Từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đón tiếp từ 140 đến 160 trẻ đến khám chữa bệnh. Trong số đó, có 60 - 80 trẻ phải ở lại điều trị nội trú tại Khoa Nhi và số bệnh nhân bị tiêu chảy cấp chiếm khoảng 50%; số bệnh nhi tiêu chảy cấp mỗi ngày tăng gấp 4 lần so với bình thường.
Bác sỹ Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra diễn biến của bệnh nhân Nguyễn Trung Kiên.
Cháu Nguyễn Trung Kiên, 13 tháng tuổi, xã Thạch Lạc (Thạch Hà) nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, kèm với đi ngoài phân lỏng như nước.
Chị Nguyễn Thị Oanh, mẹ của cháu Kiên chia sẻ: “Cháu đang ở độ tuổi tập ăn dặm thì lại trùng vào thời điểm nắng nóng, do đó trong quá trình chăm sóc có thể do chế biến thức ăn hoặc chưa vệ sinh tay sạch sẽ nên cháu bị bệnh tiêu chảy cấp. Sau hai ngày điều trị, cháu đã đỡ hơn nhiều”.
Chị Nguyễn Thị Lành, Thạch Kim (Lộc Hà) đưa con vào điều trị trong tình trạng bệnh trở nặng, bộc bạch: “Ở nhà thấy cháu đi ngoài nhiều lần, tôi đã mua thuốc về cho cháu uống, nhưng uống vào không khỏi mà cháu lại càng đi ngoài nhiều lần hơn và trong phân có lẫn máu, không chịu ăn, ngủ li bì. Tôi đã đưa cháu vào viện, sau điều trị 4 ngày, hiện sức khỏe đã tốt hơn”.
Bác sỹ tư vấn cho gia đình cách phòng tránh tiêu chảy cho trẻ trong mùa nắng nóng.
Thạc sỹ Đặng Quang Minh, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Mùa hè, nhiệt độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus dễ bùng phát và xâm nhập qua đường thức ăn, đồ uống gây bệnh cho con người. Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh, trong đó nguy cơ cao nhất là trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng và người bị suy giảm miễn dịch.
Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa, qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn. Điều này rất dễ xảy ra khi chúng ta không rửa tay, vệ sinh dụng cụ chế biến thức ăn; không bảo quản thức ăn đúng cách (ruồi nhặng bâu đậu, thức ăn để lâu, nhiệt độ không đúng quy định)
Tiểu chảy cấp sẽ làm mất nước và rối loạn điện giải, gây ảnh hưởng tiêu cực và nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Càng tiêu chảy nhiều lần trong ngày thì hiện tượng mất nước và mất chất điện giải ngày càng tăng làm cho bệnh nhân bị trụy tim mạch cấp tính, trong một khoảng thời gian ngắn có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn các loại thức ăn mềm, cháo, súp (Ảnh minh họa).
Do đó, trẻ bị tiêu chảy cấp cần phải bù nước (100ml nước/1 lần đi tiêu) và cần cho trẻ ăn nhiều hơn 1 - 2 cữ so với các bữa ăn hàng ngày, thức ăn phải loãng, dễ tiêu hóa. Thường xuyên rửa tay cho trẻ với nước sạch và xà phòng, đặc biệt vào các thời điểm, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Cho trẻ ăn các thức ăn vừa được nấu chín, uống nước đã được đun sôi.
Để hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm, trẻ cần phải được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
Để hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm, trẻ cần phải được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Ảnh: Tiêm phòng cho trẻ tại Trạm Y tế xã Thạch Trung.
"Khi thấy trẻ có một trong các biểu hiện: sốt liên tục, ói không cầm, ăn uống kém, ngủ li bì, đi phân lỏng có máu, khát nước (đòi uống liên tục)…, cần đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng của bệnh.
Không nên tự mua thuốc ngoài uống, càng không được cho trẻ uống những chế phẩm làm ngừng tiêu chảy tạm thời khác" - bác sỹ Minh khuyến cáo.