Người nuôi tôm Kỳ Anh mạnh dạn đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất

(Baohatinh.vn) - Nhờ có hệ thống hạ tầng ao nuôi đồng bộ cùng với chính sách hỗ trợ của huyện, vụ tôm xuân hè này, người nuôi tôm xã Kỳ Hải (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) mạnh dạn đầu tư thâm canh tăng năng suất.

Người nuôi tôm Kỳ Anh mạnh dạn đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất

Hồ nuôi tôm mới được vỗ bờ xi măng của gia đình ông Phạm Văn Chinh

Cũng như nhiều hộ nuôi khác ở khu vực đồng tôm tập trung của xã, vụ nuôi năm 2020, do lũ lớn, gia đình ông Phạm Văn Chinh ở thôn Bắc Hải (Kỳ Hải) bị mất trắng 2 ao nuôi với 7.000m2, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.

Năm nay, đang loay hoay chưa nghĩ được giải pháp để giảm thiểu thiệt hại cho vụ nuôi mới thì ngay từ đầu năm, ông Chinh đã được tiếp cận chính sách hỗ trợ để nâng cấp hạ tầng hồ nuôi tôm từ Nghị quyết 105/NQ-HĐND, ngày 5/1/2021 của HĐND huyện về khuyến khích phát triển sản xuất.

Người nuôi tôm Kỳ Anh mạnh dạn đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất

Bờ bao bằng xi măng kiên cố sẽ hạn chế tối đa những thiệt hại vào mùa mưa lũ

Với việc đầu tư nâng cao bờ và vỗ bờ bằng xi măng cho 7.000m2 hồ, tổng số kinh phí ông Chinh bỏ ra hết 88 triệu đồng, trong đó được huyện hỗ trợ 32 triệu đồng. Sau hơn 1 tháng vừa nâng cấp ao hồ vừa cải tạo, xử lý nước, cuối tháng 3 vừa qua ông thả trên 5 vạn con giống, đến nay tôm sinh trưởng và phát triển rất nhanh, sắp vào vụ thu hoạch.

Ông Chinh phấn khởi cho biết: “Qua rất nhiều năm nuôi tôm, đây là năm tôi yên tâm nhất khi thả con tôm giống xuống ao. Hệ thống bờ bao xi măng được gia cố chắc chắn, thời tiết khá thuận lợi và dịch bệnh cũng không đáng kể. Nếu không có gì biến động, cuối tháng này sẽ bước vào thu hoạch. Do vụ này tôm hao hụt không đáng kể, nên với 5 vạn con giống, ước tính sẽ thu được trên 2 tấn tôm thương phẩm, trị giá khoảng 300 triệu đồng”.

Người nuôi tôm Kỳ Anh mạnh dạn đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất

Hồ nuôi mới được đầu tư của gia đình ông Nguyễn Văn Huyền

Ngay kế bên, ông Nguyễn Văn Huyền cũng có 2 hồ tôm với diện tích 8.000m2 vừa được vỗ bờ bằng xi măng từ chính sách hỗ trợ của huyện. Không chỉ có bờ bao đẹp và kiên cố, nốt công đầu tư, ông Huyền đã mua sắm, củng cố lại hệ thống điện lưới, quạt nước, đặc biệt các cụm động cơ kéo quạt nước được đóng hộp kín bằng khung sắt và lợp tôn để tránh mưa nắng nhằm kéo dài tuổi thọ cho máy.

Người nuôi tôm Kỳ Anh mạnh dạn đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất

Một trong những cụm động cơ kéo quạt nước được ông Huyền và những người nuôi tôm ở đây bảo quản cẩn thận.

Ông Huyền cho biết, việc đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa bờ bao và các hạng mục trong hệ thống hạ tầng ao nuôi sẽ nâng cao chất lượng sản xuất thâm canh lên một bước mới. Đặc biệt là an toàn về dịch bệnh cũng tốt hơn; mật độ tôm nuôi cũng được nâng lên giúp gia đình nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.

Cùng cánh đồng tôm sau quy hoạch nhưng tại thôn Nam Hải, với 2 ao nuôi diện tích gần 8.000m2, ông Trương Sông Thao thả 10 vạn con tôm giống Nam Mỹ, 300 con cua và 200 con cá vây vàng. Với kinh nghiệm gần 20 năm nuôi tôm, trong vụ này với điều kiện thời tiết thuận lợi, ông tập trung đầu tư khá lớn và đang hy vọng vào một vụ nuôi thắng lợi.

Người nuôi tôm Kỳ Anh mạnh dạn đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất

Hệ thống quạt nước cũng được thay mới

Ông Thao cho biết: “Mặc dù nuôi tôm đã lâu nhưng trước đây chỉ nuôi quảng canh nên chủ yếu dựa vào trời, được chăng hay chớ; năng suất, sản lượng thấp, thu nhập bấp bênh. Vụ nuôi này đồng tôm tập trung được đầu tư cải tạo nâng cấp, nên tư duy sản xuất của mình cũng thay đổi hẳn. Nhất là luôn phải tư duy đổi mới về giống, lựa chọn nguồn thức ăn cho tôm, kỹ thuật sản xuất thâm canh, đặc biệt là nắm vững cách phòng trừ dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro”.

Người nuôi tôm Kỳ Anh mạnh dạn đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất

Ông Thao kiểm tra định kỳ tôm nuôi.

Xã Kỳ Hải có 117 ha ao hồ nuôi tôm, cua và cá nước lợ. Mặc dù diện tích không lớn so với các địa phương khác nhưng xã có lợi thế về địa thế mặt bằng ao nuôi, được quy hoạch bài bản; nguồn nước có độ mặn hơn nên chất lượng thủy sản được đánh giá cao hơn.

Đặc biệt, năm 2020 dự án nâng cấp, mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh, với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững được hoàn thành. Vùng nuôi tôm thâm canh rộng 65ha được xây dựng hạ tầng kiên cố chính thức bàn giao cho hộ nuôi vào tháng 5/2020 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển hướng nuôi tôm thâm canh ở xã Kỳ Hải. Tuy nhiên, ở vụ nuôi thử nghiệm đầu tiên do gặp trận lũ lịch sử, nhiều hộ nuôi thiệt hại lớn.

Tạo thêm cú hích mới, năm nay, chính sách từ Nghị quyết 105/NQ-HĐND trong năm đầu triển khai đã đầu tư cho 4 hộ nâng cấp ao nuôi, vỗ bờ xi măng kiên cố với tổng diện tích trên 4ha, tổng kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ gần 150 triệu đồng.

Sau gần 3 tháng kể từ khi xuống giống vụ tôm 2021, qua kiểm tra, đánh giá, những diện tích hồ tôm được đầu tư nâng cấp đều cho kết quả vượt trội; tôm ít dịch bệnh, lớn nhanh và đều hơn, đặc biệt giảm thiểu rủi ro khi mưa lũ về.

Người nuôi tôm Kỳ Anh mạnh dạn đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất

Những cánh đồng tôm này đang được xã Kỳ Hải chỉ đạo nâng cấp để chuyển dần sang nuôi bán thâm canh và thâm canh

Theo ông Võ Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Kỳ Hải xác định nuôi trồng thủy sản là một trong những mũi đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao tiêu chí thu nhập.

Theo đó, cùng với đầu tư xây dựng, củng cố về cơ sở hạ tầng vùng nuôi theo hướng tập trung, an toàn dịch bệnh, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân mạnh dạn tiếp cận chính sách để đầu tư trên quy mô lớn; từng bước chuyển đổi hình thức sản xuất từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.