Khu vườn tạp trước đây của gia đình ông Giáp nay đã hồi sinh với sự phát triển của nhiều loại cây trồng...
Đã nhiều năm lăn lộn nơi Đắk Lắk nhưng cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Hoành Giáp (thôn Bình Tiến, xã Tân Lâm Hương) vẫn vô cùng vất vả. Đầu năm 2019, vợ chồng quyết định trở về, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Dưa chuột là một trong 2 loại cây chủ lực, đưa lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông Giáp
Nhờ sự quyết tâm, bền bỉ của người nông dân, mảnh vườn tạp rộng 2.000m2 toàn cây hoang, cỏ dại ngày trước giờ đã được hồi sinh.
Ông Giáp quyết định dành 1.000m2 để trồng hai loại cây chủ lực là dưa lê và dưa chuột; một nửa còn lại sẽ là nơi sinh trưởng của các loại cây ăn quả như mít, ổi... và đào ao, nuôi cá.
Ông Giáp tiếp tục trồng ổi và mít, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế mà khu vườn mang lại.
“Sau vụ thu hoạch vừa qua, dưa chuột được bán với giá dao động từ 10 đến 12 ngàn đồng/kg, gia đình chúng tôi có thêm nguồn thu từ 10-15 triệu đồng. Dự kiến, hơn 2 tuần nữa, vườn dưa lê sẽ tiếp tục cho quả. Dù hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao nhưng với bước khởi đầu như hiện tại, tôi thêm vững niềm tin để ổn định cuộc sống”, ông Giáp chia sẻ.
Ổi Đài Loan được kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện”, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình ông Hòa
Trong khi đó, gia đình ông Phạm Đình Hòa (thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương) vừa hoàn tất công việc gieo 80 gốc ổi trên diện tích 1.000m2 vào sáng 20/4.
“Tôi đã thuê người cải tạo đất vườn tạp gần nhà để trồng giống ổi Đài Loan. Đây cũng là loại cây ít sâu bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững ”, ông Hòa cho biết.
Vườn ổi rộng 1.000m2 của gia đình ông Hòa được hình thành sau khi có chủ trương cải tạo vườn tạp.
Ở thời điểm hiện tại, Thạch Hà có tổng số 29.000 vườn hộ, trong đó, gần 23.000 vườn đã cải tạo chỉnh trang (gần 16.000 vườn cho hiệu quả kinh tế, hơn 7.300 vườn chưa có hiệu quả kinh tế); hơn 6.000 vườn tạp.
Triển khai kế hoạch của huyện, hiện các địa phương đang tập trung thực hiện cải tạo hơn 2.500 vườn tạp. 22 xã, thị trấn trên địa bàn đã phân công cụ thể các tổ chức, đoàn thể phối hợp với cán bộ thôn xóm, hỗ trợ các hộ gia đình tổ chức chặt bỏ cây tạp, đào gốc, phát quang, chỉnh trang, xây hàng rào, cải tạo, chỉnh trang, phát triển kinh tế vườn...
Sau hơn 1 tháng, toàn huyện Thạch Hà đã có 612 vườn được cải tạo, chỉnh trang
Sau tháng cao điểm (từ 14/3 đến 15/4/2020), toàn huyện có 612/510 vườn đã được cải tạo, chỉnh trang, đạt 120% kế hoạch. Trong đó, 427 vườn đã hoàn thành, 185 vườn đang tiếp tục thực hiện. Theo đánh giá, Tân Lâm Hương, Nam Điền, Ngọc Sơn... là các địa phương thực hiện rất tốt công tác này.
Vườn ổi rộng hơn 4.300m2 cho thu hoạch mỗi năm 3 tấn quả, đem lại từ nhập hơn 50 triệu đồng (sau khi trừ chi phí) giúp gia đình chị Phan Thị Vinh (xã Nam Điền) ổn định cuộc sống
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu đánh giá: “Tuy tháng cao điểm cải tạo, chỉnh trang vườn tạp diễn ra trong thời gian giãn cách xã hội nhưng công việc này được các hộ gia đình rất chú trọng thực hiện. Đây là một trong những chương trình lớn của toàn ngành Nông nghiệp trong năm 2020 và những năm tiếp theo, do đó, Thạch Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào hơn nữa nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân”.