Nâng cao độ tin cậy cấp điện, giảm sự cố và tổn thất điện năng

(Baohatinh.vn) - Công ty Điện lực Hà Tĩnh đang tổng lực triển khai các giải pháp với mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cấp điện phục vụ nền kinh tế những tháng cuối năm.

Những tháng cuối năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh; cùng với đó nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân dự báo tăng cao, kéo theo phụ tải điện tăng trưởng đột biến.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cho lưới điện, Công ty Điện lực Hà Tĩnh tăng cường chỉ đạo các điện lực, đơn vị trực thuộc tiếp tục ra quân kiểm tra lưới điện định kỳ, đột xuất; tăng tốc xử lý các khiếm khuyết trên lưới để giảm thiểu tối đa sự cố; tiếp tục quy hoạch lại mạng lưới điện phù hợp thực tiễn.

Điện lực Cẩm Xuyên chủ động các phương án cấp điện an toàn, ổn định.

Năm 2024, Điện lực Cẩm Xuyên được giao chỉ tiêu tổn thất điện năng là 5,2%. Để thực hiện mục tiêu này, đơn vị đã chủ động các giải pháp kỹ thuật, phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn. 9 tháng năm 2024, tỷ lệ tổn thất điện năng của đơn vị đạt 5,07% (giảm 0,13% so với kế hoạch giao cả năm và giảm 0,62% so với cùng kỳ năm 2023).

Ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Điện lực Cẩm Xuyên thông tin: “Đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện theo hướng thông minh, tinh gọn là giải pháp căn cơ để nâng cao độ tin cậy cấp điện trên địa bàn. Theo đó, từ đầu năm lại nay, đơn vị đã xây dựng mới và đưa vào vận hành 4 trạm biến áp; cải tạo, thay thế, nâng tiết diện dây dẫn 11 trạm biến áp nhằm giảm thiểu quá tải lưới điện. Ngoài ra, các dự án đầu tư lưới điện trung thế hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giảm thiểu tối đa sự cố trên lưới. Ngoài ra, hệ thống đường dây hạ thế cũng được đầu tư nâng cấp theo hướng tinh gọn, hiện đại”.

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất tại CCN-TTCN Bắc Cẩm Xuyên, làng nghề thu mua - chế biến thủy hải sản tại xã Cẩm Nhượng, các khu nuôi trồng thủy sản tại các xã Yên Hòa, Nam Phúc Thăng… dự báo tăng cao. Bởi vậy, Điện lực Cẩm Xuyên tiếp tục tăng cường kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trên lưới; phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lưới; nâng cao công tác quản lý lưới điện, quy hoạch lại mạng lưới điện phù hợp với thực tiễn.

Tăng tốc trên công trường dự án đầu tư trạm biến áp 110 kV Lộc Hà.

Hiện nay, Điện lực Lộc Hà đang tăng cường nhân sự tổng kiểm tra, rà soát lưới điện để kịp thời xử lý các tồn tại trên lưới. Đặc biệt, các đường dây cung cấp cho các cụm công nghiệp Thạch Kim, Thạch Bằng… được đầu tư xử lý cung, lèo, thay thế các thiết bị cũ, tăng cường công tác vệ sinh lưới điện nhằm hạn chế tối đa sự cố khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong những tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Kiên Cường - Giám đốc Điện lực Lộc Hà cho biết: “Năm 2024, đơn vị được Công ty Điện lực Hà Tĩnh giao thực hiện tổn thất 6,18%. 9 tháng năm 2024, tỷ lệ tổn thất điện năng của đơn vị đạt 6,71% và hiện nay đơn vị tập trung cao các giải pháp để sớm đạt kế hoạch được giao. Đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra lưới điện, thay thế các thiết bị, vật tư kém chất lượng, xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện, củng cố lại lưới điện theo hướng thông minh, tinh gọn. Đặc biệt, đơn vị đang phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trạm biến áp và hệ thống đường dây 110 kV Lộc Hà với tổng mức đầu tư 135 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo nguồn cấp cho các phụ tải dân sinh, công nghiệp, du lịch huyện Lộc Hà và hỗ trợ nguồn điện cho huyện Nghi Xuân trong những trường hợp cần thiết”.

Ngành chuyên môn tập trung cao cho công tác xử lý hành lang an toàn lưới điện.

Được biết, phụ tải điện của Hà Tĩnh phát triển qua các năm, trong khi đó công tác vận hành, quản lý lưới đối mặt nhiều khó khăn do lưới điện trải dài qua nhiều dạng địa hình, tác động tiêu cực của thiên tai, mưa bão, bán kính cấp điện một số khu vực còn xa, ý thức sử dụng điện của một bộ phận người dân còn hạn chế... Để khắc phục, ngành chuyên môn đã nỗ lực bám lưới, chủ động các giải pháp nâng cao khả năng vận hành hạ tầng lưới điện.

Năm 2024, Công ty Điện lực Hà Tĩnh được Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc giao chỉ tiêu tổn thất điện năng là 6,55%. Với những nỗ lực trong công tác quản lý, vận hành, 9 tháng năm 2024 công ty đã đưa tỷ lệ tổn thất điện năng xuống 6,37% (giảm 0,18% so với kế hoạch cấp trên giao) và phấn đấu tỷ lệ tổn thất cuối năm 2024 là 6,45% (giảm 0,1% so với kế hoạch được giao).

Theo ông Nguyễn Trí Dũng – Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Hà Tĩnh: Thời gian qua, công ty đã rất quyết liệt trong công tác quản lý, vận hành với mục tiêu giảm thiểu tối đa sự cố, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Theo đó, công ty đã thành lập các đoàn công tác với chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc tăng cường hỗ trợ các điện lực xử lý các khiếm khuyết trên lưới. Đây là những đơn vị có khối lượng đường dây, trạm biến áp lớn, có sản lượng điện thương phẩm cao; nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật từ công ty nên tỷ lệ tổn thất điện năng của các đơn vị này có sự chuyển biến tốt.

Ngoài ra, công ty chú trọng phối hợp triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng lưới điện trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát mua bán điện; chú trọng thay thế công tơ điện tử theo kế hoạch… qua đó góp phần nâng cao độ tin cậy lưới điện trên toàn địa bàn.

Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh Phạm Công Thành trực tiếp chỉ đạo việc giảm tổn thất điện năng tại Điện lực Kỳ Anh.

Từ đầu năm đến nay, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã đầu tư xây mới, đóng điện và đưa vận hành trên 20 km đường dây trung thế và 49 trạm biến áp phân phối dự án chống quá tải năm 2024; cải tạo trên 36 km đường dây 10kV lên vận hành cấp điện áp 35kV; lắp đặt mới 24 bộ thiết bị đóng cắt từ xa Recloser và LBS trên lưới điện…

Ngoài ra, công ty đã thực hiện cân đảo pha 1.829 trạm biến áp lệch pha; luân chuyển 261 máy biến áp vận hành non, quá tải; xử lý 1.819 vị trí khiếm khuyết trên lưới; thực hiện 733 phiên vệ sinh sứ trên đường dây đang mang điện; thực hiện 532 phiên sửa chữa trên đường dây đang mang điện...

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói