Những hạt giống đỏ từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931) dù diễn ra còn sơ khai trong 7 tháng nhưng đã hội tụ được ý chí kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước của con người xứ Nghệ. Tại Hà Tĩnh, đã xuất hiện nhiều hạt giống đỏ, trở thành cơ sở để phát triển Đảng, phát triển phong trào đấu tranh cách mạng về sau...

Cụ Bùi Quang Thị (tức Bùi Thị, 1898-1977), có bí danh Phấn Đấu, quê quán tại xóm Kim Tỉnh, xã Cẩm Tiến (nay là thị trấn Cẩm Xuyên), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ tham gia Đảng Tân Việt năm 1927. Tháng 3/1930, cụ trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Kỳ Anh. Cuối năm 1930, cụ Bùi Thị bị thực dân Pháp bắt, bị kết án khổ sai chung thân và bị đày ở các nhà tù: Vinh, Lao Bảo, Quảng Trị, Đắk Mil, Buôn Mê Thuột. Dù bị giặc tra tấn đến tàn phế nhưng cụ vẫn một lòng trung kiên với Đảng. Đầu năm 1945, cụ được ra tù và trở về tiếp tục hoạt động trong các cơ quan kháng chiến. Cụ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Bài viết dưới đây do nhà thơ, nhà báo Bùi Quang Thanh - cháu nội cụ Bùi Quang Thị ghi lại theo lời kể của cụ.

Những hạt giống đỏ từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Ngọn lửa cách mạng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh luôn cháy sáng, soi đường cho các thế hệ trẻ Hà Tĩnh vươn lên trong thời đại mới.

Sau khi anh Trần Hưng quay ra Hà Tĩnh, tôi trở lại làng Hữu Lạc với chiếc máy may cổ lỗ của mình. Xóm làng vẫn bình yên. Chợ Voi chưa đến phiên nhưng những chồng nón trắng trên đầu các cô gái quê duyên dáng đã ngất ngưởng ngược lên chợ, lên ngã ba Voi để đợi khách. Tôi xốn xang và hồ hởi quá. Vậy là con đường cách mạng đã ngoặt sang một hướng mới - hướng quyết định! Tôi nghĩ vậy, tin vậy, dù cuộc họp thống nhất các Đảng Cộng sản Việt Nam ở Ma Cao - Trung Quốc vừa diễn ra chưa đến dăm chục ngày, dù cái tin Tỉnh Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh vừa hình thành được mấy ngày và tôi mới được kết nạp vào Đảng hôm qua.

Đã ba năm rồi từ khi vào Đảng Tân Việt, lăn lộn trong phong trào cách mạng địa phương ở xứ Voi này, chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống các chi bộ Tân Việt, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh. Đại Tổ Tân Việt Kỳ Anh hoạt động rất tích cực dưới sự chỉ đạo của cấp ủy gồm 9 người do anh Hoàng Lương làm Bí thư. Trong cấp ủy của Đại Tổ có đến 5 người quê ở tổng Cấp Dẫn (xứ Voi), vì vậy, làng Hữu Lạc của chúng tôi là trung tâm hoạt động. Chúng tôi thường gặp nhau trao đổi tình hình và bàn bạc công việc tại đình Phương Giai, cách chợ vài trăm mét.

Nhớ lời anh Hưng lúc chia tay: “Đồng chí là người đầu tiên ở Kỳ Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản, phải làm sao để với thời gian ngắn nhất tập hợp được nhiều người nhất cho Đảng. Đặc biệt chú trọng các nhân tố trong Tân Việt Đảng để phát triển lực lượng”, tôi nghĩ ngay tới anh Nguyễn Tiến Liên và anh Nguyễn Trọng Bình. Anh Liên là anh họ vợ tôi, nhà ở bên kia đồng lúa, chỉ mấy bước là sang được, còn anh Trọng Bình ở dưới Dị Nậu, cách nhà tôi 3 cây số. Cả hai là đồng chí trong Đại Tổ Tân Việt Kỳ Anh, có học thức, rất nhiệt tình và năng nổ. Khi nghe tôi phổ biến lại tinh thần của Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh qua người đại diện là anh Trần Hưng, cả hai anh đều tự nguyện gia nhập Đảng Cộng sản.

Những hạt giống đỏ từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Chân dung cụ Bùi Thị.

Thế là Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Kỳ Anh ra đời do tôi phụ trách. Chúng tôi phân công nhau tìm lại các đồng chí của mình để chuyển Đảng cho họ. Lần lượt các đồng chí: Trần Cao Trực, Lê Ngọc Triện, Đặng Hàm, Dương Xuân Trạm, Hoàng Lương, Phan Công Bích, Dương Duyến, Cao Duyệt... đã trở thành đảng viên cộng sản. Chỉ 2 tháng, huyện Kỳ Anh đã có tới 7 chi bộ với 42 đảng viên. Trong thời gian này, tôi được Tỉnh Đảng bộ lâm thời cử vào BCH đặc trách khu vực Nam Hà, bao gồm phía Nam huyện Cẩm Xuyên và toàn bộ huyện Kỳ Anh. Cẩm Xuyên là quê tôi. Xứ Voi trở thành quê hương thứ hai của tôi, là quê ngoại của các con tôi. Sau này, khi đã là đảng viên Tân Việt, tôi có thêm các đồng chí của mình như Bùi Sum, Ngô Cẩm. Họ là bạn cùng làng và là những thanh niên yêu nước tiên tiến cùng chí hướng. Tôi nghĩ đến việc bắt liên lạc với những người này.

Chợ Hội, trung tâm huyện lỵ Cẩm Xuyên là một phố nhỏ khoảng trăm nóc nhà chạy dọc quốc lộ. Ngoài mấy ngôi nhà một tầng của huyện đường, vài ngôi nhà xây của vài hộ buôn bán, còn lại là nhà tranh, vách đất. Đồn binh Pháp đóng ở đồn Trường, cách chợ Hội hai cây số trên đường Thiện Trị đi Thiên Cầm. Khác với xứ Voi vừa xa trung tâm huyện, ba phía là rừng núi dễ đến, dễ đi, thuận lợi cho việc hoạt động thì ở Cẩm Xuyên nếu bị lộ sẽ khó lòng tẩu thoát. Biết vậy tôi chưa dám về ngay chợ Hội để tìm các đồng chí Tân Việt mà nghĩ ra một phương án khác. Tôi bàn giao công việc cho anh Nguyễn Tiến Liên và anh Nguyễn Trọng Bình rồi theo đường tắt từ làng Hữu Lạc qua Cồn Ran, qua eo rú Cửa ở Cẩm Lĩnh để về Cẩm Dương.

17 năm trước, khi học tại Trường Sơ học yếu lược Elemagte huyện Cẩm Xuyên, tôi chơi thân với Đặng Trọng Phượng, một học trò quê miền biển vùng chợ Cừa. Chúng tôi hiểu nhau, đều mong mỏi được hoạt động vì một chân trời tươi sáng của quê nhà. Rồi, tôi vì mẹ mất mà phải bỏ học để giúp cha nuôi đàn em nhỏ. Khi xa nhau, Phượng ngậm ngùi: “Sau này, dù làm gì, ở đâu, cũng nhớ tìm nhau”. Tôi quyết định ra tìm Đặng Trọng Phượng để tìm cách đưa anh vào hoạt động. Tôi tin Phượng.

Những hạt giống đỏ từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Nhà thơ, nhà báo Bùi Quang Thanh (bìa trái) bên tấm bia đá ở đền Phương Giai (Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên, cũng là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời huyện Kỳ Anh 1930. Ảnh tư liệu

Đường từ Cồn Ran, men theo đập Ba Ra qua eo rú Cửa quanh co, rậm rịt. Dân bộ hành ít qua đây vì hoang vắng, thú dữ lại rất nhiều. Dãy núi Voi men sông Rác nối Hoành Sơn, Trường Sơn với biển Cửa Nhượng vốn nổi tiếng lắm khái, beo (cọp, báo). Vượt lên nỗi sợ hãi, tôi khoát mạnh tay, ưỡn ngực, “bươn” một mạch qua truông Cửa tìm đến bến đò ở bờ sông. Dáng dấp một nông dân nghèo, quần nâu áo vá, tôi dấn bước trên con đường đất từ Cẩm Long lên làng Phong Hầu. Sợ có người nhận ra, tôi kéo nón sụp xuống ngang mắt, cắm cúi bước. Đến Cẩm Phúc, dưới bóng mát của cây đa cổ thụ bên chợ Gon, bất ngờ hiện ra hai người lính lệ cầm gậy đứng đón đường. Tôi chột dạ ngoái lại chọn lối nếu phải tẩu thoát. Tuy vậy, để chúng khỏi nghi, tôi vẫn bước đều. Hai người lính lệ ấy chẳng phải ai xa lạ: Trương Luyện ở thôn Kẻ Xá và Bang Hoạt họ xa với tôi. Tôi chủ động:

- Hai anh canh phía này ạ?

- Anh Cu! Sao trông bộ lạ thế?

Bang Hoạt nhìn tôi trong bộ cánh nhà nông. Quả là tôi hơi khác thường. Từ trước tới nay, khi làm nghề bốc thuốc nam, khi làm ký rượu cho hãng Phong Ten, rồi làm thợ may, lúc nào tôi cũng bảnh bao mỗi khi về thăm quê. Tự dưng hôm nay lại diện bồ đồ nâu vá nghèo khó này. Tôi cười và nói:

- Cũng lúc này, lúc khác chứ anh. Mình con nhà nghèo mà.

Nhìn hai anh lính lệ áo vải đỏ năm thân rộng thùng trong tấm thân gầy, quần thâm nón lá, chân chẳng dép giày, mỗi người một cây gậy tre đực, tôi tấn luôn:

- Bác Đội Hoành có khỏe không?

Nghe nhắc đến Đội Hoành - người phụ trách toán lính lệ, Bang Hoạt dịu giọng:

- Ông ấy đang về Thừa Thiên.

Để có điều kiện phát triển Đảng sâu rộng, chúng tôi đã nghiên cứu khá kỹ lực lượng bọn Tây và chính quyền địa phương ở Cẩm Xuyên. Anh em lính lệ là người địa phương chỗ bà con quen biết cả nhưng dù sao họ cũng là người của Pháp, ăn lương Pháp. Lại thêm lòng tham lĩnh thưởng nếu bắt được người hoạt động chống đối Nam Triều. Tôi chợt nhớ trong bao cói bên hông ngoài bộ áo quần còn có tờ báo của nhóm cụ Phan Bội Châu vừa xuất bản. Đang suy tính chợt Bang Hoạt vỗ vào cái túi cói:

- Ở Voi về mà không có bánh gai, bánh tày cho nhà à?

- Tôi hơi vội, lại đi sớm nên chẳng mang được chi về. Hay là chẳng mấy khi gặp nhau, vào đây làm vài ly đã.

Bang Hoạt xoi mói nhìn tôi từ đầu tới chân rồi ra vẻ lưỡng lự. Bỗng một cú vỗ rất mạnh bên vai trái tôi, rồi có tiếng quát ồm ồm:

- Này! Định mồi chài ai vào quán đấy? Các quan đang làm phận sự nhé.

Tôi giật mình quay lại. Chẳng phải ai xa lạ, đó là Bùi Thịnh người cùng họ, cùng làng với tôi. Thịnh cũng ăn vận y như lính lệ. Tôi thở phào:

- Chú Thịnh à? Khỏe không?

- Khỏe gì? Sáng tới giờ đã có chén nào đâu?

Được dịp, tôi kéo Thịnh và Bang Hoạt vào quán tranh cạnh đấy. Qua chuyện vãn, tôi biết họ được lệnh tăng cường kiểm soát tuyến đường này vì nghe phong thanh cộng sản đang thành lập nhiều hội, nhóm quần chúng hoạt động chống chính phủ. Tôi cũng biết được Pháp đang chuẩn bị làm đồn Yên Dưỡng ở chợ Cừa và đồn Trường ở Phong Hầu. Bang Hoạt nheo mắt hỏi tôi:

- Anh ký có tham gia Tân Việt không đấy?

Tôi cười:

- Mình mất vốn vì nghề ký rượu cho tây lâu rồi. Nay vừa đi cày, vừa làm hàng xáo nuôi vợ con thôi.

Những hạt giống đỏ từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được thể hiện qua tranh sơn dầu

Rồi lấy lý do phải về cho kịp giỗ ông nội trưa nay, tôi gọi thêm be rượu nữa để “các bác ngồi”, còn mình thì lận lưng quần mấy hào bạc lẻ thanh toán và xin về trước. Qua làng Gon, tôi rẽ đường tắt theo hướng làng Đông Tác, nơi có hàng phi lao xanh rì sau cồn cát trắng.

Trọng Phượng tròn xoe mắt xoáy vào bộ mặt xúc động của tôi, lại nhìn tôi từ chân lên đầu, từ đầu tới chân rồi ôm chầm lấy tôi, mắt rơm rớm. Qua trò chuyện, tôi biết gia đình bắt lấy vợ sớm, anh bị níu áo lại quê nhà. Cả chiều ấy, cả tối ấy, tôi và Phượng tìm đến đám cây hoang dại mọc rậm rì trên cát trắng bao quanh khu vườn cũng cát trắng bạc màu, ngồi trên hai chiếc võng lác, đung đưa võng như ngày còn thơ ấu.

Sớm hôm sau khi mặt trời vừa hừng chân sóng, tôi trở dậy soạn sửa ra về. Chị Phượng dúi vào tay tôi một ít bạc giấy và rụt rè: “Bác khó khăn, bầy tui chẳng giúp được gì nhiều. Đường xa xôi lắm nên nếu có gánh ló (thóc) về cũng chẳng ăn thua. Em đã gạ bán cho hàng xáo một ít ló, bác cầm bạc về cho tiện”. Tôi nhìn trân vào khuôn mặt dịu hiền, phúc hậu của chị, lại nhìn ngôi nhà tranh lợp rạ, bốn phía cũng thưng bằng rạ mà lòng xúc cảm rưng rưng.

Anh Phượng giục tôi cầm tiền, bắt tôi giắt tiền cẩn thận vào cạp quần cho chắc rồi mới ngồi vào mâm ăn sáng. Chúng tôi hẹn nhau sau mùa gặt tới anh sẽ vào thăm tôi. Trọng Phượng tiễn chân tôi. Ra đến chỗ ngõ khuất, nhìn sau nhìn trước không có ai, tôi vén cạp quần lấy tiền dúi vội vào túi áo nâu của Phượng. Trọng Phượng bối rối. Một tay đặt lên vai anh, một tay đặt vào nắp túi áo anh, tôi nghiêm nghị: “Tôi ra đây là vì tổ chức Đảng đang cần anh. Anh đừng cho chị biết việc này. Cầm lấy tiền để tiện cho việc đi lại sau này”. Rồi quay người, tôi lủi nhanh trên lối cát tìm đường lên chợ Hội.

Đó là chuyến liên lạc bắt mối, gây cơ sở đầu tiên của tôi từ Kỳ Anh ra Cẩm Xuyên. Từ chuyến đi này, tháng 6/1930, Đặng Trọng Phượng vào Voi ở lại 15 ngày, tôi đưa anh ra gặp các đồng chí trong Chi bộ Hữu Lạc và chúng tôi đã làm lễ kết nạp Đảng cho anh tại cồn Giềng Rồng thuộc thôn Hữu Lệ. Sau ngày đó, tôi thường xuyên về Cẩm Xuyên để bắt liên lạc với các đồng chí ở đây. Mọi quan hệ giữa đảng bộ hai huyện có mối giao liên rất quan trọng và thường xuyên là anh Phượng. Từ mối liên hệ này dẫn đến sự phối hợp thống nhất các hành động của phong trào cách mạng ở hai huyện phía Nam Hà Tĩnh.

Những hạt giống đỏ từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh ở Ngã ba Nghèn (Can Lộc - Hà Tĩnh)

Sau cuộc bạo động ở huyện đường Kỳ Anh ngày 9/9/1930 của quần chúng cách mạng do Huyện ủy lâm thời Kỳ Anh lãnh đạo, thực dân Pháp đã đàn áp dã man các cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng. Hầu hết BCH lâm thời Đảng bộ hai huyện bị khủng bố: Nguyễn Đình Liễn, Nguyễn Trọng Bình bị chúng chém đầu, nhiều người chịu án khổ sai lâu năm như tôi, Thiều Ngoạn, Đặng Hàm, Nguyễn Tiến Liên... Sự liên lạc của Đảng từ tỉnh xuống huyện, xã bị đình đốn. Tháng 3/1931, chính đồng chí Đặng Trọng Phượng đã mưu trí, dũng cảm lọt qua tai mắt, lưỡi lê của địch để vào bắt liên lạc với các đồng chí Dương Duyến, Lê Ngọc Đoái... bàn định kế hoạch củng cố lại các chi bộ Đảng và tổ chức quần chúng cách mạng...

Và trong máu lửa, những hạt giống đỏ như những đốm lửa nhỏ của Xô viết Nghệ Tĩnh vùng Nam Hà Tĩnh lại âm ỉ cháy, lan rộng mãi trong hầu hết các vùng đất quê hương để rồi bùng cháy dữ dội hơn, thiêu hủy hoàn toàn chế độ thực dân Pháp và bọn bù nhìn phong kiến trong ngày khởi nghĩa giành chính quyền 18/8/1945 tại Kỳ Anh.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.