Ngư dân Mai Phụ hối hả ra cửa sông câu cá sau những ngày mưa lớn.
Khu vực Cửa Sót là vùng hạ du sông Nghèn, có chiều dài trong vùng đất liền ra đến cửa biển khoảng 5 km. Đây là nơi giáp ranh giữa các xã Thạch Kim, Thạch Châu, Mai Phụ, Hộ Độ, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) với xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà).
Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 10 đến tháng 2 âm lịch năm sau (khoảng tháng 11 đến tháng 3 dương lịch năm sau) là thời điểm có nhiều cá đục, cá đuối, cá hanh, cá chai, cá móm... tập trung vào vùng cửa biển này nên người dân quanh vùng rầm rộ đi câu.
Miệt mài mưu sinh giữa trời mưa.
Là một ngư dân lão luyện trong nghề câu, ông Phạm Ngọc Tiến ở thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ) chia sẻ: “Khoảng thời gian này nước lạnh, biển động, mưa nhiều, nước lũ từ thượng nguồn về kéo theo phù du nên nhiều cá từ biển vào vùng cửa sông này để vừa tìm kiếm thức ăn vừa tìm nơi tránh trú, sinh sản. Mặt khác, do hạ du sông Nghèn mùa này nước rất lớn, chảy xiết, các loài cá ăn tầng đáy... nên việc buông lưới, đóng đáy và đánh bắt bằng các phương pháp khác ở khu vực này không hiệu quả bằng câu”.
Những con thuyền nhỏ neo giữa dòng lạch Cửa Sót lặng lẽ buông câu lúc sáng sớm.
Cũng theo ông Tiến, ngư dân trong vùng đều hiểu tập tính kiếm ăn, môi trường của các loài cá: cá đục, cá móm, cá chai thích ăn vào ban ngày, đi ăn theo từng đàn, ăn ở tầng đáy, nhất là những bãi bồi; còn cá đuối, cá hanh thì thường ăn vào buổi đêm... Kinh nghiệm của ông Tiến cũng cho thấy, lúc thủy triều lên hoặc xuống là thời điểm các loài cá này thích kiếm ăn nhất, còn lúc nước tĩnh lặng thì câu không hiệu quả.
Những con cá đục tươi ngon liên tiếp cắn câu.
Là người đam mê câu cá và chủ yếu để mưu sinh nên anh Nguyễn Huy Hoàng ở thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ) cùng bạn nghề là Phan Văn Cường thường xuyên có mặt ở các bãi bồi quen thuộc để buông cần, bất kể ngày đêm.
Đồ đạc phục vụ một chuyến câu của anh Hoàng và bạn nghề là một con thuyền dài 6m với công suất 16 CV, 6 - 8 bộ đồ câu, 1 hộp mồi, hộp đựng cá có sẵn đá lạnh, nước uống, đồ ăn nhẹ, quần áo mưa...
Bạn nghề đi cùng thuyền anh Hoàng khoe thành quả của một buổi câu.
Anh Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Tùy thuộc vào thời tiết, con nước... mà chuyến câu thường kéo dài từ 3 - 4 tiếng, 2 người mỗi ngày đêm có thể câu 2 - 3 chuyến, một lúc thả 6 - 8 cần câu dưới nước.
Nếu thuận lợi, bình quân mỗi chuyến đi câu, một ngư dân kiếm được 2 - 3 kg cá các loại. Vì tươi ngon, chưa qua bảo quản nên các loại cá được bán ngay tại bến với giá 150 – 170 nghìn đồng/kg loại kích cỡ nhỏ, 350 – 400 nghìn đồng/kg cá loại lớn. Sau khi trừ chi phí, mỗi chuyến câu chúng tôi có thu nhập từ 350 - 600 nghìn đồng/người”.
Với mớ cá đục tươi ngon này, buổi câu của anh Hoàng cho thu nhập gần 600 nghìn đồng.
Đối với nhiều người hành nghề trong vùng, đi câu không phải đầu tư nhiều, nhưng vừa cho thu nhập tốt vừa có tính giải trí cao, giúp giải tỏa mọi mệt nhọc. Vào những ngày đẹp trời, thủy triều lên xuống thuận lợi, ở khu vực Cửa Sót có khoảng 50 – 70 thuyền câu của người dân các xã Mai Phụ, Hộ Độ, Thạch Kim và các địa phương lận cận khác trong vùng hoạt động khá nhộn nhịp. Vì câu gần bờ nên đội thuyền khá nhỏ, công suất dưới 20 CV hoặc không có động cơ, đủ cho 2 - 3 người ngồi câu.
Tham gia hành nghề tại khu vực Cửa Sót, ngư dân thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ) chiếm số lượng đông nhất với 35 thuyền và hàng chục lao động lành nghề; nhất là các “cần thủ” cừ khôi như ông: Nguyễn Lan, Phạm Ngọc Tiến, Lê Văn Hợi, Lê Xuân Tạo... Nếu chăm chỉ, người đi câu ở vùng này có mức thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng/ngày đêm; những ngày may mắn có thể hơn 3 triệu đồng.
Cách đây 4 ngày, anh Lê Xuân Tạo may mắn câu được con cá đuối nặng gần 8 kg này, bán được gần 3 triệu đồng.
Ông Đào Anh Văn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Phụ cho biết: “Nghề câu cho sản lượng đánh bắt không nhiều nhưng phù hợp với môi trường khai thác đơn giản và đội tàu công suất nhỏ của ngư dân trên địa bàn. Vào mùa này, mỗi thuyền câu có thể cho thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng/người/ngày đêm, góp phần giải quyết việc làm vào mùa mưa lụt nhàn rỗi, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân.
Ngoài việc động viên, khuyến khích bà con sản xuất, cải thiện cuộc sống thì chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người phải đảm bảo an toàn khi làm nghề trong mùa mưa bão”.