Nét đẹp thờ cá voi của ngư dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Để gìn giữ, phát huy nét văn hóa chôn cất và thờ cúng cá voi trong đời sống, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo các di tích thờ cá voi.

Nét đẹp thờ cá voi của ngư dân Hà Tĩnh

Miếu Đức Ngư Ông xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vừa được trùng tu với kinh phí 1,8 tỷ đồng

Nằm ngay sát mép biển của làng chài thôn Bắc Hải (xã Thạch Hải, Thạch Hà), đền thờ Đại Thần Ngư hay còn gọi là thờ Cá Ông vừa được bà con nhân dân ở đây trùng tu, tôn tạo. Với kinh phí hơn 200 triệu đồng từ sự đóng góp của người dân các làng chài trên địa bàn và con em xa quê, ngôi đền được cơi nới từ diện tích khoảng 20m2 đến hiện tại là 56m2, gồm 3 tòa điện thờ khang trang.

Nét đẹp thờ cá voi của ngư dân Hà Tĩnh

Ông Hoàng Dương (bên phải) Trưởng thôn Bắc Hải (Thạch Hải, Thạch Hà) tại đền thờ Đại Thần Ngư vừa được bà con nhân dân ở đây trùng tu, tôn tạo.

Ông Hoàng Dương - Trưởng thôn Bắc Hải cho biết: “Từ nhỏ, chúng tôi luôn được thế hệ đi trước dạy rằng, việc thờ cúng đức Ngư Ông nhằm bày tỏ lòng biết ơn vì ngài đã cứu giúp chúng tôi qua những cơn hoạn nạn trên biển. Vì thế, ai cũng dành tâm thành kính cho đền thờ Đại Thần Ngư của làng. Không chỉ dâng lễ vật vào dịp giỗ ngài, bà con còn đồng lòng quyên góp để thường xuyên trùng tu, tôn tạo đền thờ và lăng mộ”.

Xã Thạch Hải có 5/5 thôn, hơn 75% số hộ dân sinh sống chủ yếu dựa vào nghề biển. Riêng thôn Bắc Hải có 234 hộ, 100% đều làm ngư nghiệp. Vì thế, tín ngưỡng thờ cá voi ở đây rất được coi trọng. Tương truyền, đền thờ cá voi tại thôn Bắc Hải được thành lập từ cuối thế kỷ XIX, sau khi một xác cá voi lớn dạt vào đây và được người dân chôn cất tử tế. Cho đến nay, đã có 5 xác cá voi dạt vào bờ biển này, tất cả đều được chôn cất bằng nghi lễ thiêng liêng tại khu vực đền.

Nét đẹp thờ cá voi của ngư dân Hà Tĩnh

Đền thờ Đại Thần Ngư ở thôn Bắc Hải (Thạch Hải, Thạch Hà) vừa được Nhân dân đóng góp kinh phí 200 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo.

Ngoài đền Đại Thần Ngư được gọi là đền Cá Ông, ở Thạch Hải còn có một đền thờ cá voi khác gọi là đền Cá Bà hay Quản Bà nằm ở thôn Nam Hải. Thời gian gần đây, đền cũng đã được bà con địa phương đóng góp để trùng tu, tôn tạo. Rất nhiều hoạt động của người dân bản địa đã được tổ chức tại đây, nhất là việc thực hiện các nghi lễ liên quan đến nghề nghiệp của ngư dân.

Tục thờ cá voi hầu như có ở khắp các làng biển Hà Tĩnh. Chính vì thế, nhiều xã ven biển khác ở Hà Tĩnh cũng có đền thờ cá voi. Đền Ngư Ông còn có ở các xã như: Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Thạch Kim (Lộc Hà), Cương Gián, Xuân Yên (Nghi Xuân), Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh)… Ở đâu, người dân cũng quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo di tích.

Nét đẹp thờ cá voi của ngư dân Hà Tĩnh

Gian điện thờ khang trang bên trong miếu Đức Ngư Ông ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên)

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Ở đây, miếu Đức Ngư Ông là di tích thiêng liêng được bà con ngư dân dày công chăm sóc. Vừa qua, miếu đã được đầu tư 1,8 tỷ đồng để tôn tạo. Trong đó, con em xa quê cùng bà con đóng góp 400 triệu đồng”.

Miếu Đức Ngư Ông ở xã Cẩm Nhượng được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh. Theo lịch sử, miếu được thành lập vào thế kỷ XV theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông. Tương truyền, khi vị vua này công du vào Hà Tĩnh đi qua vùng biển Cửa Nhượng thì gặp dông tố và được một con cá voi hộ thuyền. Sau khi vào bờ an toàn, vua Lê Thánh Tông đã ban lệnh lập miếu thờ để bày tỏ lòng biết ơn với loài cá có công hộ giá này.

Nét đẹp thờ cá voi của ngư dân Hà Tĩnh

Bên cạnh lập đền/miếu thờ những xác cá voi dạt bờ cũng được người dân chôn cất xây mộ tử tế. Ảnh: Khu mộ cá voi ở thôn Bắc Hải (Thạch Hải, Thạch Hà)

Theo ông Cao Trọng Tình (60 tuổi, ở thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân), bản thân ông đã nhìn thấy cá voi giúp đỡ hộ thuyền mình vào mùa hè cách đây 15 năm. Ký ức về trận cuồng phong khủng khiếp trên biển Kỳ Xuân cũng như sự may mắn được cá voi hộ thuyền thoát nạn vào đêm 1/5/2015 khiến ông Tình nhớ mãi. Vì lý do đó, chính ông là một trong những người đầu tiên đã chôn cất một xác cá voi dạt vào bờ biển thôn Lê Lợi và lập miếu thờ Ngư Ông tại đây...

Tục thờ cúng đức ngư Ông - cá voi thể hiện nét đẹp “đền ơn, đáp nghĩa” trong truyền thống văn hóa của người Hà Tĩnh nói riêng và người Việt nói chung. Việc chính quyền và người dân tại nhiều vùng biển Hà Tĩnh quan tâm trùng tu di tích đền/miếu thờ cá voi gần đây cho thấy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng này đang được phát huy rõ nét.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.