Luật pháp Mỹ lại bó tay trước súng đạn

Các nhà làm luật Mỹ một lần nữa thất bại trong việc thắt chặt kiểm soát súng đạn khi thượng viện ngày 20-6 bác cả bốn đề xuất nhằm ngăn những kẻ khủng bố sở hữu vũ khí.

luat phap my lai bo tay truoc sung dan

Một buổi triển lãm súng của Hiệp hội Súng trường Mỹ tại Kentucky vào tháng 5-2016 - Ảnh: Reuters

Sau vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ ở Orlando ngày 12-6, các nhà làm luật Mỹ lại đứng trước áp lực phải hành động.

Tuy nhiên, nỗi e sợ rủi ro trong bối cảnh chính trị Mỹ chuẩn bị bước vào giai đoạn bầu cử căng thẳng và những bất đồng về mức độ kiểm soát vũ khí cùng với sự vận động hành lang của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) đã khiến nỗ lực đưa súng đạn vào khuôn khổ một lần nữa thất bại.

Theo Reuters, cả bốn biện pháp kiểm soát súng đạn đều không đạt được 60 phiếu (trên 100 phiếu) cần thiết để được thông qua, trong đó Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ mỗi đảng đề xuất hai giải pháp.

Mỗi ngày 89 người chết vì súng đạn

Theo thống kê của chiến dịch Brady chống bạo lực súng đạn, tại Mỹ, trung bình mỗi ngày có tới 89 người chết (tương đương 32.514 người chết mỗi năm) vì bạo lực súng đạn. Khoảng 55% người Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng, tăng 9% so với trước vụ xả súng Orlando.

Vấn đề ủng hộ hay phản đối kiểm soát súng phân hóa mạnh mẽ trong Quốc hội Mỹ và thể hiện rõ trong cuộc bỏ phiếu ngày 20-6.

Các đề xuất của Đảng Dân chủ bao gồm kiểm tra mọi giao dịch mua bán súng, trừ quà tặng giữa các thành viên trong gia đình và cấm những kẻ có tên trong danh sách theo dõi khủng bố mua vũ khí.

Trong khi đó, Đảng Cộng hòa chủ trương cần phải dốc thêm nguồn lực để xử lý những vi phạm trong việc kiểm tra lý lịch nhưng không mở rộng kiểm soát, đồng thời chỉ cho phép chính quyền hoãn giao dịch mua vũ khí của những kẻ có trong danh sách theo dõi trong 72 giờ và phải được tòa chấp nhận để hủy giao dịch này.

Các đề xuất của Dân chủ nhận được lần lượt là 44 và 47 phiếu ủng hộ, trong khi của Cộng hòa đều được 53 phiếu.

Đảng Cộng hòa và các đồng minh trong NRA cho rằng các dự luật kiểm soát súng mà Đảng Dân chủ đề xuất là quá hạn chế và chà đạp lên quyền được phép mang vũ khí. Trong khi đó, Đảng Dân chủ phê phán kế hoạch của Đảng Cộng hòa khi cho rằng nó “quá yếu ớt”.

Kịch bản tương tự cũng diễn ra tại các cuộc bỏ phiếu siết chặt kiểm soát vũ khí sau vụ thảm sát trường học Connecticut năm 2012 và vụ xả súng San Bernadino năm ngoái.

Cơ hội mong manh

Giới quan sát và các chính trị gia không mấy ngạc nhiên với kết quả bỏ phiếu. Tuy nhiên, không khí căng thẳng trước bầu cử đang buộc các nghị sĩ Cộng hòa tìm giải pháp cho một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trên chính trường.

Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa như Kirk, Kelly Ayotte chịu áp lực bầu cử đã bỏ phiếu tán thành việc kiểm soát súng đạn.

Susan Collins, một thành viên trung lập của Đảng Cộng hòa, dự kiến sẽ đưa ra một kế hoạch nhượng bộ, trong đó thu hẹp vào khoảng 80.000 đối tượng có trong danh sách cấm bay hoặc cần kiểm tra thêm ở sân bay, thay vì danh sách theo dõi khủng bố với hơn 1 triệu người.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng vô cùng mong manh dù bà Collins nói rằng đã nói chuyện với hàng chục nghị sĩ cuối tuần trước. Ngay cả khi vượt qua ải Thượng viện, nó cũng chưa chắc được chấp thuận ở Hạ viện do Đảng Dân chủ nắm đa số.

Trong khi đó, phe Dân chủ cũng nhận thấy cơ hội để thông qua các biện pháp kiểm soát súng đạn trước cuộc bầu cử vào tháng 11 là rất thấp.

“Cách duy nhất để thắng là xây dựng một hạ tầng chính trị khắp cả nước để chống lại hạ tầng của nhóm vận động hành lang ủng hộ sở hữu súng” - nghị sĩ Chris Murphy của Đảng Dân chủ nói.

Mục tiêu hiện tại của Dân chủ là đẩy vấn đề thành một cuộc tranh luận và thành một chiến dịch thực sự.

“Tôi không biết liệu nó có khác những cuộc bỏ phiếu trong quá khứ, nhưng có một điều khác biệt ở đây. Mọi người đang bắt đầu bàn tán và những khởi đầu đàm phán đang tiếp diễn. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng” - ông Murphy nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.