Nghị lực vượt khó của đôi vợ chồng khiếm thị

(Baohatinh.vn) - Dù bị khiếm thị song vợ chồng ông Đinh Văn Thuận (SN 1966) và bà Hồ Thị Lê (1968) ở thôn Côn Sơn, xã Sơn Tiến (Hương Sơn, Hà Tĩnh) luôn nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nghị lực vượt khó của đôi vợ chồng khiếm thị

Vợ chồng ông Đinh Văn Thuận, bà Hồ Thị Lê.

Từ khi sinh ra, đôi mắt của ông Thuận đã khá yếu, không thể nhìn rõ mọi vật giống như người bình thường. Đến khi lớn lên, mắt ông càng yếu hơn và bị mù hẳn. Từ đó, cuộc sống của ông gắn liền với bóng tối. Thế rồi, khi đến tuổi lập gia đình, ông gặp được bà Hồ Thị Lê, cũng là người khiếm thị. Một mắt của bà Lê không còn nhìn được, mắt còn lại thị lực 2/10.

Sau khi gặp nhau, hai con người có cùng hoàn cảnh khó khăn đã có sự đồng cảm sâu sắc. Năm 1993, họ quyết định kết hôn chỉ với một mong muốn nương tựa vào nhau vượt qua những khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống.

Nghị lực vượt khó của đôi vợ chồng khiếm thị

Vợ chồng ông Thuận luôn động viên nhau vượt qua khó khăn

Lập gia đình và ra ở riêng, hai vợ chồng phải lo toan đủ thứ và trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Bà Lê kể lại: “Lúc mới ra ở riêng, 2 vợ chồng tôi dựng một căn nhà tre lợp bằng lá cọ ở giữa mảnh đất đồi, xung quanh cây cối um tùm, đất đai đá sỏi, khô cằn. 2 bên gia đình nội, ngoại cũng khó khăn nên chúng tôi động viên nhau, còn sức khỏe là còn làm việc được. Thế rồi, tôi cùng chồng phát quang cây cối để trồng rừng, trồng cỏ chăn nuôi. Tuy ông ấy không thấy được nhưng chỉ cần tôi hướng dẫn vài lần đã có thể cảm nhận và làm tốt công việc”.

Niềm vui của gia đình ông Thuận được nhân đôi khi 2 con trai lần lượt chào đời vào năm 1995 và 1998, đều rất khỏe mạnh và bình thường như bao đứa trẻ khác. Có con, ông bà có thêm động lực để chăm chỉ làm việc hơn nữa nhằm phát triển kinh tế.

Trong gian khổ, vợ chồng bà luôn hấu hiểu, cảm thông, yêu thương, chia sẻ để cùng nhau vượt qua. Dù những ngày mới lập nghiệp, con cái còn nhỏ, cuộc sống khó khăn, song vợ chồng bà không nản chí. Để kiếm thêm thu nhập, vợ chồng bà Lê nhận làm chổi đót tại nhà để kiếm thêm thu nhập.

Ông Thuận nhớ lại: “Thời gian đầu, vợ chồng tôi nhận đan chổi đót tại nhà. Tuy nhiên, phần vì mắt không nhìn thấy, phần vì chưa quen tay nên sản phẩm có mẫu mã không đẹp, bán không được giá. Về sau, vợ tôi ân cần hướng dẫn nên tôi làm được đẹp hơn, từ đó chổi cũng bán được nhiều, gia đình có thêm đồng ra, đồng vào”.

Nghị lực vượt khó của đôi vợ chồng khiếm thị

Nhờ trồng keo, trồng trện... nên đời sống của vợ chồng ông Thuận ngày một khá giả hơn.

Song song với việc làm chổi, vợ chồng ông Thuận đã vay vốn ngân hàng để mua bò, mua dê chăn nuôi. Thời gian đầu do kinh nghiệm không có, thị lực kém nên gia súc trong nhà thường xuyên mắc bệnh, phát triển không tốt. Không nản chí, vợ chồng ông Thuận tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ các hộ xung quanh và tham gia vào các lớp tập huấn do địa phương tổ chức. Đến nay, gia đình ông Thuận luôn duy trì đàn bò 8 con, 10 con dê và hơn 200 con bồ câu cùng gà, vịt… Mỗi năm, đàn gia súc, gia cầm của gia đình mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông bà còn trồng thêm cây sắn, trện (cây rành rành), bưởi da xanh, mít… để có thêm thu nhập.

Không dừng lại ở đó, hơn 5 năm trước, khi đã có vốn trong tay, vợ chồng ông Thuận quyết định mua thêm 4 ha đất đồi gần nhà để trồng keo. Vất vả trên từng tấc đất khô cằn, đến năm 2022, gia đình ông thu được quả ngọt khi số cây keo bán được hơn 400 triệu đồng.

Nghị lực vượt khó của đôi vợ chồng khiếm thị

Ông Thuận vui mừng khi có điều kiện để sửa sang lại ngôi cũ.

Đến nay, sau nhiều năm nỗ lực, gia đình ông Thuận đã thoát cảnh nghèo khó, trả hết nợ và vươn lên làm giàu. Ông Thuận vui mừng chia sẻ: “Để có được ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là hội người mù các cấp đã tạo điều kiện về nguồn vốn để gia đình tôi có thể đầu tư, phát triển kinh tế. 30 năm sống bên nhau, tổ ấm của vợ chồng tôi luôn rộn rã tiếng cười cùng sự lạc quan, yêu đời...".

Bà Lê cho hay: “Dù chồng tôi mắt không thấy được gì nhưng những việc trong nhà hoặc việc cho dê, cho bò ăn… ông ấy đều quán xuyến được. Dẫu ông trời không cho đôi mắt nhưng bù lại chồng tôi may mắn có được sức khỏe và cảm nhận nhạy bén với vạn vật xung quanh”.

Đối với người bình thường thì những thành quả trên có thể không quá lớn. Song với những người khiếm thị như vợ chồng ông Thuận, bà Lê thì đó là cả một kỳ tích đáng trân trọng. Với ý chí và nghị lực, vợ chồng ông Thuận đã vượt qua mặc cảm, khó khăn để vươn lên tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy.

Nghị lực vượt khó của đôi vợ chồng khiếm thị

Vợ chồng ông Thuận luôn cởi mở, cùng trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế cùng mọi người xung quanh.

Ông Phan Xuân Long - Chủ tịch UBND xã Sơn Tiến đánh giá: “Vợ chồng ông Thuận, bà Lê là tấm gương vượt khó, có ý chí, nghị lực, kiên cường vượt lên số phận, khẳng định quyền làm chủ cuộc đời mình và trở thành người có ích cho xã hội. Với các hoạt động xã hội, vợ chồng ông Thuận đều nhiệt tình tham gia, khơi dậy tinh thần vượt khó cho mọi người. Tấm gương của gia đình xứng đáng để mọi người học tập, noi theo”.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast