021, xác định thời điểm dễ xảy ra cháy rừng là vào mùa khô hanh từ tháng 4 đến tháng 9, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê đã kịp thời xây dựng và ban hành phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê thường xuyên tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng.
Theo đó, thành lập 1 tổ bảo vệ rừng cơ động và PCCCR; 10 tổ đội xung kích PCCCR gồm 88 người, thường xuyên tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, canh gác lửa rừng tại các khu vực. Thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Những ngày nắng nóng nhiệt độ lên cao túc trực 24/24h, ngăn chặn các đối tượng không có trách nhiệm vào rừng hoặc mang dụng cụ, phương tiện, vật liệu gây cháy vào rừng. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn thường xuyên truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp huyện Hương Khê Phan Kỳ: Thời gian tới, các đơn vị, địa phương phải bám sát chỉ đạo của cấp trên về bảo vệ rừng với phương châm phòng ngừa là chính.
Trong phòng và chữa cháy rừng, lấy hoạt động phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng. Sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp của ban và các lực lượng phối hợp.