Hệ thống đường điện cắt ngang qua tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Quang Lộc, huyện Can Lộc.
Thời gian này, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - 1 trong 2 nhà thầu đảm nhận thi công gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua Hà Tĩnh đang huy động hàng chục kỹ sư, công nhân cùng máy móc, thiết bị, chia làm nhiều mũi thi công tại đoạn qua các xã: Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ), Kim Song Trường, Sơn Lộc, Quang Lộc (Can Lộc).
Tại mũi số 3 thi công phần tuyến chính cao tốc từ Km 479+117 tới Km 501+470 và cầu vượt ngang quốc lộ 15B qua xã Sơn Lộc, Quang Lộc (huyện Can Lộc), nhà thầu đã triển khai làm đường công vụ dài 2,5 km, đào phá đồi Long Tương, đào bóc hữu cơ khối lượng 60.000 m3 và tiến hành khoan cọc nhồi làm cầu vượt.
Do chưa được di dời nên các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam có hệ thống đường điện đi qua chưa thể triển khai được việc thi công.
Dù đang gấp rút triển khai các hạng mục dự án, tuy nhiên, theo nhà thầu Vinaconex, việc thi công hiện đang gặp một số khó khăn, trong đó có việc hạ tầng kỹ thuật đường điện nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án cao tốc Bắc - Nam chưa được di dời.
Ông Huỳnh Tấn Bản - Phụ trách Ban Điều hành nhà thầu Vinaconex cho hay: Quá trình thi công các hạng mục gói thầu cao tốc, đơn vị đang cần huy động khá nhiều máy móc cho việc xử lý nền đất yếu, nhất là với công trình cầu vượt. Tuy nhiên, hiện trên tuyến đang vướng 31 điểm có đường điện cắt ngang qua, từ hệ thống đường điện cao thế 110 kV, trung thế 35 kV, 22 kV tới hạ thế.
Đường dây điện 110 kV cần phải di dời khi thi công cầu vượt ngang huyện lộ 46 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ.
Số máy móc cần huy động phục vụ thi công có kích thước lớn nên nếu hệ thống đường điện không được di dời, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động trong quá trình triển khai công việc.
“Dù hạ tầng đường điện hiện chưa ảnh hưởng quá nhiều tới việc thi công nhưng về lâu dài, nếu không được di dời kịp thời thì tiến độ một số hạng mục có thể bị chậm. Đơn vị cũng đã trao đổi với chủ đầu tư và chính quyền địa phương sớm triển khai việc di dời đường điện nằm trong phạm vi ảnh hưởng giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án”, ông Huỳnh Tấn Bản cho hay.
Hệ thống đường điện hạ thế nằm trong phạm vi GPMB khi xây dựng cầu Đại Thanh vượt sông Vượng Lộc (huyện Can Lộc).
Vướng mắc hạ tầng đường điện cũng xuất hiện tại một số vị trí thi công gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, nhất là tại các khu vực được thiết kế xây dựng cầu vượt, như cầu vượt ngang huyện lộ 46 qua xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ), cầu vượt Đại Thanh bắc qua sông Vượng Lộc (huyện Can Lộc)…
Hệ thống đường điện nằm trên tuyến tỉnh lộ 553 đoạn qua xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà hiện chưa được di dời.
Trong khi đó, tại gói thầu xây lắp 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua Hà Tĩnh do liên danh nhà thầu, gồm Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường - Công ty cổ phần 471 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập đảm nhận thi công cũng gặp một số khó khăn khi hạ tầng đường điện nằm trên tuyến cao tốc chưa được di dời.
“Trong đoạn tuyến đơn vị phụ trách có 3 cây cầu vượt. Hiện nay, đơn vị đang tập trung triển khai bãi thi công đúc dầm cầu và làm mặt bằng thi công cầu vượt. Khu vực xây cầu cần xử lý nền đất yếu trước khi thi công nhưng chưa triển khai được do ở đây đang có khá nhiều hệ thống đường điện đi qua mà địa phương lại chưa thể di dời”, ông Doãn Trọng - phụ trách thi công Công ty cổ phần 471 cho hay.
Việc di dời hạ tầng lưới điện phục vụ công tác GPMB cao tốc Bắc - Nam khá phức tạp nhưng các địa phương ở Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công việc.
Với 102,38 km tuyến chính cao tốc cùng 12,18 km của 3 tuyến kết nối cao tốc, Hà Tĩnh cần phải di dời 478,62 km đường điện (2,08 km đường dây 500 kV; 2,44 km đường dây 220 kV; 1,6 km đường dây 110 kV; 463 km đường dây trung thế; 9,5 km đường dây hạ thế).
“Các vướng mắc GPMB về hệ thống đường điện chưa di dời có liên quan tới công tác xử lý nền đất yếu. Vì thế, nếu không di dời sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án”, ông Nguyễn Đăng Cường - BQL Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) - chủ đầu tư 2/3 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam qua Hà Tĩnh (Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng) cho hay.
Các địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện, đảm bảo tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam.
Thời gian qua, song song với công tác kiểm đếm, bồi thường GPMB đất đai nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án, triển khai các bước xây dựng khu tái định cư, chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng thi công, bãi đổ thải (không phải chất thải nguy hại), các địa phương ở Hà Tĩnh cũng lên phương án cho việc di dời hạ tầng, công trình kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB tuyến cao tốc Bắc - Nam, trong đó có hệ thống đường điện.
Dù có nhiều cố gắng nhưng với việc thủ tục di dời hạ tầng đường điện, nhất là điện cao thế, trung thế khá phức tạp, các địa phương - đơn vị chịu trách nhiệm trong công tác GPMB đang gặp nhiều khó khăn.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi qua huyện Can Lộc đang được triển khai thi công.
Để chủ động trong công tác di dời hạ tầng đường điện, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và đơn vị phụ trách ngành điện trên địa bàn tỉnh (Công ty Điện lực Hà Tĩnh, Truyền tải điện Hà Tĩnh) về trình tự, thủ tục lập, phê duyệt phương án và kinh phí di dời.
Công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó có di dời hạ tầng đường điện đang được các địa phương ở Hà Tĩnh triển khai đúng kế hoạch.
Tới nay, với hệ thống đường dây 220 kV, 500 kV (thuộc các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ và TX Kỳ Anh), 3 địa phương là Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ đã có văn bản trình Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia thỏa thuận phương án di dời.
Với hệ thống đường dây 110 kV (thuộc các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ), 2 địa phương là Thạch Hà, Đức Thọ đã có văn bản trình Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thỏa thuận phương án di dời.
Theo thống kê, Hà Tĩnh cần phải di dời 478,62 km đường điện các loại phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam.
Đối với hệ thống đường điện 35 kV trở xuống, huyện Can Lộc đã có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng việc di dời hệ thống đường điện và đang thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu cho phần việc này.
2 huyện Đức Thọ và Kỳ Anh đã có văn bản đề nghị Sở Công thương thẩm định bản vẽ thi công công trình di dời, cải tạo đường điện phục vụ GPMB dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Các địa phương còn lại là Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh hiện đang làm việc với Công ty Điện lực Hà Tĩnh để hoàn tất các bước trước khi trình thẩm định phương án di dời đường điện.