Nối tiếp truyền thống cách mạng trong gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng

(Baohatinh.vn) - “Khi đất nước cần, 3 anh em tôi lần lượt lên đường ra trận. Người anh cùng người em của tôi đã mãi mãi không trở về. Hòa bình lập lại, đất nước, quê hương ngày một phát triển, người có công được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm, chăm lo, chắc chắn ở nơi xa người thân sẽ luôn tự hào và mãn nguyện” - bệnh binh Nguyễn Thanh Suyền ở thôn Nội Trung, xã An Dũng (Đức Thọ) bày tỏ.

Quá khứ không quên...

Tháng 7 về trong niềm thương nhớ, tri ân của đồng bào đất Việt dành cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, những liệt sỹ, thương binh, bệnh binh... đã cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân cho hòa bình, độc lập.

Nối tiếp truyền thống cách mạng trong gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng

Mẹ Võ Thị Ngoét và con trai là bệnh binh Nguyễn Thanh Suyền.

Mẹ Võ Thị Ngoét (SN 1919) có 6 người con (4 trai, 2 gái). Trong 4 con trai của mẹ, ngoài 1 người sức khỏe yếu từ nhỏ thì 3 người còn lại đều ra chiến trường. Người con cả là liệt sỹ Nguyễn Tửu Hồng (SN 1949), hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị năm 1973; người con thứ 3 là Đại úy Nguyễn Thanh Suyền (SN 1954), từng tham gia giải phóng miền Nam; người con thứ 5 là liệt sỹ Nguyễn Tửu Thiềm (SN 1964), hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1984.

Ông Nguyễn Thanh Suyền kể lại: “Tháng 12/1974, chỉ sau hơn 1 năm kể từ khi nhận được giấy báo tử của anh trai thì tôi lên đường nhập ngũ. Lúc đó, không khí gia đình vẫn đang chìm trong đau thương nhưng vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bố mẹ vẫn nén lòng động viên tôi lên đường chiến đấu. Ngày khoác ba lô vào đơn vị, khi bước ra khỏi ngõ, tôi không dám nhìn lại, bởi sợ hình ảnh mẹ làm mình chùn chân”.

Nối tiếp truyền thống cách mạng trong gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng

Đại úy Nguyễn Thanh Suyền từng là lính Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 tham gia giải phóng Sài Gòn, nguyên cán bộ Lữ đoàn 22, Quân đoàn 4.

Sau khi nhập ngũ, ông Suyền được biên chế vào Trung đoàn 266, Sư đoàn 341. Đơn vị của ông tham gia chiến đấu ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), trước khi nhận lệnh tiến thẳng vào chiến trường miền Đông Nam Bộ đầu tháng 1/1975. Thời điểm đó, với khẩu hiệu “đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng”, ông Suyền và cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 341 đã đặt quyết tâm cao, tiến thẳng vào chiến trường miền Nam, liên tiếp lập nhiều chiến công.

Trong đó, tiêu biểu như giải phóng các địa bàn Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương), thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai)... Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 341 đã chiến đấu anh dũng cùng với Quân đoàn 4 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giải phóng Sài Gòn. Ông Nguyễn Thanh Suyền là một trong những người lính của Sư đoàn 341 có mặt tại Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.

Nối tiếp truyền thống cách mạng trong gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng

Sư đoàn 341 có mặt tại Dinh Độc Lập chiều ngày 30/4/1975. Ảnh: tư liệu

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Suyền cùng đơn vị ở lại làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn. Năm 1977, ông và đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Năm 1978, ông được cử đi học sỹ quan thông tin, 1 năm sau đó về công tác tại Trung đoàn Huấn luyện Quân đoàn 4. Đầu năm 1981, ông Suyền được điều chuyển công tác về Lữ đoàn 22, Quân đoàn 4 (Đồng Nai).

Tháng 2/1984, trong lúc đang làm nhiệm vụ huấn luyện tại đơn vị, ông Suyền nhận được tin báo, người em trai của mình là Nguyễn Tửu Thiềm đã hy sinh tại chiến trường Campuchia. Từ tháng 5/1989, sức khỏe của ông Suyền giảm sút, ông được nghỉ chế độ bệnh binh, mất sức 61%.

Gác lại niềm riêng để tiếp tục cống hiến

Ngay khi trở về quê nhà, ông Nguyễn Thanh Suyền đã được Chi bộ xóm 3 (xã Đức Dũng) nay là thôn Nội Trung (xã An Dũng) đề nghị tham gia công tác địa phương với vai trò Bí thư Chi bộ. Kể từ đó (tháng 5/1989 đến hết năm 2011), suốt gần 22 năm, ông Suyền liên tục tham gia công tác xã hội với nhiều vai trò, trong đó có 13 năm là Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn Nội Trung. Năm 2011, do sức khỏe giảm sút và bố mẹ ngày càng già yếu, ông xin nghỉ ở nhà.

Nối tiếp truyền thống cách mạng trong gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng

Năm nay đã 103 tuổi, dù sức khỏe khá yếu nhưng mẹ Võ Thị Ngoét vẫn còn minh mẫn.

Trong cuộc sống hòa bình, mẹ ông cũng nén nỗi đau, động viên chồng là ông Nguyễn Tửu Hân (1924-2019) cùng các con tiếp tục phấn đấu vươn lên. Mẹ nói: “Mình mất mát nhiều nhưng lúc đó, đất nước chiến tranh, cả nước ai cũng phải hy sinh như thế cả”.

Với những hy sinh, cống hiến to lớn cho Tổ quốc, năm 2014, Nhà nước đã phong tặng mẹ Võ Thị Ngoét danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong những năm qua, chính quyền các cấp và các tổ chức, đoàn thể luôn dành cho mẹ sự quan tâm, động viên cả vật chất lẫn tinh thần. Từ năm 2017, mẹ Ngoét đã được Công ty Điện lực Hà Tĩnh nhận phụng dưỡng suốt đời. Đầu năm 2022, mẹ Ngoét và bệnh binh Nguyễn Thanh Suyền có thêm sự động viên khi được Tập đoàn SunGroup hỗ trợ xây dựng căn nhà mới khang trang.

Những ngày tháng 7 này, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã đến tặng quà, động viên mẹ, dâng hương tri ân các liệt sỹ - con của mẹ.

Nối tiếp truyền thống cách mạng trong gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng

Lãnh đạo huyện Đức Thọ thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Ngoét nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ

Gia đình ông Nguyễn Thanh Suyền có 5 người con đều đã trưởng thành, trong đó có 3 người đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước. “Tôi luôn dặn dò con cháu, dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải nỗ lực học tập và công tác tốt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, giữ vững truyền thống gia đình, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước" - ông Suyền chia sẻ.

Nối tiếp truyền thống cách mạng trong gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng

Phóng viên Báo Hà Tĩnh được Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ngoét dặn dò trước lúc chia tay.

Chia tay mẹ Võ Thị Ngoét và bệnh binh Nguyễn Thanh Suyền, trong tôi không nguôi niềm rưng rưng, xúc động khi được mẹ nắm tay thật chặt và dặn dò: “Nay tuổi như mẹ thì không được bao lâu nữa, mong các con cố gắng phấn đấu để chung sức xây dựng và bảo vệ quê hương. Mẹ muốn nói rằng, bao nhiêu năm qua, nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, của chính quyền các cấp, cuộc sống của mẹ luôn được đầy đủ, sức khỏe và tinh thần của mẹ cũng được tốt hơn để vui vầy cùng con cháu”.

Không chỉ có đóng góp to lớn trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ngoét và bệnh binh Nguyễn Thanh Suyền luôn mẫu mực trong cuộc sống đời thường. Gia đình mẹ luôn là tấm gương điển hình về sự cống hiến, hy sinh để giáo dục thế hệ trẻ.

Bà Bùi Thị Bảy - Chủ tịch UBND xã An Dũng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.