Khẩn trương di dời hệ thống đường điện truyền tải phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

(Baohatinh.vn) - Các địa phương đang tập trung xây dựng mới và di dời các đường điện 220 kV, 500 kV phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ông Phạm Hoàng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, với dự án di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục thi công cao tốc Bắc - Nam, huyện đã hoàn thành di dời đường dây trung thế, hạ thế và trạm biến áp. Về hệ thống đường dây 110kV, có 3 điểm giao chéo với 9 cột tuyến chính xây mới và 20 vị trí cột tuyến tạm; đến nay, điểm giao chéo 110 kV tại xã Cẩm Hưng đã hoàn thành đóng điện, còn 2 điểm giao chéo tại xã Cẩm Thạch, Cẩm Quan đang làm thủ tục xin cắt điện để dựng cột, kéo dây. Về hệ thống đường dây 220kV, có 3 điểm giao chéo với 6 cột xây dựng mới tại xã Cẩm Thạch và Cẩm Quan đang dựng cột, kéo dây. Với sự nỗ lực của chủ đầu tư và nhà thầu, huyện phấn đấu đến 30/9/2024 sẽ hoàn thành việc xây mới, di dời đường điện phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn.

z5831869494518_ad4775366bf461507867b26060c46cd4.jpg
Công ty CP Đầu tư xây lắp điện Hải Phòng thi công đường dây 220 kV tại xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên).

Trong khi đó, từ ngày 10/9/2024 lại nay, Công ty CP Đầu tư xây lắp điện Hải Phòng tập trung dựng cột, kéo dây đường dây 220 kV tại các xã Cẩm Thạch, Cẩm Quan. Đơn vị huy động hơn 100 kỹ sư, công nhân, 4 xe cẩu loại 70 tấn và các phương tiện, thiết bị hiện đại đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ông Đỗ Văn Thắng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây lắp điện Hải Phòng cho hay: “Thực hiện dự án di dời đường điện phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh, chúng tôi đảm nhận thi công 6 cột điện 220 kV tại huyện Cẩm Xuyên từ tháng 3/2024. Trong đó, 4 vị trí tại xã Cẩm Thạch và Cẩm Quan hoàn thành trước ngày 16/9/2024 (sớm trước 3 ngày so với kế hoạch đề ra); 2 vị trí còn lại, chúng tôi sẽ dựng cột, kéo dây từ ngày 22 - 28/9/2024 khi có lịch cắt điện từ cơ quan chức năng”.

Cũng theo ông Đỗ Văn Thắng, để đảm bảo tiến độ, công ty đã chuẩn bị các phương án, sẵn sàng nguồn tài chính thực hiện dự án. Giai đoạn thi công đường dây 220 kV phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh trùng với thi công dự án trọng điểm quốc gia đường dây 500 kV mạch 3 nên vật tư, đặc biệt là cách điện thủy tinh rất khan hiếm, nhiều địa phương ảnh hưởng tiến độ. Tuy vậy, công ty đã tìm được nguồn vật tư từ các đối tác lâu năm và chấp nhận mua hàng với mức giá cao hơn để đảm bảo tiến độ dự án.

"Các điều kiện đã sẵn sàng nên khi lực lượng chức năng cắt điện, công ty đồng loạt ra công thi công. Nếu thời điểm bình thường, việc dựng cột, kéo dây 220 kV phải mất 20 ngày thì nay đơn vị nỗ lực hoàn thành trong 10 ngày để giảm thời gian cắt điện. Khi đã cắt điện thì kỹ sư, công nhân thi công trên lưới không kể nắng mưa. Thi công thời gian ngắn mà phải đảm bảo chất lượng là một áp lực nên công ty phải chọn thợ có tay nghề cao, phấn đấu hoàn thành thi công đường dây 220kV trước 30/9/2024", ông Đỗ Văn Thắng nhấn mạnh.

z5832632189545_6dbf1c7970c92a2495f6d0b1027524ce.jpg
Chủ đầu tư và nhà thầu thường xuyên phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây 220 kV trên địa bàn Cẩm Xuyên.

Phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn, huyện Thạch Hà đã hoàn thành di dời lưới điện trung, hạ thế và đường dây 110 kV. Theo ông Phan Văn Toàn – Phó Trưởng BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà, đối với di dời hệ thống điện 220kV, nhà thầu đã hoàn thành đúc móng 2/2 vị trí, đang gia công cột thép và cung cấp dây dẫn, phụ kiện; giá trị khối lượng ước đạt khoảng 40% theo hợp đồng đã ký. Do việc triển khai thi công đường dây 220 kV phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam trùng với dự án trọng điểm quốc gia đường dây 500 kV mạch 3 nên tiến độ cung ứng vật tư sứ, phụ kiện cách điện chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Huyện Thạch Hà đề nghị Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia giúp đỡ chủ đầu tư, đơn vị thi công phê duyệt biện pháp thi công; bố trí lịch cắt điện đường dây 220 kV phù hợp để chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công các các hạng mục còn lại và nghiệm thu đóng điện công trình; hỗ trợ đơn vị thi công tạm thời mượn các vật tư thiết bị điện, phụ kiện đường dây cao thế để dự án sớm hoàn thành.

Cũng liên quan đến hệ thống đường dây 220kV, huyện Đức Thọ có 1 điểm, được khởi công xây dựng vào tháng 2/2024, đến nay, tiến độ đạt khoảng 45% và đang trình duyệt phương án cắt điện để tổ chức thi công lắp dựng cột, kéo dây.

z5831870086642_b522432968b8ec46bfd8cfe5b7398020.jpg
Các đơn vị thi công tiến hành tháo dỡ, di dời đường dây 220 kV (cũ) để phục thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh.

Phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh, khối lượng đường dây 500 kV phải di dời là 4 điểm thuộc huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Khởi công xây dựng 2 điểm đường dây 500 kV với 4 vị trí móng từ cuối tháng 1/2024, đến nay, tiến độ của thị xã Kỳ Anh đã đạt khoảng 40%. Nhà thầu đã thi công xong 4/4 vị trí móng cột và tập kết cột, đang trình duyệt phương án cắt điện để thi công dựng cột, kéo dây.

Theo Sở Công thương Hà Tĩnh, phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa bàn, đến nay, việc di dời hệ thống lưới điện phân phối (cấp điện áp 110kV trở xuống) đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo mặt bằng để các nhà thầu thi công thực hiện.

z5831869725177_7c3705ac1e7f0e5d4e9b831eb14e974b.jpg
Việc cung ứng vật liệu trong đó có cách điện thủy tinh chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án đường dây 220 kV trên địa bàn.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn có 10 điểm giao chéo với 2 đường dây 220kV và 500kV (4 điểm đường dây 500kV, 6 điểm đường dây 220kV) thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh và 4 huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ. Nhìn chung, việc di dời các tuyến đường điện 220kV, 500kV còn chậm, ảnh hưởng lớn đến công tác GPMB và tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Hà Tĩnh.

Nguyên nhân chủ yếu do tính chất phức tạp của hệ thống lưới điện truyền tải nên việc triển khai thi công gặp nhiều khó khăn; việc lập, trình duyệt phương án cắt điện các tuyến đường dây truyền tải do nhiều yếu tố nên đăng ký lịch cắt điện rất khó; việc thi công, di dời các tuyến đường điện này trùng với thời điểm thi công dự án trọng điểm quốc gia đường dây 500kV mạch 3 nên ảnh hưởng lớn đến việc huy động nguồn lực thi công...

z5831872308430_f006737519917eac0bbc426972d6016c.jpg
Thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Thạch Hà.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công; phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành lập, trình duyệt phương án cắt điện; phối hợp Sở Công thương đề xuất Bộ Công Thương tạo điều kiện, chấp thuận thực hiện thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền song song với quá trình cắt điện thi công và chuyển trả lưới.

Tỉnh cũng đề nghị Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia bố trí lịch cắt điện phù hợp với tình hình thực tế để các nhà thầu thi công đồng loạt tại các điểm giao chéo nhằm rút ngắn thời gian cắt điện; Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) kịp thời giải quyết khó khăn về nguồn vốn để chủ đầu tư thanh toán cho các nhà thầu tại các huyện Đức Thọ, Kỳ Anh…

Video: Ông Đỗ Văn Thắng - Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư xây lắp điện Hải Phòng chia sẻ quá trình di dời đường dây 220kV

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.