Bà con nông dân huyện Kỳ Anh phấn khởi ra quân sản xuất vụ xuân 2024 trên cánh đồng lớn.
Ông Phan Văn Huân - Trưởng phòng Trồng trọt - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết: "Vụ xuân 2024, toàn tỉnh cơ cấu 59.107 ha. Thời vụ xuống giống chính thức bắt đầu từ ngày 5/1. Trong trà đầu tiên (5 - 10/1), các địa phương đã xuống giống được khoảng 2.000 ha. Từ ngày 10 - 25/1, sẽ có khoảng 50.000 ha lúa xuân được xuống giống, tập trung khoảng 80% loại giống và 84,5% diện tích của vụ xuân năm nay".
Trong đó, từ ngày 10 - 15/1, các địa phương sẽ xuống giống các loại: Nhị Ưu 838, Thái Xuyên 111, Nếp 98, Nếp 87, CT16... với diện tích khoảng 5.000 ha. Từ ngày 20 - 25/1, có khoảng 70% loại giống lúa được cơ cấu trong vụ xuân 2024 sẽ được xuống giống trong khung thời vụ này, gồm: KD18, KD đột biến, BQ, LP5, Bắc Thịnh, ADI28, ADI168, DT80, HD11, VR10, Hà Phát 3... (tổng diện tích khoảng gần 45.000 ha). Đây cũng là khung thời vụ các địa phương tập trung cao điểm nhất cho sản xuất các cánh đồng lớn, tập trung, lúa chất lượng cao...
Theo ngành chuyên môn, thời tiết đang khá thuận lợi, nắng ráo, nền nhiệt khá cao đã tạo điều kiện để các địa phương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kế hoạch gieo cấy theo khung thời vụ.
Tuy nhiên, năm nay, tiết Đại hàn sẽ vào ngày 20/1 - thời điểm dự báo có tần suất xảy ra rét đậm nhất trong năm, trùng vào lịch xuống giống của một số loại giống lúa. Vì thế, ngành chuyên môn của Sở NN&PTNT khuyến cáo các địa phương cần căn cứ thời gian sinh trưởng của các giống để bố trí lịch thời vụ xuống giống hợp lý.
Cụ thể, giống có thời gian sinh trưởng dài hơn bố trí đầu khung thời vụ, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí cuối khung thời vụ. 100% diện tích mạ phải được che phủ nilon đúng quy trình kỹ thuật.
Ngoài ra, cần căn cứ vào dự báo thời tiết ngắn hạn để chỉ đạo ngâm ủ giống, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do rét gây ra.