Người trong cuộc nói gì về giảng dạy các môn học tích hợp ở Hà Tĩnh?

(Baohatinh.vn) - Triển khai dạy các bộ môn tích hợp trong khi đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng đã đặt ra nhiều khó khăn cho các nhà trường. Để khắc phục khó khăn đó, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã linh hoạt chỉ đạo các trường xây dựng chương trình, bố trí đội ngũ, đảm bảo chất lượng dạy học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THCS có 2 môn tích hợp mới, đó là Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) và Khoa học xã hội (Lịch sử - Địa lý). Đây là những môn tích hợp gây lúng túng cho các giáo viên bộ môn và các nhà trường trong quá trình triển khai.

Người trong cuộc nói gì về giảng dạy các môn học tích hợp ở Hà Tĩnh?

Phần kiến thức Hóa lớp 8 trong bộ môn Khoa học tự nhiên ở Trường THCS Đồng Tiến (Thạch Hà) được giáo viên bộ môn Hóa phụ trách.

Cô Phạm Thị Linh - giáo viên bộ môn Hóa - Trường THCS Đồng Tiến (Thạch Hà) bày tỏ: “Kiến thức chuyên ngành đào tạo của tôi là Hóa học, trong khi môn khoa học tự nhiên đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức chuyên sâu của cả 3 môn Lý, Hóa và Sinh. Vì thế, để đảm bảo chất lượng, tôi chỉ có thể đảm nhiệm phần kiến thức chuyên môn của mình”.

Nhiều giáo viên cho rằng, cái khó ở phần kiến thức môn Hóa còn ở việc phân phối chương trình trong sách có nhiều bất cập. Thời lượng kiến thức trong sách phân bố không hợp lý nên trong quá trình giảng dạy, bản thân giáo viên cũng phải linh hoạt, các em mới có thể làm chủ được kiến thức bài học.

Người trong cuộc nói gì về giảng dạy các môn học tích hợp ở Hà Tĩnh?

Cô Phạm Thị Linh - giáo viên bộ môn Hóa của Trường THCS Đồng Tiến (Thạch Hà) không ngừng tự học, tự nghiên cứu để đổi mới phương pháp giảng dạy.

Cùng khó khăn chung khi triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thầy Đào Xuân Anh - giáo viên Địa lý Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng (Hương Sơn) cho biết: Việc tích hợp các môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý) khiến chúng tôi hết sức lúng túng, bởi thực tế, mình chưa được tiếp cận các hoạt động tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp một cách bài bản. Để đảm bảo kiến thức cho học sinh và chất lượng chương trình, trước mắt, ngoài việc tăng cường công tác tự học và nghiên cứu thì giáo viên bộ môn nào vẫn thực hiện dạy học phần kiến thức của bộ môn đó”.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, thời gian qua, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các nhà trường linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học. Trên cơ sở chỉ đạo của ngành, các nhà tường đã xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tế và đội ngũ giáo viên ở từng đơn vị. Đồng thời, phân công giáo viên bộ môn nào sẽ thực hiện phần kiến thức của bộ môn đó.

Người trong cuộc nói gì về giảng dạy các môn học tích hợp ở Hà Tĩnh?

Giờ dạy phần kiến thức Địa lý trong môn Lịch sử và Địa lý của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng (Hương Sơn).

Thầy Nguyễn Đức Dân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng (Hương Sơn) thông tin: “Thời gian qua, trường đã nghiên cứu, bồi dưỡng thêm các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho các giáo viên tham gia giảng dạy bộ môn tích hợp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học chương trình mới. Quá trình đánh giá năng lực học sinh ở môn tích hợp cũng có sự đồng hành vào cuộc của Ban giám hiệu và tổ chuyên môn trong việc xác định từng phần kiến thức của mỗi môn để xây dựng ma trận đề thi phù hợp”.

Người trong cuộc nói gì về giảng dạy các môn học tích hợp ở Hà Tĩnh?

Tăng cường sinh hoạt tổ chuyên môn cũng là giải pháp để Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt các môn tích hợp.

Thấu hiểu những khó khăn nhà trường đang phải nỗ lực từng ngày để khắc phục, giáo viên Trường THCS Xuân Diệu đã tích cực phát huy tinh thần tự học, tự thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy mới.

Cô Lê Thị Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Diệu (Can Lộc) cho biết: “Để thực hiện yêu cầu đổi mới, điều quan trọng nhất là việc phát huy các năng lực, phẩm chất của học sinh. Theo đó, chúng tôi luôn xem nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu để đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các học liệu điện tử, các phần mềm giảng dạy là yếu tố hàng đầu. Bởi thế, để thực hiện có hiệu quả môn tích hợp, ngoài phân bổ kế hoạch dạy học linh động, giao giáo viên phụ trách giảng dạy theo từng phân môn, chúng tôi thường xuyên tăng cường công tác tập huấn ứng dụng các công nghệ mới vào giảng dạy”.

Người trong cuộc nói gì về giảng dạy các môn học tích hợp ở Hà Tĩnh?

Trường THCS Xuân Diệu (Can Lộc) tập huấn việc sử dụng màn hình tương tác thông minh trong dạy học.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhờ linh hoạt xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với từng đơn vị, đến thời điểm hiện tại, các trường THCS trên địa bàn toàn tỉnh đã vận hành có hiệu quả các môn tích hợp, đảm bảo yêu cầu đổi mới. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh giúp các em nhớ lâu, nhớ sâu hơn kiến thức. Học sinh cũng mạnh dạn, tự tin hơn khi bày tỏ quan điểm, hiểu biết của mình về bài học.

Để triển khai có hiệu quả các môn tích hợp, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các trường bố trí sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, sắp xếp giáo viên bộ môn nào thì sẽ giảng dạy kiến thức bộ môn đó. Qua quá trình triển khai cho thấy, việc giảng dạy môn tích hợp tại các lớp 6, 7 và 8 đã được các nhà trường thực hiện đảm bảo theo phân phối chương trình, học sinh nắm vững kiến thức bài học và phát huy được năng lực theo yêu cầu đổi mới. Ngành cũng đã phối hợp với các giảng viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các giáo viên giảng dạy bộ môn khoa học tự nhiên và sắp tới sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho các giáo viên giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Thầy Nguyễn Quốc Anh
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.