Những “người lái đò” vĩ đại

(Baohatinh.vn) - Nếu thời phong kiến, người thầy là một trong 3 người được kính trọng nhất: quân - sư - phụ (vua - thầy - cha) thì ngày nay, bên cạnh ví “kỹ sư tâm hồn” người ta còn ví người thầy, người cô là những “người lái đò” chở học sinh qua sông cập bến tri thức và một nghĩa nào đó là cập bờ tương lai.

Những người thầy vì nước quên thân

Làm “nghề lái đò”, thầy cô không quản ngại “sóng to, gió cả”, nghĩa là những khó khăn vất vả trên chặng đường mình “chở khách qua sông”. Để những lứa học sinh được cập bến bờ vinh quang, trở thành những công dân có ích cho xã hội, người thầy, người cô đã không quản ngại gian khổ, giữ đạo làm thầy, trau dồi tri thức, kỹ năng giảng dạy để học sinh tiếp nhận tốt nhất, áp dụng những bài giảng, những lời dặn của thầy vào thực tế cuộc sống. Bản thân họ nêu tấm gương sáng sống chết vì lý tưởng cao cả: độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho Nhân dân.

Những “người lái đò” vĩ đại

Tranh vẽ thầy giáo Chu Văn An. Ảnh: Internet

Là một dân tộc có truyền thống hiếu học, từ xa xưa, trong lịch sử Việt Nam đã có nhiều người thầy nổi tiếng về nhân cách và trí tuệ, đào tạo được hàng nghìn học sinh trong cả nước đỗ đạt, thành tài, tiêu biểu là thầy giáo Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Vương Thúc Quý, Phan Bội Châu, Võ Liêm Sơn…

Những “người lái đò” vĩ đại

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng là thầy giáo và là người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của đất nước (ảnh: Internet)

Không phải ngẫu nhiên mà các lãnh tụ của Đảng đều xuất thân là những nhà giáo và trong các gia đình có truyền thống giáo dục. Nhân cách người mẹ, người cha đồng thời là các nhà giáo đã tạo nền tảng đạo đức, nhân cách, trí tuệ để những người học trò, người con biết yêu thương Nhân dân, yêu thương đất nước, dám xả thân vì nghĩa lớn. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành trước khi xuất dương ra nước ngoài đã dạy học tại Trường Dục Thanh (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Đây là ngôi trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất Bình Thuận thời bấy giờ. Tháng 9/1910, Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất dạy học tại đây; năm đó, Người mới 20 tuổi. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy chữ Quốc ngữ, chữ Hán và cả thể dục thể thao, dạy tiếng Pháp khi giáo viên Pháp vắng mặt. Đến tháng 2/1911, người thầy ấy rời Trường Dục Thanh ra đi, tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình.

Những “người lái đò” vĩ đại

Tranh minh họa thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh - tỉnh Bình Thuận (ảnh: Internet)

Trường Tiểu học Pháp - Việt, thị xã Vinh, Nghệ An (có thời mang tên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục) những năm đầu thế kỷ XX, là ngôi trường do thực dân Pháp lập ra để đào tạo đội ngũ trí thức phục vụ cho sự cai trị của chúng. Những người thầy ở đây, ngoài dạy kiến thức, đã âm thầm gieo mầm yêu nước và tinh thần cách mạng.

Các thầy giáo Trần Phú, Hà Huy Tập đã tìm cách thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong lòng học sinh. Họ đều tham gia Hội Phục Việt, sau đổi thành Hội Hưng Nam, sau đó đổi thành Việt Nam cách mạng Đảng, những tổ chức hội yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX. Trần Phú, Hà Huy Tập đều đi theo con đường của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, xuất dương ra nước ngoài, trở thành chiến sĩ cộng sản xuất sắc, những người lãnh đạo Đảng. Trần Phú bị giặc Pháp bắt giam, tra tấn và hy sinh trong nhà tù; Hà Huy Tập bị xử bắn. Những người thầy vĩ đại đã nêu tấm gương sáng vì nước quên thân, hiến dâng cuộc đời cho đất nước, cho Nhân dân đến phút cuối cùng.

Nghề cao quý nhất, nghề sáng tạo nhất

Nối tiếp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, đón nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại, lớp lớp thầy cô giáo sau này đã không ngừng trau dồi phẩm chất, đạo đức, tri thức, kỹ năng, dạy dỗ học sinh bằng tất cả tình yêu thương và kỳ vọng. Hình ảnh người thầy, người cô trong lòng Nhân dân, trong lòng các thế hệ học trò suốt dọc thời gian vẫn luôn đẹp đẽ, cao quý.

Những “người lái đò” vĩ đại

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tôn vinh các nhà giáo ưu tú nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2002)

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Tôn sư trọng đạo”, đó là lẽ sống, là tình cảm của Nhân dân dành cho những “kỹ sư tâm hồn” mà họ tôn kính. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Bên ánh đèn khuya em đã thức bao đêm/ Dưới chiến hào dân quân nhiều trận có em… Người cầm bút, người cầm súng, người đi xa hằng nhớ ghi trong tim… (Bài ca người giáo viên nhân dân - Hoàng Vân). Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ/ Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào… (Hành khúc ngày và đêm - Phan Huỳnh Điểu).

Những câu hát ấy bao thế hệ người Việt Nam đã thuộc. Làm sao quên được những thầy cô giáo đã che chở cho đàn em trong lớp học dưới hào giao thông mà cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Anh hùng lao động ở Trường Mẫu giáo Bùi Xá (Đức Thọ) là điển hình. Làm sao quên được những thầy cô đã nhận học trò có hoàn cảnh éo le làm con nuôi, nhường cơm sẻ áo, nâng niu chăm sóc các em như con đẻ mà tấm gương cố nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa, nguyên Trưởng ty Giáo dục Hà Tĩnh là điển hình. Hình ảnh cố nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký với đôi tay bị liệt đã làm tất cả mọi việc bằng đôi chân kỳ diệu mãi là câu chuyện truyền cảm hứng cho bao thế hệ.

Là vùng quê điển hình cho truyền thống hiếu học của cả nước, đã có biết bao làng học, đất học trên mảnh đất Hà Tĩnh trong suốt chiều dài văn hiến vẫn ngời sáng đến hôm nay như: Trường Lưu (thuộc xã Kim Song Trường, Can Lộc hiện nay), làng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ), Thạch Châu (Lộc Hà), An Hòa Thịnh (Hương Sơn), Tiên Điền (Nghi Xuân) v.v... Gắn với các làng quê ấy là những gia đình nhà giáo đã dốc trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” như: Gia đình Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, gia đình nhà giáo Nguyễn Khắc Niêm, gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền...

Trong thời kỳ chống Mỹ, bất chấp đói khổ, đạn bom, những ngôi làng học như Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Phù Việt (thuộc xã Việt Tiến, Thạch Hà hiện nay), Tùng Ảnh (Đức Thọ) vẫn nổi tiếng về sự nghiệp giáo dục của cả nước gắn với tên tuổi của rất nhiều người thầy, người cô.

Những “người lái đò” vĩ đại

Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh dâng những đóa hoa tươi thắm chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày 20/11.

Những năm gần đây, giáo dục Hà Tĩnh luôn ở vị trí top đầu cả nước với nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế gắn với công lao của đội ngũ nhà giáo tận tụy, tâm huyết. Nhiều nhà giáo đã được Đảng và Nhà nước vinh danh. Nổi bật là Nhà giáo Nhân dân - Trần Đình Đàn, Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân, Nhà giáo Nhân dân GS.TS Nguyễn Văn Đính, Nhà giáo Nhân dân Lê Đức Quý, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trí Hiệp và rất nhiều nhà giáo ưu tú khác.

Công cuộc đổi mới đất nước đòi hỏi những người làm “nghề cao quý”, “nghề sáng tạo” phải vươn lên học hỏi không ngừng, tiếp thu, vận dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy để đào tạo nên những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước không chỉ “vừa hồng”, “vừa chuyên” mà còn rất năng động, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân. Rời ghế nhà trường, họ mang theo những lời thầy cô, lời mẹ cha dạy, biến ước mơ thành hiện thực bằng đôi bàn tay và khối óc, góp sức xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp, hùng cường.

Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đặt lên vai đội ngũ nhà giáo trách nhiệm nặng nề và vinh quang. Nhận về mình sứ mệnh “chèo đò qua sông”, truyền ánh sáng tri thức và lương tâm tới lớp lớp học sinh, đội ngũ nhà giáo Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hùng hậu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý “sáng tạo ra những con người sáng tạo”, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, các thế hệ học sinh và Nhân dân thêm một lần nữa trân quý và biết ơn những “người chèo đò” vĩ đại.

Chủ đề NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.