Nhiều chuyển biến từ 2 mô hình sáp nhập đơn vị y tế ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Cả 2 mô hình thí điểm "3 trong 1" và "2 trong 1" trong sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các đơn vị y tế tuyến huyện ở Hà Tĩnh bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định.

Nhiều chuyển biến từ 2 mô hình sáp nhập đơn vị y tế ở Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu trao quyết định thành lập Trung tâm Y tế huyện Vũ Quang (ảnh tử liệu).

Tháng 5/2020, Hà Tĩnh thí điểm sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các đơn vị y tế tuyến huyện. Theo đó, mô hình trung tâm y tế “3 trong 1” được hình thành trên cơ sở sáp nhập bệnh viện đa khoa với trung tâm y tế dự phòng và trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình, thí điểm tại 6 đơn vị gồm: Nghi Xuân, Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, TX Hồng Lĩnh và Vũ Quang.

Mô hình trung tâm y tế “2 trong 1” được hình thành trên cơ sở sáp nhập trung tâm y tế dự phòng và trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình, được triển khai tại 6 đơn vị: Đức Thọ, Hương Khê, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh.

Cả hai mô hình đều thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện về mặt tổ chức, con người, tài chính, cơ sở vật chất.

Sau một thời gian triển khai, theo đánh giá của trung tâm y tế tuyến huyện, bước đầu đã ổn định, đồng bộ và đạt được những kết quả nhất định, nhất là trong việc huy động được nguồn lực, điều chuyển, sử dụng trang thiết bị, giảm sự chồng chéo so với lúc chưa sáp nhập.

Nhiều chuyển biến từ 2 mô hình sáp nhập đơn vị y tế ở Hà Tĩnh

Việc triển khai mô hình trung tâm y tế tuyến huyện góp phần giảm được các đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động (Trong ảnh: Một ca phẫu thuật nội soi tại Trung tâm Y tế Hương Sơn).

Bác sỹ Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn chia sẻ: “Việc sáp nhập 3 đơn vị thành một đã giảm được các đầu mối, giải quyết được sự chồng chéo trong nhiệm vụ, giảm thủ tục hành chính, đảm bảo cho việc quản lý về lĩnh vực y tế tuyến cơ sở được đồng bộ, thống nhất, thông suốt từ tuyến huyện đến xã. Ngoài ra, các trang thiết bị điều chuyển từ các đơn vị đều được sử dụng có hiệu quả trong việc chăm sóc, dự phòng, thăm khám và điều trị cho Nhân dân”.

Còn theo bác sỹ Nguyễn Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX Hồng Lĩnh: "Sau khi sáp nhập, các bác sỹ khối y tế dự phòng vừa làm công tác phòng chống dịch nhưng khi có yêu cầu thì các bác sỹ y tế dự phòng vẫn tham gia vào công tác khám, tư vấn và điều trị. Điều này vừa phát huy hiệu quả, năng lực chuyên môn của các bác sỹ vừa giải quyết được vấn đề thiếu cán bộ viên chức nhất là bác sỹ ở các đơn vị y tế tuyến cơ sở hiện nay”.

Nhiều chuyển biến từ 2 mô hình sáp nhập đơn vị y tế ở Hà Tĩnh

Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh.

Ngoài ra, khi hình thành mô hình trung tâm y tế tuyến huyện không ít bác sỹ tuyến xã cũng được hưởng lợi bởi có được điều kiện luân phiên về trung tâm y tế để tham gia và điều trị, xử lý một số bệnh cấp cứu, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh tại trạm y tế.

Bác sỹ Lê Chánh Thành - Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá: “Việc sáp nhập này góp phần tinh giản về tổ chức, bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động. Số lượng cán bộ, viên chức ở các trung tâm, bệnh viện tuyến huyện được giữ nguyên nhưng giảm được các đầu mối. Đồng thời, khi sáp nhập, số khoa, phòng của trung tâm y tế mới giảm được rất nhiều. Cùng với đó, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng được quy về một mối nên cũng giảm nhu cầu đầu tư so với trước”.

Nhiều chuyển biến từ 2 mô hình sáp nhập đơn vị y tế ở Hà Tĩnh

Mô hình trung tâm y tế tuyến huyện sẽ tạo điều kiện để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực từ y tế cơ sở (Ảnh: Y bác sỹ của Trạm y tế Sơn Kim I, Hương Sơn đến tận nhà dân khám chữa bệnh).

Bên cạnh những mặt thuận lợi, sau khi triển khai sáp nhập, qua thực tiễn hoạt động đã nảy sinh một số bất cập. Theo đó, mô hình trung tâm y tế tuyến huyện trực thuộc UBND cấp huyện quản lý là mô hình thí điểm của tỉnh, chưa thống nhất với mô hình quản lý y tế cơ sở của các địa phương khác trong cả nước. Việc chuyển giao trung tâm y tế huyện về UBND cấp huyện quản lý sẽ gây khó khăn cho việc điều phối nhân lực giữa các đơn vị y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh khi cần thiết.

Được biết, trên cơ sở những kết quả đạt được và những vướng mắc bất cập, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ sơ kết để đánh giá cụ thể về hiệu quả thực hiện mô hình thí điểm, qua đó có những hướng đi hoặc sự điều chỉnh phù hợp.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.