Mực một nắng Thạch Kim - đặc sản vùng biển cửa Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Từ quà tặng của biển khơi, qua công đoạn chế biến tỉ mẩn, bảo quản khắt khe, mực một nắng Thạch Kim đã trở thành đặc sản đáng tự hào của người dân Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Video: Quy trình chế biến mực một nắng Thạch Kim tại cơ sở chế biến hộ Nguyễn Thị Trung

Mực một nắng Thạch Kim - đặc sản vùng biển cửa Lộc Hà

Mỗi sớm mai, những con thuyền hối hả cập cảng Cửa Sót, mang về hàng chục tấn hải sản các loại, trong đó có nguồn nguyên liệu tươi ngon để chế biến mực một nắng

Chị Nguyễn Thị Trung (thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, Lộc Hà - Hà Tĩnh) là một người có thâm niên trong nghề chế biến hải sản trên địa bàn. Đặc biệt, mấy năm gần đây, sản phẩm mực một nắng của gia đình chị đã trở nên nổi tiếng nhờ chất lượng tốt.

Mỗi ngày, gia đình chị dùng từ 80 - 100 kg mực tươi để chế biến, cho ra khoảng 50 kg sản phẩm mực một nắng. Nhu cầu tăng nhanh, chị Trung đang tính sẽ mở rộng quy mô sản xuất và đã đăng ký làm sản phẩm OCOP.

Mực một nắng Thạch Kim - đặc sản vùng biển cửa Lộc Hà

Mực ống loại 1 dùng để chế biến mực một nắng

Theo chị Trung, để làm ra được sản phẩm ngon nhất, trước hết phải có mực ống loại 1 (mực kim) làm nguyên liệu. Khi con mực vẫn còn nhấp nháy, đem về rửa sạch bằng nước mặn, mổ bỏ nội tạng rồi mang ra phơi dưới ánh nắng mặt trời mà không cần cho thêm bất cứ chất phụ gia nào khác.

Mực được phơi một nắng (thời điểm nắng nhất của một ngày - PV) và đạt độ khô chừng 70 - 80% thì cho vào tủ đông với nhiệt độ -15oC để bảo quản, sau đó mang đi tiêu thụ…

Mực một nắng Thạch Kim - đặc sản vùng biển cửa Lộc Hà

Mỗi công đoạn làm mực một nắng được thực hiện rất cẩn thận, tỉ mỉ

Không chỉ hộ chị Trung mà ở Thạch Kim còn có khoảng 50 - 60 hộ chế biến tại nhà và một số tàu thuyền làm ngay trên biển khi mới câu được mực. Trong số này, có thể kể đến hộ chị Nguyễn Thị Bính (thôn Liên Tân), Nguyễn Thị Thùy (thôn Xuân Phượng); nhà hàng Vinh Thao ở cảng Cửa Sót...

Theo tính toán, cứ khoảng 2 kg mực tươi thì sẽ chế biến được 1 kg mực một nắng. Với giá từ 1,2 – 1,8 triệu đồng/kg tùy từng loại như hiện nay thì người làm có lãi từ 400 - 600 ngàn đồng/kg (chưa tính ngày công).

Mực một nắng Thạch Kim - đặc sản vùng biển cửa Lộc Hà

Những con mực ống cỡ lớn, tươi ngon được loại bỏ nội tạng, rồi rửa sạch, phơi khô khoảng 70-80%... sẽ trở thành đặc sản của những người yêu ẩm thực khi về Lộc Hà

Mặc dù giá thành khá cao nhưng mực một nắng vẫn được khách hàng ưa chuộng, nhất là đối với “dân nhậu”, người sành ăn. Nó không chỉ xuất hiện tại hàng quán, ở nhà hay làm món “tủ” trong các cuộc picnic mà còn được nhiều người mua về làm quà biếu gửi đi khắp nơi…

Anh Đoàn Trọng Quý (tỉnh Ninh Bình) thưởng thức mực một nắng khi đến bãi tắm Thạch Bằng nhận xét: “Tôi đã ăn rất nhiều loại mực ở khắp các vùng biển với các cách chế biến khác nhau, nhưng tôi chưa thấy mực ở đâu, loại nào ngon như mực một nắng Thạch Kim. Loại mực này ăn có vị thơm, ngon, ngọt đặc trưng, không mặn và có độ dai vừa phải”.

Mực một nắng Thạch Kim - đặc sản vùng biển cửa Lộc Hà

Để được thưởng thức hương vị đặc trưng của đặc sản vùng biển cửa Lộc Hà, nhiều khách hàng đã tìm về mua mực một nắng...

Ông Nguyễn Đình Hưng - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim chia sẻ: "Hiện nay, ngoài đội tàu thuyền 106 chiếc của xã còn có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào cảng Cửa Sót mỗi ngày, mang theo 8.000 - 9.000 tấn hải sản/năm. Trong đó, có rất nhiều mực khai thác được là cơ sở quan trọng để chúng tôi phát triển lĩnh vực chế biến hải sản, trong đó có mực một nắng. Cùng với đó, người dân trên địa bàn còn có kinh nghiệm, bí quyết riêng để có những loại sản phẩm mực một nắng thơm ngon nhất, đưa hương vị đặc trưng của quê hương ngày càng bay xa”.

Cũng theo Chủ tịch Hưng, sắp tới, xã sẽ có chính sách khuyến khích, động viên để phát triển loại sản phẩm này, đưa nó thành sản phẩm hàng hóa. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị sản xuất, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng biển...

Mực một nắng Thạch Kim - đặc sản vùng biển cửa Lộc Hà

Mực một nắng được kết tinh từ quà tặng của biển khơi, tình yêu lao động và phong cách ẩm thực của người dân miền biển (Trong ảnh: Trưng bày, giới thiệu mực một nắng với đại biểu về dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Lộc Hà - tháng 8/2020)

Theo ông Phan Bá Ninh - Phó chánh Văn phòng điều phối NTM huyện Lộc Hà: “Để mực một nắng ngày càng phát triển, vừa qua, chính quyền địa phương phối hợp với các phòng, ngành chức năng đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ - Sở KH&CN Hà Tĩnh triển khai dự án “Xây dựng, quản lí và phát triển nhãn hiệu “Mực Cửa Sót - Thạch Kim”; trong đó, đặc biệt quan tâm đến sản phẩm mực một nắng.

Ngoài ra, chúng tôi còn lựa chọn một số cơ sở để xây dựng làm sản phẩm OCOP… Đến nay, tất cả các vấn đề liên quan đều cơ bản đang được triển khai thuận lợi và tin rằng, thời gian tới, mực một nắng Thạch Kim sẽ có điều kiện vươn xa hơn”

Tin liên quan:

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.