Nghệ nhân háo hức “nhập cuộc” Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân sau nhiều lần trì hoãn do dịch COVID-19

(Baohatinh.vn) - Còn ít ngày nữa Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lần thứ 3 sẽ chính thức khai mạc, nhưng thời điểm này, nhiều nghệ nhân “miền đất hát” đã sẵn sàng để trình diễn các làn điệu ca trù độc đáo.

Nghệ nhân háo hức “nhập cuộc” Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân sau nhiều lần trì hoãn do dịch COVID-19

Các nghệ nhân, diễn viên hăng say tập luyện, duyệt sân khấu trong chiều 2/12.

Được chuẩn bị từ đầu năm 2021, huyện Nghi Xuân đã quyết định tổ chức Liên hoan Ca trù toàn huyện lần thứ 3 vào ngày 5 - 6/12 tới. Liên hoan diễn ra tại xã Cổ Đạm sau 2 lần trì hoãn vì dịch bệnh COVID-19. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho liên hoan đã cơ bản hoàn tất.

Bà Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân, Trưởng Ban giám khảo liên hoan cho biết: “Tuy chỉ là liên hoan cấp huyện nhưng Nghi Xuân vốn được coi là cái nôi của ca trù Hà Tĩnh và là nơi có nhiều ca nương, nghệ nhân ca trù nhất tỉnh nên hoạt động này có ý nghĩa lớn, góp phần cùng các tỉnh, thành khác bảo vệ tốt di sản văn hóa phi vật thể của cha ông. Chính vì thế, chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất chu đáo.

Trong 9 tháng qua, chúng tôi đã tiến hành tìm kiếm các hạt nhân văn nghệ ở các trường học và địa phương trên toàn huyện để đào tạo các kỹ năng, kiến thức về hát và biểu diễn ca trù. Kết quả đã phát hiện và tập hợp được 80 học viên mới. Trung tâm đã phối hợp với các trường học, địa phương, tổ chức nhiều khóa tập huấn biểu diễn nghệ thuật ca trù cho các học viên. Qua đào tạo và sơ tuyển, có 38 nghệ nhân, diễn viên sẽ tham gia liên hoan lần này với hơn 70 tiết mục".

Tuy chỉ chọn được 38 thí sinh đủ điều kiện tranh tài nhưng việc tập hợp và đào tạo nhân tố mới đã tạo nên phong trào học hát ca trù trong đông đảo học sinh và Nhân dân Nghi Xuân. Từ đó nâng cao hiểu biết, ý thức, trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa của cha ông cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, miền đất hát Nghi Xuân lại có thêm những gương mặt mới, có thêm những nguồn yêu mới đối với ca trù.

Em Phan Thị Quỳnh Trâm - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Dù yêu thích ca trù từ lâu nhưng em chưa có cơ hội được học hát ca trù. Khi được các cô chú dạy, em đã hiểu sâu hơn về nghệ thuật dân gian độc đáo này. Qua một thời gian được các nghệ nhân nhiệt tình dạy bảo, em đã học được một số thể cách của ca trù và đã có thể tự tin biểu diễn nhiều thể cách khó. Tham gia liên hoan lần này, em sẽ biểu diễn 3 tiết mục, trong đó có 1 tiết mục biểu diễn trong lễ chào mừng và 2 tiết mục dự thi. Em đang rất háo hức chờ đợi được lên sân khấu”.

Nghệ nhân háo hức “nhập cuộc” Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân sau nhiều lần trì hoãn do dịch COVID-19

Ca nương trẻ Phan Thị Quỳnh Trâm là học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ.

Sau nhiều năm không lên sân khấu biểu diễn, ca nương Phan Thị Thùy Diễm (35 tuổi, CLB ca trù Nguyễn Công Trứ) cũng rất phấn chấn bởi đây là cơ hội để chị được thể hiện tình yêu, tâm huyết của mình với việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa ca trù.

Chị Thùy Diễm chia sẻ: “Thời gian qua, dù không biểu diễn nhưng tôi vẫn chăm chỉ rèn giũa giọng hát của mình, tìm tòi thêm các lời hát cổ, học hỏi cách hát của các thế hệ tiền bối và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tôi đến với liên hoan không phải để tranh tài mà là muốn được thấy sức sống của nghệ thuật ca trù trong xã hội, được truyền tình yêu với ca trù cho thế hệ trẻ”.

Nghệ nhân háo hức “nhập cuộc” Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân sau nhiều lần trì hoãn do dịch COVID-19

Sau nhiều năm chờ đợi, chị Phan Thị Thùy Diễm mong được lên sân khấu liên hoan để thể hiện tình yêu với ca trù.

Đối với những nghệ nhân vừa biểu diễn vừa phụ trách các CLB thì liên hoan không chỉ là cuộc giao lưu, gặp gỡ của những người yêu ca trù mà đây còn là cơ hội để phát hiện và đào tạo, kết nạp thêm thành viên mới, hình thành đội ngũ kế cận cho CLB. Chính vì thế họ có “niềm háo hức kép” khi đến với liên hoan.

Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Đài - kép đàn và là Chủ nhiệm CLB ca trù Cổ Đạm bày tỏ: “Ngoài đội ngũ ca nương khá đông, tôi rất vui vì tham gia liên hoan năm nay có 2 kép đàn và 4 quan viên mới được phát hiện và đào tạo. Hy vọng qua liên hoan lần này, các nhân tố mới này sẽ tiếp tục giữ niềm đam mê với nghệ thuật ca trù, bổ sung cho đội ngũ kép đàn và quan viên vốn còn thiếu người kế cận”.

Nghệ nhân háo hức “nhập cuộc” Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân sau nhiều lần trì hoãn do dịch COVID-19

Quan viên nhí Phùng Anh Nguyên (9 tuổi đến từ Trường Tiểu học Xuân Thành) tập luyện để chuẩn bị cho liên hoan.

Để đảm bảo phòng dịch COVID-19, Liên hoan Ca trù huyện Nghi Xuân năm 2021 sẽ diễn ra trong điều kiện hạn chế khán giả. Tuy vậy, nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ xã Cổ Đạm (nơi diễn ra liên hoan) vẫn chờ đợi và tự hào khi ca trù sẽ vang lên trên “miền đất hát” của mình.

Anh Nguyễn Quốc Toàn (Bí thư Đoàn xã Cổ Đạm) cho biết: “Ca trù là mạch nguồn sâu thẳm ở miền đất Cổ Đạm. Đã lâu lắm rồi, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng hát mới lại có dịp vang lên trên các thôn, xóm. Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi Liên hoan Ca trù lần thứ III của huyện Nghi Xuân được tổ chức trên mảnh đất quê hương Cổ Đạm - cái nôi của nghệ thuật ca trù Nghi Xuân. Dù chỉ có một bộ phận người dân được xem trực tiếp các tiết mục tại liên hoan nhưng tôi tin hoạt động này sẽ thức dậy niềm yêu mến ca trù trong lòng Nhân dân, nhất là ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ca trù trong giới trẻ”.

Nghệ nhân háo hức “nhập cuộc” Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân sau nhiều lần trì hoãn do dịch COVID-19

Đội ngũ nhân viên thiết kế sân khấu tại hội trường xã Cổ Đạm hoàn tất những khâu cuối cùng để phục vụ liên hoan.

Sân khấu đã dựng, chiếu hát đã bày, 38 ca nương, diễn viên đang rất háo hức đợi chờ chiếc màn nhung của sân khấu liên hoan khai mở để có thể đem tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng phách của mình thả vào tâm hồn những người yêu mến nghệ thuật dân gian. Còn người dân Cổ Đạm nói riêng và người dân Nghi Xuân nói chung cũng đang mong chờ những giá trị của di sản văn hóa độc đáo này lan tỏa vào đời sống.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có ca trù, được chúng tôi xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nghi Xuân, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Liên hoan Ca trù toàn huyện lần này nhằm lan tỏa hơn nữa giá trị của nghệ thuật ca trù, đồng thời nâng cao ý thức của người dân đối với di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp như UNESCO đã công nhận năm 2009. Hiện tại, công tác tổ chức liên hoan đã được chúng tôi hoàn tất và an toàn phòng dịch COVID-19 sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Trưởng BTC Liên hoan

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.