Nỗi niềm với mẹ miền Trung

(Baohatinh.vn) - Thương lắm mẹ miền Trung. Nghĩa tình lòng mẹ chắt chiu từ câu ví, điệu giặm, từ nhịp hò khoan những luyến láy mênh mang. Cứ như chập chùng qua những đồi truông, cứ như nghẹn thắt qua khúc đoạn trường...

Nỗi niềm với mẹ miền Trung

Dáng mẹ tảo tần trong ráng chiều chạng vạng. Ảnh Internet

Chạy suốt dọc bờ biển cong như vòng lưng của mẹ là những quả đồi bát úp đầy sim. Và chỉ có cây sim mọc cằn mới trụ lại được với nắng gió, đá sỏi đất này. Nghe nói đến sim, ta đã nghĩ đến sự chắt chiu, tần tảo, sự kiên nhẫn, bền bỉ hoang sơ. Sim như sinh ra để chín treo những túi mật không mỡ màng nhưng lại mòng mọng. Tôi lại liên tưởng mẹ miền Trung với những đồi sim tím.

Mẹ miền Trung của tôi ít khi nói về sương gió bởi gió sương đã ngấm vào trong đầm đậm miếng trầu, trong vị chát chè xanh, trong bữa tép kho đồng, trong gia vị “gừng cay muối mặn”. Mẹ cũng đơn sơ mộc mạc, chân tình. Cũng chín từ ngọn lửa than, lửa rơm. Ít tỉa tót cầu kỳ nhưng bao giờ cũng có nhân có cạnh như chiếc bánh đúc, bát xôi đều từ gạo mà ra, đều tự nặn nhào vuông tròn theo bàn tay mẹ.

Nỗi niềm với mẹ miền Trung

Quê nghèo quanh năm chịu thiên tai, nắng gió, mẹ cũng phải thường xuyên tránh lũ... Ảnh: Văn Chung

Thương lắm mẹ miền Trung, người không chít khăn mỏ quạ hay choàng khăn rằn nhưng lại có áo tơi che chắn. Áo tơi đã dính chặt cả đời mẹ, bện chặt với đời mẹ. Áo tơi đã chằng lợp bao nhớ thương, bao tủi hờn.

Cứ lớp lớp, đan xen, cứ nấc dần từng nút, cứ ngỡ buông buông mà kín đáo xoắn xuýt vào nhau khâu khâu luồn kim se chỉ. Áo tơi như quà tặng của ruộng vườn chằm lợp nắng mưa, chằm lợp bao nỗi chìm thân phận, chằm lợp bao tháng ngày bươn chải. Mẹ cúi xuống để gieo mạ như gieo hy vọng.

Mẹ miền Trung ơi! Con chưa bao giờ nghe mẹ than thở một điều gì. Ru con mà cũng chính là để ru mình. Chỉ có mẹ mới thương cả từng sợi rơm con cúi, mẹ quen vun đắp, quen gìn giữ từ cái nón mê đội chóp vại cà, từ cái nồi đất sứt mẻ để rang thính.

Cũng có lúc tôi thấy mẹ tôi buồn - buồn từ trong mắt mẹ, nét buồn rạn chân chim, nét buồn lẫm chẫm như vạt nắng trên sân gạch xanh rêu. Ở đó có cây cau ngấn từng đốt mỏi mòn, có vại nước mưa trong suốt quanh năm. Với mẹ cái gì cũng trong, cũng ấm, cũng ao ước vẹn tròn. Mẹ ít soi gương (và cũng chẳng gương nào soi thấu đời mẹ!) như đáy giếng nước khơi đêm đêm đánh thức vòm trời…

Nỗi niềm với mẹ miền Trung

Từ trong hoạn nạn, mẹ rưng rưng nhận lấy những tình cảm, sẻ chia của đồng bào. Ảnh: Giang Nam

Thương lắm mẹ miền Trung trong những ngày lũ lụt. Cái cột, cái kèo vẹo xiêu, cái thúng, cái mủng, nhẹ trôi chìm trong xoáy nước. Gia tài mẹ có gì nhiều nhặn đâu, tất cả đã dồn vào cho đàn con, tất cả đều chỉ ở cây cối quanh trong vườn. Gia tài mẹ có gì đâu là mớ tép, là con cá bống quẫy đuôi lách chách búng vào chiều lạnh để ăn cái đậm đà phù sa chân ruộng.

Mẹ bòn mót, chắt lọc để bữa cơm có thêm tiếng xuýt xoa hôi hổi nóng của bát canh rau tập tàng, để được mời lên đặt xuống. Gia tài của mẹ có gì đâu, là sợi dây trầu bền bỉ leo từng ngấn thân cau giờ như ngấn lụt. Mái tranh ngấm mưa thì đã mục, mái ngói ngấm nước thì đã bục.

Và mái trời đâu chỉ còn chở che mà xé toang mái rách, mà rạch đêm sấm chớp. Chỉ còn lại mái ấm cuộc đời, mái ấm tình người là muôn đời, muôn thuở bền chặt…

Chủ đề Chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.