Người dân thiếu ý thức, âu thuyền Cửa Sót ngày càng ô nhiễm

(Baohatinh.vn) - Khu vực âu thuyền Cửa Sót ở xã Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang ngày càng bị ô nhiễm do sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân.

Ngay trên mặt kè bao quanh âu thuyền Cửa Sót (do Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh phụ trách) nhiều đoạn đầy rẫy cỏ cây chết khô, ngư cụ hư hỏng, các loại ống bị bể, những đồ dùng cũ, rác thải sinh hoạt khác...

Dưới âu thuyền, mỗi ngày có khoảng 100-300 tàu, thuyền lớn nhỏ với khoảng 500-700 lượt ngư dân trong và ngoài tỉnh vào neo đậu, bán hải sản, sinh hoạt, nhưng ý thức bảo vệ môi trường chung của họ còn hạn chế. Hằng ngày, hằng giờ, ngư dân vào đây vô tư xả toàn bộ túi bóng, nước bẩn (ảnh), ngư cụ hư hỏng, các vật dụng bằng nhựa và nhiều loại rác khác từ tàu, thuyền ra môi trường...

Đáng lo ngại nhất là ở âu thuyền Cửa Sót hiện đang có hàng chục ống nước thoát thải lớn nhỏ, chưa qua xử lý, chủ yếu từ các khu vệ sinh của khoảng 500 hộ dân hàng ngày chảy ra (Trong ảnh: đường ống nước thải ở khu vực giáp ranh giữa thôn Xuân Phượng và thôn Hoa Thành xả ra âu thuyền).

Môi trường quanh khu vực âu thuyền đang bị ô nhiễm và có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. Những lúc thủy triều rút, khắp âu thuyền nổi lên những bãi rác kéo dài, dày đặc với túi bóng, chăn chiếu, thùng xốp, cành cây mục, ngư cụ hỏng...

Khi nước xuống, trong chiều dài khoảng gần 1 km của âu thuyền Cửa Sót có nhiều vị trí rác thải sinh hoạt dày đặc, nằm ngổn ngang khắp bờ kè hoặc trộn lẫn với bùn tạo nên những vùng nhầy nhụa...

Xen lẫn giữa những bãi rác dọc âu thuyền là các con thuyền đã bị hỏng lâu ngày không được thu dọn, xử lý nên bị mục nát và những ống thoát nước thải chưa qua xử lý từ khu dân cư (vòng tròn)

Và đây đó, những gì thừa thải trong bữa ăn đã được đẩy ra môi trường khiến dòng nước trở nên đen kịt, mùi hôi nồng nặc khắp nơi, mỹ quan bị ảnh hưởng mà sức khỏe người dân cũng bị bảnh hưởng...

Chúng tôi đã cố gắng tuyên truyền và thu gom, xử lý rác, nhưng với những gì đang diễn ra thì nguy cơ ô nhiễm môi trường ở đây là hiện hữu và về lâu dài rất khó xử lý.

Vì vậy, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường - chính là trực tiếp bảo vệ sức khỏe, cuộc sống và sinh kế của họ. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần lưu ý, cân nhắc quỹ đất để làm các bể lắng, bể xử lý nước, rác thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường và không nên tiếp tục xen dắm dân vào vùng gần âu thuyền.

Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh

Chủ đề Ô nhiễm môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói