Nhà thơ Lê Thành Nghị và nỗi niềm xứ sở

(Baohatinh.vn) - Tôi mất mẹ từ khi còn quá bé. Đó cũng là lý do tôi hay đọc thơ viết về mẹ của các nhà thơ kim cổ đông tây, trong và ngoài nước. Trên giá sách của tôi có tập thơ “Mẹ” do NXB Văn hóa Thông tin xuất bản cách đây hơn 20 năm. Thi thoảng tôi lại mở ra xem.

Có lẽ không có nhà thơ nào không viết về mẹ, nhà thơ đồng hương của tôi - Lê Thành Nghị không phải là cá biệt. Trong “Lê Thành Nghị tuyển tập”, xuất bản năm 2020 có nhiều bài thơ về quê hương, người thân, trong đó có mẹ.

Nhà thơ Lê Thành Nghị và nỗi niềm xứ sở

Trong thơ Lê Thành Nghị, hình ảnh mẹ rất ấm áp và xúc động. Ảnh Internet

“Trong mưa nhớ mẹ”, “Mẹ trên cao”, “Chào mẹ”, “Về quê” là bốn bài thơ về mẹ ông viết trong quãng thời gian 10 năm đầu của thế kỷ XXI, được ông chọn vào tuyển tập. Đọc thơ, biết Lê Thành Nghị không còn mẹ, hình như mẹ ông cũng mất từ lâu.

“Sớm muộn rồi ai cũng sẽ trở về với mẹ/ Cho dù mẹ ta ra đi khi còn rất trẻ/ Người mang theo những mùa tóc xanh vào biếc cỏ/ Làm tàn nhạt bao nhiêu mùa hoa ở trong vườn”. Dẫu bà đi xa, nhưng ông luôn nhận ra mẹ bên mình: “Người vẫn đứng chờ ta ở cuối con đường/ Khóc thầm lúc ta vấp ngã/ Người thường đêm ngồi yên lặng bên giường/ Mỗi lần đau, đêm dài ta chẳng ngủ/ Trong hiếm hoi niềm vui, thường nhật nỗi buồn/ Ta gọi mẹ và vượt dốc dễ dàng hơn”.

Bài này ông viết năm 2002, khi nhà thơ ngoài 50 tuổi. Ở tuổi “tri thiên mệnh”, ông nhận ra vô vi. Nhà thơ an yên, thư thái, thiền và tĩnh lặng trong lẽ tự nhiên.

“Sớm muộn rồi con cũng về với mẹ

Hoàng tử bé con của mẹ ngày nào

Thôi kệ những thành bại, sang hèn,

buồn vui, sướng khổ

Ta sẽ bay như mẹ giữa mây cao”

(Mẹ trên cao)

...

"Xin chào mẹ! Đến ngày con biết sống

Là đến ngày tóc đã hóa màu tro

Xin chào mẹ! Đêm đã dần về sáng

Thêm một đêm không mẹ lại sắp qua”

(Chào mẹ)

Nhà thơ Lê Thành Nghị sinh ra và lớn lên ở xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà. Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, ông ra Hà Nội học. Đầu năm 1972, nhà thơ Lê Thành Nghị nhập ngũ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn quyết liệt. Hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về đầu quân cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà thơ Lê Thành Nghị và nỗi niềm xứ sở

Chân dung nhà thơ Lê Thành Nghị. Ảnh Internet

Ông cũng đã từng được Nhà nước, quân đội cử sang Liên Xô (cũ) nghiên cứu sinh. Dù đi đâu, hình bóng mẹ luôn trong trái tim nhà thơ. “Không phải chỉ có một người trót một lần lơ đãng trong mưa/ Tôi cũng đã bao ngày mưa giăng nhớ mẹ/ Nỗi nhớ dâng trên mái phố mái nhà/ muốn về nơi buồn trông cửa bể/ Chỗ mẹ ngồi nhớ những đứa con xa” (Trong mưa nhớ mẹ).

Đúng là “Trên thế gian này người tuyệt vời thật nhiều nhưng tuyệt vời nhất là mẹ của con” (Lời bài hát Nga). Trái tim mẹ luôn là chốn bình an nhất của mọi đứa con, là sức mạnh để mỗi đứa con bước qua “mưa gió cuộc đời”.

Nhà thơ Lê Thành Nghị và nỗi niềm xứ sở

Cùng với mẹ, hình bóng quê hương cũng luôn ngập tràn trong thơ Lê Thành Nghị.

Đọc thơ Lê Thành Nghị, biết ông nặng lòng với đất nước, quê hương, rưng rưng nỗi niềm xứ sở. Trong 192 bài thơ, được ông chọn vào “Lê Thành Nghị tuyển tập” có 15 bài ông viết về quê hương Hà Tĩnh. Đó là “Chợ huyện”, “Mưa qua Truông Vùn”, “Mùa hoa xoan”, “Sông Nghèn gặp lại”, “Rượu quê”, “Miền đất quê hương”, “Trăng Tiên Điền”, “Thị trấn có con đường nhỏ”, “Về thăm quê”, “Về lại Tiên Điền”, “Nhớ Hương Sơn”, “Sau lưng là Hồng Lĩnh”, “Vô thức Ngã ba Đồng Lộc”, “Miền cỏ dại”, “Về quê”. Tất nhiên, hình ảnh quê hương còn nồng nàn trong nhiều bài thơ khác trong tuyển tập.

“Ôi quê hương! Chỉ có thể quỳ trước quê hương/ Như quỳ trước những gì tinh túy nhất!” (Rượu quê). Ông tự hào về nơi chôn nhau, cắt rốn: “Làng tôi làng Kim Chùy/ Tựa lưng vào Hồng Lĩnh” (Sau lưng là Hồng Lĩnh); tự hào về Hà Tĩnh, về miền Trung, dẫu trải những ngày gian khó: “Miền Trung quê anh cát bay trong sữa mẹ/ Nên những hạt cát lớn lên biết yêu mẹ vô cùng/ Không có miền đất nào gian khó như miền Trung/ Vì thế, sông núi ở đây lãng mạn vô vùng” (Bên hồ sen I).

Mẹ và quê hương trong thơ Lê Thành Nghị với tư cách nhân vật thi ca hòa làm một. Về quê cũng là về với mẹ và ngược lại. “Con đường bóng mẹ liêu xiêu/ Bao nhiêu thương nhớ, bao nhiêu đợi chờ?” (Về quê).

“Tứ thơ tha thiết nhất trong thơ Lê Thành Nghị có lẽ là tứ thơ về quê nhà” (Hoa Diệu Thúy). Có thể nói, quê hương, nơi có mẹ và tuổi thơ đã trở thành “căn cước” trong tâm hồn thơ tài hoa Lê Thành Nghị.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống