Học ngành lâm nghiệp lại được làm đúng công việc yêu thích, lẽ ra, đó là niềm hạnh phúc của nhiều người trong đó có Lê Văn Hùng – bảo vệ rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh). “Thế nhưng, sau 10 năm gắn bó với rừng, niềm đam mê cứ thế nguội dần. Thu nhập mỗi tháng chỉ được 3,7 triệu đồng trong khi áp lực về nghề lại quá nặng nên tôi tìm hướng đi mới, “bất đắc dĩ” nhưng không còn cách nào khác” - Hùng chua chát nói.
Công cuộc bảo vệ rừng hết sức gian nan, vất vả...
Trước đó, năm 2016, đồng nghiệp của Hùng là Thái Văn Cảnh cũng lặng lẽ nói lời chia tay tìm việc mới. Trưởng BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh Võ Xuân Sơn buồn bã cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, có 6 bảo vệ rừng xin nghỉ việc. Trong đó, người có thâm niên lâu nhất là 14 năm, thấp nhất là 9 năm”.
... và những hiểm nguy luôn rình rập. Trong ảnh: Anh Hồ Phúc Tự - cán bộ thuộc BQL Rừng phòng hộ Ngàn Phố không may bị cây khô đổ, gây chấn thương nặng trong lúc tuần tra bảo vệ rừng
Tình trạng “nhảy việc” cũng xảy ra nhiều tại BQL Rừng phòng hộ sông Ngàn Phố. Từ năm 2010 đến nay, cơ quan này có 10 cán bộ nghỉ việc. Điều đáng nói là, trong số những người xin nghỉ có 5 người thuộc diện biên chế, thậm chí có người vào biên chế hơn 10 năm như anh Nguyễn Hồng Công. Đặc biệt hơn, trong số này còn có Phó BQL Rừng phòng hộ sông Ngàn Phố Trần Văn Song và anh Trần Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật.
Đề cập đến việc nhiều cán bộ thuộc quyền xin nghỉ việc, Trưởng BQL Rừng phòng hộ sông Ngàn Phố Lê Hữu An cho rằng: “Nhiệm vụ thì vô cùng khó khăn, trong khi thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương. Nhiều người là chủ trong gia đình nhưng không đảm bảo được cuộc sống cho vợ con, họ buộc lòng phải tìm việc làm mới phù hợp hơn”.
Nhiệm vụ nặng nề trong khi thu nhập quá thấp khiến cuộc sống của một số cán bộ bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn
Ngoài việc phải “cắm chốt” tại khu vực rừng núi hiểm trở, đi lại và sinh hoạt hết sức khó khăn, sức khỏe và tính mạng của đội ngũ cán bộ thường xuyên bị đe dọa khi tham gia bảo vệ rừng. Để giữ màu xanh cho những cánh rừng, máu của nhiều người giữ rừng đã đổ. Tại BQL Rừng phòng hộ sông Ngàn Phố 5 năm lại nay, có 2 người chết, 2 người bị thương.
“5 năm qua, cuộc chiến giữ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã khiến gần 20 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương 2 lần” – Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Nguyễn Quang Châu cho hay. Bản thân ông Châu và Phó BQL Rừng Nam Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Lâm cũng từng bị lâm tặc ném mìn vào nhà để uy hiếp tinh thần.
Để giữ màu xanh cho những cánh rừng, ngoài những chủ trương, chính sách hợp lý, rất cần sự chung sức của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân.
Để động viên khích lệ tinh thần đồng thời “níu chân” cán bộ, những năm gần đây, bên cạnh đảm bảo tiền lương kịp thời, đóng nộp BHXH, BHYT, các BQL còn trang cấp công cụ hỗ trợ cho đội ngũ bảo vệ rừng. Riêng BQL Rừng phòng hộ Ngàn Phố, ngoài việc phối hợp với cơ quan công an tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng trang thiết bị hỗ trợ, còn huy động nguồn vốn lên đến trên 400 triệu đồng mua roi điện, 15 xe máy và hỗ trợ xăng xe từ 200 - 300 ngàn đồng/người/tháng.
Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc chấm dứt được tình trạng “chảy máu” cán bộ hay không lại là điều chẳng ai dám nói trước. Bởi theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Lê Đức Nhân: “Mỗi nghề đều có đặc thù riêng và chính sách, mức lương đều do Nhà nước quy định. Sở chủ quản chỉ có các cơ chế hỗ trợ riêng biệt nên không thể đáp ứng yêu cầu”.