Nỗi ám ảnh từ việc hút thuốc lá thụ động

(Baohatinh.vn) - “Phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng bị mắc nhiều bệnh liên quan đến thuốc lá do hậu quả của hút thuốc thụ động”, bác sỹ Hoàng Văn Thành - Phó trưởng Khoa Nội - Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) cho biết.

Nỗi ám ảnh từ việc hút thuốc lá thụ động

Không ít người vẫn hút thuốc lá tại nơi công cộng.

Hút thuốc lá thụ động là hình thức hít khói thuốc từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá hoặc thuốc lào, xì gà... Dòng khói phụ từ đầu điếu thuốc lá đang cháy tỏa ra ngoài trộn với khói chính người hút thuốc lá nhả ra tạo thành “khói thuốc lá tỏa ra môi trường” hay còn gọi là “khói thuốc lá thụ động” và hành động hít phải khói thuốc lá này được gọi là “hút thuốc lá thụ động”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm toàn cầu có hơn 8 triệu trường hợp tử vong vì thuốc lá gồm 7 triệu người hút thuốc lá chủ động và khoảng 1,2 triệu người hút thuốc thụ động.

Ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới hút thuốc lá là thói quen của nam giới, chính vì điều đó làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động.

Nỗi ám ảnh từ việc hút thuốc lá thụ động

Mỗi năm toàn cầu có khoảng 1,2 triệu trường hợp tử vong vì hút thuốc thụ động.

Đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vì thấy cơ thể không được khỏe, cơn ho đến nhiều và đồn dập, người gầy rạc đi, chị T.T.V (40 tuổi, trú tại huyệnThạch Hà) được chỉ định ra làm các xét nghiệm tại Bệnh viện K (Hà Nội) và nhận kết luận đã bị ung thư phổi giai đoạn 3.

Khi nhận thông tin đó, chị V hoang mang, mơ hồ bởi không biết nguyên nhân do đâu mà bản thân phải mang “án tử”. Nhưng sau khi bác sỹ hỏi tiền sử bản thân và gia đình chị có ai thường xuyên hút thuốc không thì chị mới cho biết có chồng thường xuyên hút thuốc lá. Đó cũng là một trong số nguyên nhân khiến chị mắc căn bệnh ung thư quái ác.

Trường hợp của bà N.T.H (75 tuổi, trú huyện Lộc Hà) đã phải đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vì bị những cơn ho kéo dài hành hạ. Sau khi trải qua các xét nghiệm, bà H được kết luận bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh là một phần do chồng bà hút thuốc lá trong thời gian dài tại nhà, bà H bị ảnh hưởng sức khỏe trầm trọng.

Câu chuyện của chị V, bà H chỉ là hai trong rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm nạn nhân của hút thuốc thụ động tại Hà Tĩnh. Hút thuốc thụ động đã khiến biết bao phụ nữ, trẻ em, người già... phải gánh chịu hậu quả về sức khỏe.

Nỗi ám ảnh từ việc hút thuốc lá thụ động

Bã sỹ Hoàng Văn Thành thăm khám cho một nữ bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Theo bác sỹ CKI Hoàng Văn Thành - Phó trưởng Khoa Nội - Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh): Khói thuốc lá liên quan đến 90% số ca bệnh ung thư phổi, 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% số ca bệnh tim do thiếu máu cục bộ…

Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 70 chất gây ung thư đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, người già và phụ nữ. Những chất độc này gây ra hậu quả trên hầu hết tất cả các cơ quan của cơ thể.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc mà người hút phả ra. Theo đó, lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên ở trong môi trường chứa khói thuốc có thể hít vào lượng khói tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày.

Nỗi ám ảnh từ việc hút thuốc lá thụ động

Các bệnh viện, nơi công cộng ở Hà Tĩnh đều quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc.

Ở phụ nữ, khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non. Với phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch vành lên 25%.

Tại Việt Nam có chưa đến 2% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành. 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động.

Hút thuốc thụ động còn đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa, tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi, tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Nỗi ám ảnh từ việc hút thuốc lá thụ động

Chủ động bỏ hút thuốc lá sớm sẽ đem lại một môi trường sống không khói thuốc, đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người.

“Không có ngưỡng an toàn với việc hút thuốc lá thụ động. Tức là những người chỉ tiếp xúc với khói thuốc lá trong thời gian ngắn cũng đã có thể chịu ảnh hưởng xấu về sức khỏe. Để ngăn những căn bệnh từ khói thuốc lá thụ động bắt buộc phải tạo một môi trường sống không khói thuốc. Những người hút thuốc lá chủ động phải tự giác bỏ thuốc càng sớm càng tốt, nếu chưa thực hiện được ngay thì phải có ý thức hút thuốc ngoài không gian sống của gia đình, ngoài những địa điểm công cộng đã được quy định cấm hút thuốc lá, và đặc biệt là tránh xa trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già”, bác sỹ Hoàng Văn Thành nhấn mạnh.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.