Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) hiện có trụ sở chính tại ngõ 22, đường Xuân Diệu. Nói là trụ sở chính nhưng thực chất chủ cơ sở đang phải tận dụng một góc mái hiên chỉ rộng 75m2 của gia đình để vừa làm nơi sản xuất vừa là văn phòng và cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) hiện có doanh thu mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng nhưng đang phải tận dụng phần mái hiên của gia đình để làm nơi sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang - Giám đốc công ty cho biết: Công ty đã đi vào hoạt động được 3 năm nay. Đến nay, chúng tôi có khá nhiều sản phẩm được sản xuất, chế biến từ trầm hương như: trầm đốt, trầm trang sức, trầm cảnh, đặc biệt sản phẩm trầm hương Tâm Thiền Hương đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao từ cuối năm 2021. Mong muốn của chúng tôi là được chuyển vị trí rộng rãi hơn thuộc vùng quy hoạch tập trung để phát triển quy mô sản xuất cũng như tạo dựng vị thế và mở rộng thị trường.
"Từ thời điểm bắt đầu đăng ký tham gia Chương trình OCOP (giữa năm 2021), chúng tôi đã đề xuất xin chuyển cơ sở đến vùng sản xuất tập trung tại Cụm công nghiệp Thạch Đồng nhưng hiện nay quy hoạch điều chỉnh cụm công nghiệp này đang chờ phê duyệt của tỉnh”.
Mong muốn của doanh nghiệp là được chuyển vị trí rộng rãi hơn thuộc vùng quy hoạch tập trung để phát triển sản xuất.
Cơ sở chế biến thực phẩm An Tâm (thôn Đông Đoài, xã Thạch Hạ) đang là cái tên quen thuộc của nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 6 - 7 tạ bún các loại; đầu tư bao bì, nhãn mác để xây dựng thương hiệu bún sạch và đăng ký tham gia Chương trình sản phẩm OCOP năm 2022.
Cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm An Tâm đang phải tận dụng một phần của ngôi nhà cũ làm xưởng sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Phong - chủ cơ sở cho biết: “Đối với lĩnh vực chế biến thực phẩm thì điều kiện sản xuất rất gắt gao, từ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, cơ sở vật chất nhà xưởng… Hiện nay, khu vực sản xuất vẫn nằm trong khuôn viên nhà ở của gia đình, mặc dù chúng tôi đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng hầm biogas, lắng lọc, xử lý nước thải bằng vi sinh để đảm bảo vệ sinh khi thải ra môi trường nhưng về lâu dài sẽ rất khó để tăng mức công suất sản xuất. Đó là chưa kể đến việc ảnh hưởng đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá để khai thác thị trường vì cơ sở nằm riêng lẻ trong khu dân cư”.
Chị Nguyễn Thị Phong, chủ cơ sở chế biến thực phẩm An Tâm mong muốn sẽ được di dời đến cụm công nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững.
Trăn trở, gặp khó khi mở rộng quy mô sản xuất do thiếu quỹ đất là nỗi lòng chung của nhiều chủ cơ sở, hộ sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở địa bàn TP Hà Tĩnh hiện nay. Thậm chí, thực trạng sản xuất trong các khu dân cư còn gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tiếng ồn... Chẳng hạn như ở phường Bắc Hà, cách đây không lâu, một số người dân tổ dân phố 3 đã kiến nghị lên chính quyền về việc một cơ sở sản xuất, kinh doanh dò chả sử dụng các loại máy xay công nghiệp, gây tiếng ồn trong khu dân cư.
Trên thực tế, thời gian qua, các cơ sở sản xuất, chế biến trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp tại TP Hà Tĩnh có sự gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng hoạt động. Cùng với những chính sách phát triển của thành phố, các cơ sở có sự đầu tư về dây chuyền công nghệ, máy móc để tăng công suất, xây dựng thương hiệu. Điều này đòi hỏi thành phố phải có chiến lược phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, Cụm Công nghiệp Thạch Đồng đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, chờ phê duyệt của UBND tỉnh. Do vậy, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp thế “bí” trong việc di dời đến vị trí sản xuất - kinh doanh đến nơi thuận lợi hơn. Trong khi đó, thành phố cũng mất cơ hội thu hút đầu tư các doanh nghiệp về địa bàn.
Cụm Công nghiệp Thạch Đồng đang chờ quyết định phê duyệt điều chỉnh của tỉnh để tiến hành di dời các cơ sở có nhu cầu vào đây sản xuất.
Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Kinh tế (UBND thành phố) cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu phát triển lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu quỹ đất cho việc di dời Cụm Công nghiệp Bắc Thạch Quý, thời gian qua, UBND thành phố đã phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cụm Công nghiệp Thạch Đồng và vùng phụ cận trình tỉnh phê duyệt. Điều này sẽ tạo điều kiện để thành phố giải một phần bài toán về quỹ đất sản xuất, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp, tạo tiền đề thu hút đầu tư. Thành phố sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là đối với cơ sở tham gia chương trình OCOP, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản trong việc bố trí vào cụm công nghiệp sau khi được tỉnh phê duyệt”.