Những câu chuyện đời của ngư dân miền biển Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Trong tâm hồn và trái tim của ngư dân xã Xuân Yên (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), biển là nhà, là sự sống, là hơi thở và là cả cuộc đời. Những câu chuyện đời của họ cũng vì thế mà lắm xúc cảm, tâm tư…

Những câu chuyện đời của ngư dân miền biển Nghi Xuân

Ngư dân làng chài Xuân Yên trở về sau một chuyến biển.

Mỗi ban mai, từng con thuyền của ngư dân làng chài Xuân Yên lại rẽ sóng, chạy đua cùng mặt trời để trở về với những “thức quà” là tôm, là cá mà biển cả ban tặng. Từng con sóng bạc trước mũi thuyền cứ chồm lên, tung bọt trắng xóa nhưng những con thuyền cũng chẳng hề nao núng mà hiên ngang đạp sóng vào bờ. Ấy là khung cảnh bình yên, hiền hòa nhưng lại chứa đựng đầy nét nguyên sơ của làng chài ven biển.

Làng chài Xuân Yên là tên gọi chung của 4 thôn làm nghề biển: Yên Ngư, Yên Hải, Yên Lợi và Yên Liễu với gần 600 hộ theo nghề. Làng chài nhỏ bé, chẳng có tiếng còi xe náo nhiệt mà chỉ có tiếng ngư phủ í ới gọi hỏi thăm nhau và tiếng động cơ của những chiếc máy kéo thuyền. Đa phần ngư dân làng chài Xuân Yên đều đánh bắt gần bờ với những chiếc thuyền công suất nhỏ từ 9-30 CV. Hằng ngày, họ ra khơi vào lúc 1-2h sáng và trở về khi mặt trời bắt đầu lên.

Những câu chuyện đời của ngư dân miền biển Nghi Xuân

Khung cảnh bình yên, hiền hòa của làng chài Xuân Yên.

Thong dong trên bờ cát của biển Xuân Yên, tôi lặng nhìn từng con thuyền nối đuôi nhau từ từ vào bờ. Trên bờ là ánh mắt ngóng trông của những người phụ nữ. Họ chờ chồng con trở về an toàn và còn đưa hải sản kịp ra chợ.

Nhiều thương lái cũng tụ họp về đây để chờ thuyền về. Cảnh người mua, kẻ bán, người phân loại hàng hóa… diễn ra thật khẩn trương trong sự ồn ào, náo động.

Những câu chuyện đời của ngư dân miền biển Nghi Xuân

Ông Bùi Văn Kháng đi biển quanh năm, chỉ trừ những ngày sóng lớn hay có bão.

Gặp thuyền của ông Bùi Văn Kháng (trú thôn Yên Lợi) vừa vào bờ, tôi được dịp bắt chuyện cùng ông. Cũng như bao ngư dân ở miền biển này, ông Kháng đi biển quanh năm, trừ những ngày sóng lớn hay có bão thì ở nhà, những ngày còn lại là lên thuyền lênh đênh trên biển đánh cá. Biển cho cá, cho tôm, cho ngư dân cuộc sống ấm no nhưng biển cũng đã thách thức họ trong mỗi chuyến ra khơi.

Trải lòng về nghề đi biển, ông Kháng chia sẻ: “Công việc đi biển vất vả, gian truân lắm. Nhớ có lần cách đây khoảng 15 năm, khi ra biển đánh cá, tôi gặp phải cơn lốc bất ngờ. Sóng gió cứ liên tục đánh vào con thuyền nhỏ khiến động cơ bị hư hỏng, phương tiện liên lạc về đất liền cũng chẳng có nên tôi lênh đênh hơn 1 ngày, 1 đêm trên biển. Lúc ấy, tôi vừa đói, vừa khát, tìm mọi cách để về bờ nhưng bất thành. Ấy vậy nhưng ông trời vẫn còn thương bởi sau đó, những ngư dân cùng xã đã tìm và đưa được tôi trở về”.

Chẳng ai biết chắc làng chài Xuân Yên hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng, các thế hệ ngư dân ở đây cả đời sinh sống, gắn bó với biển. Họ xem thuyền là nhà, biển là quê hương, gắn bó với làng chài bao đời nay.

Những câu chuyện đời của ngư dân miền biển Nghi Xuân

Với cha con ông Nguyễn Xuân Hệ, được lao động để giúp gia đình, kế nghiệp cha ông đã là một niềm vui

Ông Nguyễn Xuân Hệ (SN 1972, trú thôn Yên Lợi) chia sẻ: “Đời người ngư dân còn nhiều vất vả nhưng tôi vẫn luôn ngập tràn niềm tin và hy vọng vào tương lai. Đời ông, đời cha, đời tôi và con tôi đều gắn bó với biển. Những con người miệt biển như tôi đã quen “ăn sóng nói gió”. Bởi vậy, dù da ai cũng sạm đi vì nắng, vì gió nhưng với ngư dân chúng tôi, được lao động để giúp gia đình, kế nghiệp cha ông đã là một niềm vui”.

Nối nghiệp cha ông, nhiều thanh niên trai tráng của làng chài Xuân Yên cũng gắn bó với biển từ lúc còn là một thiếu niên. Bao đời nay, trong tâm hồn và trái tim người dân làng chài Xuân Yên, biển là nhà, là sự sống, là hơi thở và là cả cuộc đời.

Những câu chuyện đời của ngư dân miền biển Nghi Xuân

Lớp thanh niên trẻ như anh Hùng luôn nặng lòng với biển quê hương.

Đang cùng cha (ông Nguyễn Xuân Hệ) gỡ những con ghẹ khỏi lưới để kịp cho mẹ đưa ra chợ bán, anh Nguyễn Trọng Hùng tâm sự: “Từ lúc còn đi học, hễ có thời gian, tôi lại tập tành theo cha, theo anh đi đánh bắt cá gần bờ. Giờ tôi cũng đã có 10 năm kinh nghiệm lênh đênh cùng sóng nước. Cùng trang lứa với tôi, nhiều bạn cũng chọn nghề đi biển để mưu sinh. Dù từng rời quê hương để tới những miền đất hứa, nhưng nặng lòng với biển, chúng tôi lại trở về”.

Hành trình lênh đênh trên biển, sóng ngàn năm vẫn trắng xóa mạn tàu. Dù vậy, ngư dân vẫn vững vàng trên muôn ngàn con sóng bạc. Và với những nữ ngư phủ, cuộc đời họ với biển như có một sợi tơ mềm buộc chặt để gắn bó với biển từ năm này qua tháng khác.

Những câu chuyện đời của ngư dân miền biển Nghi Xuân

Bà Hồng mong muốn biển luôn dịu hiền, yên ả để ngư dân yên tâm gắn bó với nghề.

Cùng chồng lênh đênh trên sóng biển đã gần 30 năm nay, bà Trần Thị Hồng (trú thôn Yên Hải) cho biết: “Tôi sinh ra ở làng chài Xuân Yên, khi lớn lên cũng lấy chồng ở đây và cuộc sống cứ tiếp tục gắn bó với biển. Nhà có 5 người con nên vợ chồng tôi phải vất vả mưu sinh. Chúng tôi luôn tự động viên nhau cùng cố gắng bám biển để nuôi con. Bây giờ, các con khôn lớn nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi biển bởi đã quen với cuộc sống này. Chỉ mong biển luôn dịu hiền, yên ả để ngư dân yên tâm gắn bó với nghề”.

Những câu chuyện đời của ngư dân miền biển Nghi Xuân

Phút giây nghỉ ngơi, “gặt” thành quả sau chuyến đi biển của người dân làng chài Xuân Yên.

Mong ước của bà Hồng cũng là của bao ngư dân khác ở làng chài Xuân Yên. Dẫu nghề đi biển vất vả lại lắm gian truân, song, những giọt mồ hôi nhọc nhằn sẽ được bồi đắp bởi sự tinh tươm của bữa cơm gia đình đầm ấm. Đó là điều hạnh phúc mà mọi người dân miền biển mong cầu.

Dạo bước trên bờ biển Xuân Yên, đôi chân trần ngập trong cát mát lạnh, lắng nghe âm thanh rì rào của sóng biển, cảm nhận từng cơn gió vờn qua vai, tâm hồn tôi như khẽ chạm vào thứ thanh âm diệu kỳ của biển cả. Và khi nhớ lại từng gương mặt, từng giọng nói của những ngư dân được gặp hôm nay, tôi vẫn mong một ngày nào đó sẽ quay lại với làng chài để tiếp tục khám phá những điều thú vị nơi đây.

Chủ đề Biển Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đi trong mùa lộc biếc

Đi trong mùa lộc biếc

Tháng Giêng - trong thao thiết gọi mời, hơi ấm từ ngọn gió xuân thức dậy cả đất trời những miền quê Hà Tĩnh, làm thắm tươi những lộc non, chồi biếc, mang theo bao niềm ước vọng về sự thịnh vượng của đất nước, quê hương.
Du lịch Hà Tĩnh rộn rã khởi động năm 2025

Du lịch Hà Tĩnh rộn rã khởi động năm 2025

Phát huy kết quả trong năm 2024, từ đầu xuân Ất Tỵ 2025, ngành du lịch Hà Tĩnh đã khởi động một cách tích cực, mạnh mẽ bằng nhiều chương trình, hành động thiết thực nhằm thu hút du khách.
Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” được Hà Tĩnh phối hợp tổ chức cuối năm 2024 đã để lại trong lòng các nghệ nhân mọi miền những ấn tượng mạnh mẽ về "bản hòa tấu" di sản văn hóa dân tộc.
Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Bằng sự nghiên cứu, sáng tạo, nhiều văn nghệ sỹ, chuyên gia nổi tiếng cả nước đã dành nhiều tâm huyết để lan tỏa, nhân lên những giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh tới bạn bè muôn phương.
Kẻ sỹ Ngàn Hống - dấu ấn trăm năm

Kẻ sỹ Ngàn Hống - dấu ấn trăm năm

Sau hơn 30 năm đam mê, kiên nhẫn, miệt mài, nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy đã để lại một di sản hàng ngàn trang viết về địa chí, lịch sử, văn hóa, con người… của vùng đất Nghệ - Tĩnh.
Náo nức hội xuân

Náo nức hội xuân

Đến với Hà Tĩnh vào dịp xuân về, du khách sẽ được hòa mình vào không khí rộn ràng của các lễ hội, được khám phá cảnh sắc và nét độc đáo của văn hóa, con người vùng đất núi Hồng - sông La.
Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang

Khi những cành đào bật nụ hồng tươi, mai vàng bung hoa rực rỡ và trên phố phường, đường quê tấp nập người đi lại, ấy là khi ngày tết Nguyên đán cận kề.
Hân hoan “chào” Tết

Hân hoan “chào” Tết

Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.
Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen (Hà Tĩnh) hân hoan chào đón năm mới với cờ đỏ sao vàng tung bay, muôn hoa khoe sắc thắm, sắc xuân hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của người dân.
Gìn giữ phong vị Tết

Gìn giữ phong vị Tết

Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là “di sản” văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Rộn ràng câu hát mùa xuân

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Cuối năm âm lịch, khi đào, mai bắt đầu bung nụ cũng là lúc các địa phương Hà Tĩnh dành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình văn nghệ để biểu diễn phục vụ Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.