Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tình trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng. Từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2012 có khoảng 8.985 lao động Việt Nam làm việc theo Chương trình EPS ở lại cư trú bất hợp pháp, chiếm 45,6% lao động hết thời hạn hợp đồng tái cử, cao gấp 2 lần so với tỷ lệ bình quân chung của 14 quốc gia còn lại. Riêng Hà Tĩnh có 146 lao động số lao động cư trú bất hợp pháp, trong đó tập trung ở các địa phương như: Nghi Xuân, Đức Thọ…
Đào tạo nghề cho XKLĐ tại Trường CĐ nghề Việt Đức |
Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng khi phía Hàn Quốc đang có ý định cắt giảm hạn ngạch tiếp nhận lao động, thậm chí ngừng chương trình EPS. Chương trình hợp tác cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc được bắt đầu từ năm 1993, đây là chương trình hợp tác lớn nhất giữa hai nước trong lĩnh vực lao động – xã hội. Hiện nay, cả nước có trên 75.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó 63.000 lao động đi theo chương trình EPS. Hà Tĩnh có 2.416 lao động đi theo chương trình này. Đây là một chương trình hợp tác lao động khá hấp dẫn với mức thu nhập cao, việc làm ổn định, chi phí đóng nộp ban đầu thấp. Thu nhập bình quân của người lao động từ 800-1.000USD/người/tháng. Bình quân mỗi năm người lao động Hà Tĩnh làm việc tại Hàn Quốc gửi về nước từ 800-850 tỷ đồng.”
Trong hội nghị triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, tìm giải pháp chống lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc mới đây do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức, ông Nguyễn Tiến Hòa – Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Tĩnh đã phân tích và đưa ra các nguyên nhân cơ bản như công tác đào tạo, giáo dục dịnh hướng, dạy ngoại ngữ cho người đi xuất khẩu lao động của chúng ta thiếu chuyên nghiệp. Đặc biệt, công tác giáo dục pháp luật, đạo đức, tác phong nghề nghiệp chưa thật sự được các doanh nghiệp XKLĐ chú trọng, vì vậy chất lượng nguồn nhân lực và tính tuân thủ pháp luật của lao động Việt Nam kém thua các nước trong khu vực. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động Việt Nam thường hay vi phạm hợp đồng.
Còn ông Trần Văn Thơ – Bí thư Đảng ủy xã Cương Gián thì cho rằng, còn có một nguyên nhân khách quan nữa chính là việc lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, nhất là những lao động có thời gian làm việc nhiều năm tại Hàn Quốc đã chiếm được tình cảm của chủ sử dụng lao động, nên sau khi lao động hết hạn hợp đồng, chủ sử dụng Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam vào làm việc. Rất nhiều lao động xã Cương Gián sau khi làm việc ở Hàn Quốc đều được chủ lao động trọng dụng và muốn gia hạn thêm hợp đồng.
Tư vấn XKLĐ tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Tĩnh |
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện, muốn xin lại hạn ngạch từ phía Hàn Quốc, trước hết, ngay chính từng địa phương cần phải có các biện pháp cứng rắn để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn. Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt về chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và các giải pháp ngăn ngừa tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp. Tuyên truyền, vận động các gia đình có con em cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sớm về nước để tạo điều kiện cho người lao động trong nước đã thi đậu chứng chỉ tiếng Hàn sang làm việc. Tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến xử lý các trường hợp cư trú bất hợp pháp, để nhân dân hiểu và tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh. Các doanh nghiệp XKLĐ, các đơn vị cung ứng lao động nâng cao chất lượng giáo dục định hướng cho người lao động, đặc biệt chú trọng việc giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho người lao động… Tăng cường công tác quản lý lực lượng lao động đi làm việc nước ngoài theo hình thức đi tự do, sau đó ở lại làm việc lâu dài. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, nhất là tập trung thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các văn phòng tư vấn XKLĐ của các tổ chức, cá nhân tự mở, nhằm thu lợi bất chính…
Ông Đặng Văn Dũng cho rằng, phía Hàn Quốc cũng cần phải có các biện pháp như xử phạt nặng kinh tế đối với các doanh nghiệp cố tình tiếp nhận lao động cư trú bất hợp pháp vào làm việc, vì chỉ có xử phạt như vậy thì doanh nghiệp mới không tiếp nhận lao động, để buộc họ sớm phải về nước. Đối với lao động làm việc trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, phía Hàn Quốc cần xem xét đưa ra quy định để chủ lao động được giữ lại 50% tiền lương của 5 tháng làm việc đầu tiên, nhằm ngăn chặn lao động làm việc trong 2 ngành này bỏ trốn sang các ngành khác. Đối với lao động gần hết thời hạn hợp đồng, đề nghị chủ sử dụng lao động Hàn Quốc chuyển 50% tiền lương năm cuối của hợp đồng về Trung tâm Lao động ngoài nước, để buộc lao động phải về nước đúng hạn. Nếu người lao động không về nước đúng hạn thì khoản tiền này người lao động không được nhận.