Trước diễn biến của bão số 5, trên 60 hộ nuôi cá lồng bè xã Thạch Sơn (Thạch Hà) đã sớm giằng néo, kéo lồng bè vào sát bờ để tránh tình trạng bão lớn kèm mưa to kéo lồng bè trôi sông.
Anh Nguyễn Văn Thưởng (xóm Sông Hải) chia sẻ: “Gia đình mới đầu tư cho vụ nuôi mới nên đang rất lo lắng. Đến chiều 17/8, cùng với sự hỗ trợ từ cán bộ xã, 10 lồng nuôi với trên 1.500 con cá chẽm đã được cố định chắc chắn, đóng cọc sâu xung quanh bè nuôi”.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Trần Đình Khương cho biết: “Mưa lớn sẽ khiến môi trường nước ở các lưu vực sông biến động mạnh. Người nuôi cá trong lồng bè đối diện với nhiều thách thức như nhiệt độ nước, lượng oxy hòa tan trong nước, độ mặn, độ kiềm giảm đột ngột.
... Vì thế, sau khi có chỉ đạo của các cấp, UBND xã Thạch Sơn đã xuống trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn để người dân bố trí người canh lồng trong đêm nay đến khi bão tan, thường xuyên trục vớt bèo tây chảy về, hạn chế tình trạng bèo vây lồng làm thiếu oxy và một số biện pháp xử lý môi trường sau khi bão tan”.
Ngay trong chiều nay (17/9), người nuôi cá lồng bè trên sông Hộ Độ (xã Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh) cũng chuyển cá vào bờ, chạy bão. Mặc dù mỗi lần tránh bão như thế này, chủ nuôi chịu tổn thất cả chục triệu đồng vì cá chết, cá bị tróc vảy... nhưng, để lại trên sông thì “lành ít, dữ nhiều”.
Ông Lê Huy Chương, thôn Hạ (xã Thạch Hạ) cho biết: “Nhà tôi có 7 lồng, 42 ô, chủ yếu là nuôi cá chẽm, nay đã đạt trọng lượng từ 2 - 4 kg. Nghe tin bão lớn, mấy ngày nay, tôi đã chuyển dần cá vào ao nuôi. Đến chiều nay (17/9), chỉ mới chuyển được 30% tổng lượng cá, còn khoảng 4 tấn nữa chưa kịp. Chúng tôi phải tranh thủ từng chút thời gian nếu không thì không bị bão cuốn đi thì cá cũng khó thoát khi bara Đò Điệm xả lũ”.
Còn ông Lê Huy Lành, cùng ở thôn Hạ cũng tranh thủ giằng kéo lại lồng nuôi. Lượng đoán mùa mưa bão, ông đã thu hoạch cách đây không lâu. Hiện trong lồng chỉ còn khoảng 1.500 con cá chẽm.
Áp lực thời gian đang khiến những người nuôi cá lồng bè lo lắng không yên. Chậm nhất trong sáng mai (18/9), tất cả số cá phải được di chuyển đến nơi an toàn
Thời điểm này, người nuôi tôm ở các vùng nuôi lớn trên toàn tỉnh như huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… cũng đang tập trung thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho hồ nuôi.
Anh Nguyễn Đình Tuấn (Thạch Sơn, Thạch Hà) thông tin: “Hiện các hồ tôm mới thả nuôi đợt mới, tôm nhỏ, sức đề kháng chưa cao nên rất mẫn cảm. Hà Tĩnh được dự báo sẽ có mưa lớn, lúc đó nhiệt độ nước, Oxy, độ pH, độ kiềm và độ mặn giảm nhanh, các chất hữu cơ tạo ra nhiều hơn và tích tụ nhiều hơn dưới đáy ao làm ảnh hưởng lớn đến tôm".
... Vì thế, việc đầu tiên mà các hồ nuôi cần nhất trong điều kiện thời tiết xấu chính là sẵn sàng bật tất cả các thiết bị sục khí/quạt nước, tạo hàm lượng oxy cao hơn bình thường 20% và tạo khả năng rút nước tầng mặt để nước mưa chảy ra...
... Đồng thời, thường xuyên kiểm tra sức khỏe của con tôm, khả năng phản xạ để có phương án xử lý kịp thời nhất
Trong khi đó, anh Nguyễn Hưng (Liên Hà, xã Thạch Hạ) đang kiểm tra lại toàn bộ hệ thống bờ bao, xử lý môi trường ao nuôi để hạn chế tác động thấp nhất từ môi trường đến ao nuôi. "Trường hợp mất điện, sẽ dùng máy phát, thực hiện ngay các biện pháp tạo khí cho tôm, tránh thiệt hại đáng tiếc”, anh Hưng cho biết.
Theo Trưởng phòng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) Nguyễn Thị Hoài Thúy: "Người nuôi cần có kế hoạch điều tiết nước trong mưa lũ nhằm hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi. Trong thời điểm có mưa thì không nên làm các hoạt động xáo trộn mặt nước mà nhanh chóng rút nước ở tầng mặt của ao từ các cửa phai của cống thoát, bổ sung khoáng chất, vitamin C vào thức ăn cho tôm...
... Đối với cá nuôi lồng bè thì cần bổ sung vitamin C vào thức ăn, cho ăn với lượng ít. Đặc biệt, cần chủ động theo dõi môi trường, sức khoẻ của cá sau khi bão tan để báo với cơ quan chức năng nếu có diễn biến bất lợi…