Video: Nông dân vùng biên giới Hà Tĩnh “sáng kiến” chống hạn cho cây chè
Nắng nóng cộng với gió Tây Nam (gió Lào) kéo dài hơn 1 tháng qua khiến nhiều diện tích chè tại xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn – Hà Tĩnh) bị héo và bắt đầu có hiện tượng cháy khô.
Nắng nóng cộng với gió Tây Nam kéo dài hơn 1 tháng qua khiến nhiều diện tích cây chè tại xã Sơn Kim 2 bị héo...
...và bắt đầu có hiện tượng cháy khô.
“Trong tổng số hơn 400 ha chè trên địa bàn Sơn Kim 2, hiện đã có hơn 100 ha bị héo và cháy lá, đặc biệt là ở những vùng đồi cao, cách xa nguồn nước. Để hạn chế thiệt hại, người trồng chè đã huy động tối đa các loại máy bơm chuyên dụng để bơm tưới.
Tuy nhiên, do nguồn nước cố định từ các hồ đập, sông, suối cũng đang dần cạn kiệt nên việc đặt các loại máy bơm công suất lớn cố định tại các nguồn nước cũng rất khó khăn”, bà Lê Thị Hương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Kim 2 cho biết.
Xe máy kiêm máy bơm được cơ động đến tận các đồi chè để phục vụ chống hạn, “cứu” chè.
Bộ hút/đẩy nước gắn vào động cơ xe máy hoặc máy cắt cỏ.
Khó khăn đối với người trồng chè Sơn Kim 2 lúc này không chỉ là thiếu nguồn nước mà việc kéo nguồn điện để sử dụng máy bơm cũng rất khó khăn, tốn kém do đồi chè thường ở cách xa khu dân cư, cách xa các điểm có nguồn điện.
“Trong cái khó ló cái khôn”, thay vì phải sử dụng các loại máy bơm, máy phát chuyên dụng, người dân Sơn Kim 2 đã sáng tạo, cải tiến “mượn” động cơ xe máy, máy cắt cỏ để làm máy bơm di động, cho hiệu quả tưới khá cao.
“Máy bơm” được cơ động, tiếp cận nguồn nước.
Theo đó, người dân sử dụng 1 bộ hút/đẩy nước gắn vào động cơ xe máy hoặc máy cắt cỏ. Khi nổ máy, động cơ xe máy, máy cắt cỏ đồng thời làm chức năng của máy hút, đẩy nước và tưới cho cây. Ưu điểm của thiết bị này là giá thành rẻ (800.000 đồng/bộ), dễ cơ động trên mọi địa hình và không phụ thuộc vào nguồn điện lưới, hay điện máy phát.
...và tưới chống hạn cho hàng chục ha chè.
“Hơn 1 tháng qua, tôi sử dụng máy cắt cỏ để làm máy bơm tưới chống hạn cho 1,5 ha chè. Để lắp đặt “máy bơm” di động này, chỉ cần chiếc máy cắt cỏ và thao tác lắp đặt máy chưa đến 10 phút. Quan trọng nhất là giá thành rẻ hơn và di chuyển thuận lợi hơn so với máy bơm chuyên dụng. Sau khi tưới, có thể chuyển sang cắt cỏ ” – ông Vỳ Văn Lâm ở thôn Thượng Kim cho hay.
...
Ông Vỳ Văn Lâm ở thôn Thượng Kim sử dụng máy cắt cỏ để làm máy bơm nước. Theo ông Lâm, phương tiện “2 trong 1 này” có thể đẩy nước xa 150m
Cùng với sử dụng nhiều biện pháp chống hạn cho cây chè, trong đợt nắng nóng này, người dân Sơn Kim 2 đã phải đào thêm hàng chục chiếc giếng giữa đồng để lấy nguồn nước.
Gia đình ông Hoàng Văn Lệ...
...và ông Hồ Anh Chí ở thôn Hạ Vàng phải đào thêm giếng để lấy nguồn nước tưới
Ông Hoàng Văn Lệ ở thôn Hạ Vàng cho biết, để lấy được nước, mỗi giếng phải đào sâu từ 5 - 7m mới có. Chi phí đào, lắp đặt ống bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/giếng. Mong muốn của người dân là được Nhà nước hỗ trợ thêm hệ thống đường điện ra tận các cánh đồng để có nguồn điện sử dụng máy bơm.
Hiện vùng trồng chè xã Sơn Kim 2 có 40 ha được lắp đặt hệ thống tưới bằng bét phun tự động, vừa đảm bảo không tốn công lao động, tưới được đều, đặc biệt là tiết kiệm nước.
Theo Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn Nguyễn Văn Sơn, các giải pháp bơm tưới bằng máy bơm truyền thống chỉ là tạm thời, và rất lãng phí nước. Về lâu dài, cần đầu tư hệ thống tưới bằng bét phun sương tự động, vừa đảm bảo không tốn công lao động, tưới được đều, đặc biệt là tiết kiệm nước.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, bên cạnh việc người nông dân chủ động có những giải pháp chống hạn kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước.