Những câu chuyện cổ tích trên vùng biển Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ít nơi nào như ở Hà Tĩnh, trên vùng biển chỉ 137 km lại chứa đựng nhiều truyền thuyết vừa hư vừa thực gắn với những di tích, danh thắng hùng vỹ, thơ mộng.

Những câu chuyện cổ tích trên vùng biển Hà Tĩnh

Cổng đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi nhìn ra biển Cửa Sót (Lộc Hà).

Một ngày chớm hè, chúng tôi về thăm đền Chiêu Trưng Đại Vương tọa lạc trên đỉnh Long Ngâm thuộc dãy Nam Giới (còn gọi là Quỳnh Viên). Cả một vùng non nước Nam Giới - Long Ngâm - Cửa Sót tĩnh lặng, tiếng gió, tiếng sóng hòa âm trong câu chuyện kể về người dũng tướng ở thế kỷ XV.

Sử sách ghi lại, Lê Khôi (chưa rõ năm sinh) người làng Lam Sơn, Thụy Nguyên (nay là Thọ Xuân), Thanh Hóa. Ông là cháu ruột của Vua Lê Thái Tổ, là 1 trong 35 vị công thần, lập được nhiều chiến công hiển hách trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông làm quan trải qua 3 đời Vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, được phong đến Nhập nội tư mã, Tham tri chính sự… Ông từng làm Nhập nội thiếu úy, đốc trấn Nghệ An, có nhiều công lao với vùng đất này, được Nhân dân cảm phục, ghi công.

Những câu chuyện cổ tích trên vùng biển Hà Tĩnh

Người dân các xã: Thạch Hải, Đỉnh Bàn, Thạch Trị (Thạch Hà) và Mai Phụ, Thạch Kim (Lộc Hà) tổ chức lễ rước kiệu, linh vị và đồ tế khí từ các đền vọng về đền thờ chính Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (Ảnh tư liệu)

Năm 1446, ông cùng Đô đốc Lê Khả đem binh đánh phương Nam, đi đến đâu giặc tan đến đó. Trên đường trở về, ông lâm bệnh nặng và mất vào ngày 3/5 năm Bính Dần (1446) tại vùng biển xã Thạch Hải ngày nay. Quân sỹ chọn vùng đất đẹp mai táng ông tại ngọn Long Ngâm, núi Nam Giới, làng Dương Luật (nay là xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà). Nhà vua vô cùng thương xót cho bãi triều 3 ngày và sắc phong cho ông là Nhập nội Đô đốc, tên thụy là Trung Hiển, sau tặng Nhập nội kiểm hiệu tư không, Bình chương sự, đổi tên thụy là Võ Mục Công. Nhân dân Châu Hoan đã dựng đền thờ để ghi nhớ ơn đức của ông. Đền được dựng năm Đinh Mão (1447) đời vua Lê Nhân Tông. Đời vua Lê Thánh Tông, danh tướng Lê Khôi được truy phong là Chiêu Trưng Vương.

Trải qua bao biến thiên của thời gian, bao lớp sóng lở bồi, ngôi đền thiêng đầu gối sơn, chân đạp thủy vẫn vững vàng nơi cửa biển, che chở cho một vùng non nước 2 huyện Thạch Hà, Lộc Hà. Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) đã công nhận Đền thờ và Lăng mộ Lê Khôi là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1990), Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia (năm 1993). Năm 2017, Lễ hội đền Chiêu Trưng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những câu chuyện cổ tích trên vùng biển Hà Tĩnh

Quang cảnh lễ rước tại lễ hội Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi bằng đường bộ ven sông Cửa Sót. (Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Văn Lượng - Trưởng ban Quản lý đền Lê Khôi, một trong những vị cao niên ở đây kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện dân gian lưu truyền về sự linh thiêng của ngôi đền. Đó là chuyện về sự hiển linh của Chiêu Trưng Đại Vương trong lễ giỗ, về những trận bão lớn đổ vào bờ biển, như thấu hiểu được lời nguyện cầu của Nhân dân, ngài đã che chở cho Hà Tĩnh được bình yên, về những chuyến ra khơi an toàn của ngư dân, về chuyện tìm kiếm người mất tích trên biển… Như một cơ duyên, có vị Đại đức của một ngôi chùa ở Nghệ An giỏi chữ Hán đã đọc cho tôi nghe 2 câu đối trước cửa đền:

Dư linh trường tại Quỳnh Sơn trì duật Hải Đông

Đạo ái truy tư ban an Long Ngâm xứ

(Nghĩa là: Sự linh thiêng còn mãi nơi núi Quỳnh trước Biển Đông/ Nhà vua thương nhớ ban cho an nghỉ tại Long Ngâm xứ).

Những câu chuyện cổ tích trên vùng biển Hà Tĩnh

Chùa Quỳnh Viên tọa lạc trên núi Long Ngâm thuộc xã Thạch Hải (Thạch Hà).

Dưới chân dãy Nam Giới giờ đây, ngôi chùa cổ Quỳnh Viên vừa được phục dựng nằm cạnh khu resort Quỳnh Viên nên thơ, sơn thủy hữu tình. Cùng với lễ hội đền Chiêu Trưng, các di tích, danh thắng ở đây đã mời gọi bước chân của du khách. Lễ hội đền Chiêu Trưng vào dịp tháng 5 (âm lịch) thu hút hàng nghìn lượt người về dự và thưởng ngoạn cảnh núi non.

Những câu chuyện cổ tích trên vùng biển Hà Tĩnh

Vẻ đẹp tự nhiên cùng những truyền thuyết đã làm nên nét độc đáo của Khu du lịch Thiên Cầm. (Ảnh: Thanh Hải)

Theo con đường ven biển đẹp như dải lụa, chúng tôi về với Thiên Cầm. Không chỉ có bãi biển đẹp và nước trong, có núi và chùa Cầm Sơn, đảo hòn Én, hòn Bớc, địa danh này còn thấm đẫm huyền thoại và truyền thuyết bởi nguồn gốc 2 từ “Thiên Cầm”. Người xưa kể lại rằng, Vua Hùng thứ XIII đi qua đây, một đêm ngủ lại, nghe tiếng gió vi vu như tiếng đàn trời nên đã đặt tên cho vùng biển này là Thiên Cầm, nghĩa là đàn trời.

Thế nhưng, câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền nhiều nhất liên quan đến nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly (1336-1407) là một nhân vật lịch sử đặc biệt, sống ở giai đoạn cuối đời Trần chuyển sang đời Hồ. Ông quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, là võ tướng giỏi, có công lao đánh giặc Chiêm Thành, được các vua nhà Trần tin dùng. Sau khi cướp ngôi nhà Trần, xây Thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, ông tự lên ngôi vua, xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, đặt tên nước là Đại Ngu.

Ông thực hiện nhiều chính sách cải cách đất nước nhưng do chưa phù hợp với đương thời, triều chính lại hỗn loạn, lòng dân không thuận. Thế nên chỉ làm vua chưa được một năm, ông đã phải nhường ngôi cho con trai Hồ Hán Thương. Lợi dụng tình hình lúc đó, giặc Minh đã tấn công vào Thăng Long. Cha con Hồ Quý Ly chống cự không nổi phải chạy về Thanh Hóa, Nghệ An, cuối cùng đến cửa biển Kỳ La (tên gọi huyện Cẩm Xuyên lúc bấy giờ), bị giặc truy đuổi, 2 cha con trốn trên núi và đã bị bắt đưa về Trung Quốc.

Những câu chuyện cổ tích trên vùng biển Hà Tĩnh

Bình minh trên biển Thiên Cầm. (Ảnh: Đồng Anh)

Từ đó, Nhân dân gọi hang Dang Hùng là hang Hồ Quý Ly, dưới chân núi còn có “Giếng tàu”, có “Đường bắt” liên quan đến cuộc truy bắt của giặc Minh. Chữ “Thiên Cầm” ở đây có nghĩa là bị “trời giữ”. Ý nói cha con Hồ Quý Ly làm nhiều việc không thuận với mệnh trời nên đã bị bắt giữ, là bài học cho các bậc đế vương phải luôn thuận ý trời, được lòng dân. Câu chuyện này tôi đã nghe một cụ già ở đây kể ngay ở bên hang Dang Hùng cho đoàn thiếu nhi đi tham quan hàng chục năm trước, khắc sâu vào tâm khảm. Rú Cùm (tiếng địa phương nghĩa là núi Cầm). Trên núi giờ đây có ngôi chùa Cầm Sơn, tiếng chuông ngân nga hòa cùng giai điệu của sóng và gió như ngợi ca khung cảnh thái bình của đất nước.

Lịch sử địa phương cũng ghi lại: Vào năm 1953, rạng ngày 4/9, giặc Pháp với 2 tiểu đoàn Âu Phi, 4 tàu thủy, 2 phi cơ, 12 ca-nô chia làm 4 cánh đổ bộ lên Nhượng Bạn, Cẩm Long, Cẩm Phúc giết chết nhiều dân lành, đốt nhiều nhà cửa, thuyền lưới và lấy đi nhiều của cải của dân làng, nhưng chúng đã bị cùm chân lại và bị tổn thất không nhỏ. Dân quân các xã Nhượng Bạn, Cẩm Phúc đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, diệt 42 lính Âu Phi, bắt sống nhiều tên địch. Trong trận quyết chiến đó, 30 người đã hy sinh.

Những câu chuyện cổ tích trên vùng biển Hà Tĩnh

Đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh.

Ở vùng biển phía Nam Hà Tĩnh còn có câu chuyện dân gian được ghi lại và lưu truyền qua nhiều thế kỷ gắn với một nữ trung hào kiệt: Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, ái phi của Vua Trần Duệ Tông. Nàng là “viên ngọc sáng” của một vị quan trong triều thông minh, tài giỏi. Nàng đã có 10 lời khuyên vua trị nước “Kê minh thập sách” nổi tiếng. Năm 1377, Vua Trần Duệ Tông cất quân đi đánh Chăm Pa, can ngăn vua không được, nàng xin đi theo chồng. Dân gian kể về sự hy sinh của nàng theo 2 câu chuyện: Đội chiến thuyền đến Hải Khẩu thì gặp sóng to gió lớn không đi được nên dừng lại, đêm nằm ngủ, nhà vua mộng có vị thủy thần đòi phải tế một người con gái đẹp thì mới sóng yên biển lặng. Bích Châu tự nguyện làm vật tế thần.

Ngay sau đó thì sóng yên biển lặng. Một câu chuyện khác: Đoàn chiến thuyền của nhà vua phải giao tranh với giặc giữ. Giữa lúc nguy nan, nàng Bích Châu cũng xông ra đánh giặc và hy sinh. Thi hài bà được an táng tạm thời tại cửa biển Ô Tôn (nay là đền Eo Bạch ở Vũng Áng). Sau khi nhà vua tử trận, thi hài vua được đưa về cung, quan quân trở về mới làm lễ, rước thi hài bà và lập mộ tại địa điểm đền Bà Hải hiện nay. Vua Lê Thánh Tông sau khi đánh thắng quân giặc trở về qua đây nghe chuyện đã sai lập đền thờ và phong cho bà tước vị Chế Thắng phu nhân. Hằng năm, đến mùa xuân, Nhân dân khắp nơi đều về đây để bái vọng, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc…

PGS-TS Trần Thị An, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội trong một bài nghiên cứu của mình đã đưa ra nhận xét: “Bà Hải, từ một vị thần nổi tiếng linh ứng ở chốn biển khơi đã trở thành một vị phúc thần cầu phúc, chữa bệnh, che chở cho con người khỏi mọi tai ương. 7 loại lá sớ ở đền hiện nay đã minh chứng cho sự mở rộng biên độ về sự phù trợ của bà: cầu phúc thọ, cầu tài; giải hạn, trừ tai; mãi thổ yên cư; ứng sinh (cầu tự); gửi bào thai (đang mang thai đến cầu để an thai, sau khi sinh chuộc sớ gửi bào thai, làm sớ gửi con); cầu công danh sự nghiệp; giải phong long (giải những vận đen cho phụ nữ mới sinh con)”.

Những câu chuyện cổ tích trên vùng biển Hà Tĩnh

KDL biển Xuân Thành đang là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. (Ảnh tư liệu).

Đi dọc bờ biển Hà Tĩnh từ Bắc vào Nam còn có biết bao chuyện cổ tích, huyền thoại, truyền thuyết gắn với các di tích danh thắng như: Song Ngư hý thủy (đôi cá giỡn nước) ở Cửa Hội (Nghi Xuân), chuyện thờ thần Tam lang ở Miếu Ao (Thạch Trị, Thạch Hà), bãi biển Nguyễn Huệ (Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) liên quan đến chuyện Vua Quang Trung, Mũi Đao - Đèo Ngang và bài thơ của Bà huyện Thanh Quan… Gắn với đó là những lễ hội lớn nhỏ như: lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn, lễ giỗ Chế Thắng phu nhân…

Một kho tàng di sản lớn chưa được đưa đến với du khách đúng nghĩa do việc nghiên cứu, quảng bá chưa được chú trọng. Khai thác các câu chuyện dân gian trong phát triển du lịch vừa thể hiện lòng tri ân với các danh nhân, nhân thần, nhiên thần, vừa thỏa mãn nhu cầu gửi gắm ước nguyện được độ trì che chở của người dân. Đó cũng là phương thức thu hút du khách mà những người làm du lịch cần quan tâm, nghiên cứu.

Chủ đề Biển Hà Tĩnh

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.