Người trồng đào phai ở Hà Tĩnh tuốt lá, canh hoa nở đúng dịp Tết

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, các hộ dân trồng đào phai tại Hà Tĩnh đang tất bật tuốt lá, chuẩn bị cho công đoạn chăm sóc nụ để đào nở đúng dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Thôn Hưng Thắng (xã Cẩm Hưng) là “thủ phủ” trồng đào phai nổi tiếng ở Cẩm Xuyên. Những ngày này, nhiều hộ trồng đào tại đây đang tập trung tuốt lá, tỉa cành, kỳ vọng đào sẽ bung nụ, nở hoa đúng dịp tết sắp tới.

Với hơn 300 gốc đào phai, gia đình ông Đặng Hữu Thái là một trong những hộ có diện tích trồng đào lớn tại thôn Hưng Thắng. Theo ông Thái, đào phai “bén duyên” với người dân địa phương hàng chục năm nay, vì vậy, mọi người đều có kinh nghiệm trồng và chăm sóc đào, “thời điểm vàng” cho công đoạn tuốt lá từ khoảng 20 đến 25/11 âm lịch hằng năm.

bqbht_br_j1.jpg
Vườn đào của ông Thái dự kiến cung cấp ra thị trường tết Ất Tỵ khoảng 150 gốc.

“Gia đình tôi có hơn 300 gốc đào phai, trong đó, khoảng 150 gốc đã đủ tuổi để bán ra thị trường. Tuốt lá là giai đoạn quan trọng cần thực hiện đúng thời điểm để cây tập trung dinh dưỡng, cho ra nhiều nụ, bung nở đúng dịp tết. Bên cạnh đó, việc tuốt lá cũng phải thực hiện thủ công, cẩn thận và tỉ mỉ, tránh ảnh hưởng đến các chồi nụ của cây” - ông Thái chia sẻ.

Cũng theo ông Thái, hiện nay, một số thương lái đã đến tận vườn để đặt hàng, giá bán dao động từ 500.000 – 2 triệu đồng tuỳ vào kích thước, hình dáng cây. “Nếu thời tiết thuận lợi, hơn 150 gốc đào phai sẽ cung cấp ra thị trường tết từ khoảng 20 đến 25 tháng Chạp, đem về cho gia đình doanh thu ước đạt khoảng 70-80 triệu đồng” – ông Thái chia sẻ.

bqbht_br_j3.jpg
bqbht_br_j2.jpg
Người dân làng đào Hưng Thắng tập trung tuốt lá để hoa nở đúng dịp tết.

Thôn Hưng Thắng hiện có khoảng 170 hộ dân trồng đào, trung bình mỗi hộ trồng khoảng 70-80 gốc. Ông Hà Văn Vỵ - Trưởng thôn Hưng Thắng cho biết: “Hiện nay, hơn 65% diện tích đào trên địa bàn thôn đã đủ tuổi để bán ra thị trường. Nắm bắt xu hướng chọn đào của nhiều khách sành chơi là theo các nhánh lẻ (3 nhánh, 5 nhánh, 7 nhánh...), sau công đoạn tuốt lá, người dân sẽ tập trung tỉa cành, chỉnh thế đào đẹp phục vụ khách hàng. Nghề trồng đào bán tết giúp người dân thôn Hưng Thắng có được nguồn thu nhập trung bình từ 40-50 triệu đồng/hộ, thêm chi phí sắm sửa trong gia đình mỗi dịp tết đến xuân về".

bqbht_br_j6.jpg
Tuốt lá đào là công đoạn đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, thực hiện hoàn toàn thủ công.

Gắn bó với người dân xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) khoảng 30 năm nay, đào phai đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Những ngày cuối tháng 11 âm lịch, các hộ trồng đào tập trung nhân lực tuốt lá tạo nên không khí lao động hối hả, tất bất dọc theo các đường làng, ngõ xóm.

Ông Trần Đại Nghĩa (thôn Kim Sơn) chia sẻ: “Sau 2 năm trồng và chăm sóc, hơn 100 gốc đào phai của gia đình dự kiến sẽ bán ra vào dịp tết Ất Tỵ. Nghề trồng đào phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu thời tiết nắng sẽ tuốt lá muộn tránh nở sớm, nếu thời tiết lạnh sẽ phải tuốt lá sớm hơn. Bên cạnh đó, việc tuốt lá đào cũng phải chú ý về độ tuổi của cây, kích thước của cành. Tuốt lá từ những cành non, yếu trước; những cành già, khoẻ tỉa sau. Những kỹ thuật này giúp đào bung nụ đều, nở đúng dịp tết”.

bqbht_br_j7.jpg
Sau 2 năm chăm sóc, ông Nghĩa kỳ vọng vụ đào "thắng lợi" trong dịp tết Ất Tỵ.

Cách đó không xa, gia đình anh Dương Văn Thành (thôn Kim Sơn) cũng đang tất bật tuốt lá cho hơn 400 gốc đào. Để đáp ứng thời điểm “xuống lá” phù hợp, anh Thành phải thuê thêm 2-3 lao động với mức chi phí từ 250.000 – 300.000 đồng/ngày. Anh Thành cho biết: “Hiện 10% số lượng đào đã được thương lái đến đặt cọc. Từ nay đến tết, ngoài việc tập trung tuốt lá, chúng tôi còn phải chú trọng đến các công đoạn như tỉa cành khô, bón phân, định hình thế đào đẹp, phù hợp với thị hiếu của thị trường”.

Thống kê của UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, toàn xã hiện có hơn 600 hộ trồng đào với tổng diện tích ước đạt 112 ha. Trong đó có khoảng 300 hộ trồng với diện tích lớn, tập trung tại thôn Kim Sơn, Xuân Sơn… Ông Trần Bá Hoành - Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn chia sẻ: “Phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, cây đào phai không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân mà còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Dịp tết Ất Tỵ 2025, hơn 70% diện tích trồng đào tại xã Lưu Vĩnh Sơn đủ tuổi để cung ứng ra thị trường. Với giá bán trung bình từ 500.000 – 800.000 đồng/cây, sau khi trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi hộ trồng đào phai sẽ thu về khoảng 50-80 triệu đồng”.

bqbht_br_j4.jpg
bqbht_br_j5.jpg
Nhiều gốc đào phai của gia đình anh Thành đã được khách hàng đặt cọc.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, sau khi tuốt hết lá để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, người trồng đào cần thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc khác như: tưới nước, bón phân, cắt tỉa tạo tán, định hình dáng đào… Đào phai thường ra hoa sớm nếu thời tiết ấm và ra hoa chậm nếu gặp mưa rét. Vì vậy, người trồng đào cần theo dõi sát tình hình thời tiết để có những biện pháp tác động phù hợp giúp đào bung nở đúng dịp Tết, đảm bảo nguồn thu nhập cho mỗi gia đình.

Video: Các “thủ phủ” đào phai Hà Tĩnh vào mùa tuốt lá

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.