Anh Trần Đình Quốc - cán bộ VietinBank Hà Tĩnh: Tự hào là người con quê hương Xô viết
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Nghèn, tôi luôn tự hào là một người con của quê hương Can Lộc, nơi tinh thần, ý chí cách mạng được giữ gìn và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những năm 30 của thế kỷ trước, nơi đây từng ghi dấu nhiều cuộc biểu tình lớn trong phong trào Xô viết với hàng nghìn người dân vùng lên, giương cao lá cờ đỏ búa liềm kéo về huyện lỵ phản đối chính quyền thực dân, buộc tri huyện phải nhận bản yêu sách đòi giảm sưu, hoãn thuế.
Anh Trần Đình Quốc - cán bộ VietinBank Hà Tĩnh
Tôi hiểu rằng, để có được hòa bình, độc lập và phát triển như ngày hôm nay là sự đánh đổi xương máu của bao thế hệ cha ông, trong đó có cả những người đã ngã xuống khi thực dân Pháp xả súng vào đoàn biểu tình trong phong trào Xô viết.
Mỗi khi có dịp đi qua Bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc), tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh (thị trấn Nghèn) cũng như những di tích lịch sử khác…, tôi lại thêm phần biết ơn, cảm phục trước tấm gương hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sỹ, tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Can Lộc anh hùng. Đây cũng là động lực thôi thúc tôi cũng như nhiều bạn trẻ thế hệ hôm nay sống có trách nhiệm với đất nước, vững niềm tin vào lý tưởng, đem tinh thần, trí tuệ, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chị Trần Thị Nhật Tân - cán bộ Sở Công thương: Luôn khắc ghi, biết ơn sự hy sinh của thế hệ cha ông
Là thế hệ trẻ trên quê hương Xô viết anh hùng, tôi luôn tự hào và trân trọng những thành quả mà các bậc cha ông đi trước đã tạo dựng. Qua những trang sách sử, tấm hình, thước phim tài liệu, những buổi sinh hoạt, bồi dưỡng của tổ chức Đảng, Đoàn, tôi luôn ghi nhớ về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Chị Trần Thị Nhật Tân - cán bộ Sở Công thương Hà Tĩnh
Khi Nhân dân đang phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” của thực dân và phong kiến, Đảng ta đã lãnh đạo phong trào quần chúng làm nên cao trào đấu tranh 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Đó là những cuộc mít tinh, tuần hành, rải truyền đơn; cao điểm hơn là các cuộc biểu tình có vũ trang và các đội Tự vệ đỏ hỗ trợ, đấu tranh dồn dập khiến bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến rối loạn, tan rã ở nhiều địa phương. Chính quyền Xô viết đã quản lý và điều hành, ban hành nhiều chính sách mới tiến bộ, đem lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân.
Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và bị thực dân Pháp đàn áp dã man, song tinh thần, ý chí cách mạng của Xô viết Nghệ Tĩnh và sự hy sinh của các bậc cha ông còn sáng mãi, là lý tưởng để thế hệ trẻ noi theo, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Thượng úy Đậu Thị Thúy Hà - cán bộ Công an TP Hà Tĩnh: Tiếp nối truyền thống Xô viết, nỗ lực bảo vệ thành quả cách mạng
Xô viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931 ở nước ta. Đặc biệt, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Tự vệ đỏ đã ra đời, đây là tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng của nước ta sau này. Là một người con của quê hương Hà Tĩnh, đồng thời cũng là một đảng viên công an nhân dân, tôi rất tự hào và biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu để dựng xây nên thành quả cách mạng.
Thượng úy Đậu Thị Thúy Hà - cán bộ Công an TP Hà Tĩnh
Thế hệ chúng ta được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng lớn mạnh. Bởi vậy, lịch sử cũng đặt ra cho chúng ta những trọng trách mới đầy khó khăn, thử thách, đó là phải nỗ lực bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Với đặc thù công việc có tính kỷ luật cao, nhiệm vụ gian khó và hiểm nguy nhưng là một nữ chiến sĩ trẻ, tôi luôn cố gắng phát huy truyền thống của lực lượng công an nhân dân, vượt qua khó khăn, thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; thường xuyên chủ động lĩnh hội tri thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để đảm bảo an ninh trật tự, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Anh Nguyễn Quyết - Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh: Kiên cường trên tuyến đầu chống dịch
Noi gương thế hệ cha ông đã không tiếc tuổi xuân, hy sinh xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tôi luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước. Khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã thôi thúc tôi xung phong tham gia tuyến đầu chống dịch.
Anh Nguyễn Quyết - Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Sau hơn 1 tháng tăng cường tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, tôi tiếp tục viết đơn tình nguyện tham gia đoàn cán bộ y tế lên đường vào Bình Dương hỗ trợ phòng, chống dịch. Đặc thù điều trị bệnh nhân COVID-19 nên công việc của chúng tôi rất nặng nề và áp lực. Đặc biệt là thời gian hỗ trợ tại Bình Dương, đoàn công tác phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 khi thường xuyên phải tiếp xúc với F0, mỗi kíp trực kéo dài 12 tiếng và phải phụ trách hàng trăm bệnh nhân cùng nhiều thiếu thốn về trang thiết bị, điều kiện sinh hoạt, làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt. Bản thân tôi cùng nhiều đồng chí đã phơi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 nhưng chúng tôi luôn nỗ lực hỗ trợ chuyên môn khi tình hình sức khỏe ổn định và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao khi có kết quả âm tính.
Vượt lên tất cả là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôi cùng các anh chị em trong đoàn đã nỗ lực hết mình để san sẻ những khó khăn với địa phương, hoàn thành trọng trách được giao phó. Trở về Hà Tĩnh, chúng tôi tiếp tục sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo điều động, quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.