3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 3): Ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi trên tàu lớn, hải sản về đầy khoang

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh có 137km bờ biển nên mỗi người dân đều yêu biển theo những cách riêng của mình. Như những ngư dân, họ gắn bó máu thịt, cộng sinh với biển. Bởi vậy mà những "vết trầy xước ngoài da" đã sớm lành để biển hôm nay lại hồi sinh mạnh mẽ...

Biển đầy tôm, cá...

Cách đây tròn 3 năm sau sự cố xả thải của Fomosa, tôi trở lại chợ cá Cồn Gò. Khu chợ này vẫn thế, ồn ào, náo nhiệt nhất vùng Cẩm Nhượng vào mỗi sáng sớm. Vừa trở về từ biển khơi, mấy thúng cá của anh Hoàng Công Nông, ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đã được các tiểu thương đón tay. Giá cả được thỏa thuận trong chớp mắt. “Đây là mùa làm ăn được nhất của nghề đi biển, hầu như ngày nào cũng được. Cá, tôm về đầy biển. Đêm qua tôi đánh được 5 tạ cá trích”, anh Nông phấn khởi.

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 3): Ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi trên tàu lớn, hải sản về đầy khoang

Một người phụ nữ phấn khởi vì mua được đủ hàng để ra chợ sớm

Anh Nông bảo, hồi sự cố môi trường biển xảy ra, thuyền phải nằm bờ nhiều tháng tháng trời. Có người khuyên nên chuyển nghề, nhưng rồi vì tình yêu biển, tôi vẫn quyết bám trụ. Sau khi có được nguồn bồi thường thiệt hại, anh cải hoán tàu của mình từ 24 CV lên 90 CV để đánh bắt xa hơn, bền vững hơn.

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 3): Ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi trên tàu lớn, hải sản về đầy khoang

Tàu thuyền ngư dân Cẩm Xuyên neo đậu sau một chuyến biển

Tàu ông Nguyễn Văn Thịnh, ngư dân thôn Nguyễn Huệ, Kỳ Xuân (Kỳ Anh) cứ vào bờ được ít tiếng, chuyển cá lên bờ bán rồi lại quay ngay ra biển. “Đang mùa con nước lên nên thuận lợi cho đánh bắt, hải sản phong phú. Mùa này nhiều nhất là cá trích, cá mu, tôm, mực... Ngày nào tôi cũng đi biển, bình quân thu khoảng 1 - 2 triệu đồng/đêm”.

Ngư trường sôi động kéo theo dịch vụ gần bờ, trên bờ cũng nhộn nhịp không kém. Từ những người buôn bán nhỏ đến nhà buôn lớn đều thuận lợi trữ lượng hàng cho mình. Chị Nguyễn Thị Liên, thôn Liên Thành, Cẩm Nhượng cho biết: “Nhà tôi có tàu dịch vụ thu mua trên biển. Năm nay, đánh bắt trở lại tốt hơn nên thị trường cũng tốt lên, có những ngày tôi mua được 20 - 30 tấn. Biển không phụ lòng ngư dân rồi, năm nay không chỉ sản lượng cao mà nhiều loại có giá trị cao như cá thu, cá chim, mực ống…”.

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 3): Ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi trên tàu lớn, hải sản về đầy khoang

Có tàu dịch vụ, chị Nguyễn Thị Liên có ngày mua được 20 - 30 tấn cá

Tàu lớn “rẽ sóng” vươn khơi

Phải nói rằng các chính sách phát triển đội tàu vươn khơi của Chính phủ và Hà Tĩnh đã “kích hoạt” được ngư dân vùng biển. Đối với Hà Tĩnh, sự cố môi trường biển năm 2016 vô tình tạo nên bước ngoặt mới cho ngành khai thác thủy sản. Đó là lúc ngành chủ quản nhìn lại thực trạng, là lúc bà con ngư dân “ngộ” ra cách vượt khơi bằng những chiếc tàu lớn.

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 3): Ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi trên tàu lớn, hải sản về đầy khoang

Nhiều ngư dân Hà Tĩnh mạnh dạn đầu tư tàu vỏ thép công suất lớn để đánh bắt xa bờ.

Đến nay, toàn tỉnh có 3.960 tàu lớn nhỏ được đăng ký giấy phép hoạt động. Phấn khởi hơn, hiện Hà Tĩnh đã có đến hàng trăm chiếc tàu có công suất 700 - 1000 CV, thậm chí là tàu vỏ thép công suất lớn để đầu tư đánh bắt xa bờ.

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 3): Ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi trên tàu lớn, hải sản về đầy khoang

Nào cá...

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 3): Ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi trên tàu lớn, hải sản về đầy khoang

... nào mực, trở về từ những con tàu lớn

Ông Trần Văn Yên, thôn Hải Hà, Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) là một ngư dân dày dặn kinh nghiệm. Trước đây, ông đã từng tận dụng được chính sách của tỉnh, cải hoán con tàu của mình lên 400 CV nhưng sau khi nhận tiền đền bù, ông quyết đầu tư lớn bằng con tàu 710 CV, trở thành con tàu lớn nhất của xã Kỳ Hà. “Đánh bắt xa bờ mới bền vững và phát triển kinh tế được. Ngư trường vẫn còn rất rộng mở cho ngư dân”.

Kỳ Hà có lẽ cũng là xã có đội tàu lớn hùng mạnh nhất thị xã Kỳ Anh. Trong 3 năm (2016 - 2019), ngư dân đã đầu tư hơn 13 tỷ đồng cho cải hoán và đóng mới tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ.

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 3): Ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi trên tàu lớn, hải sản về đầy khoang

80% ao nuôi ở Kỳ Hà đã được vỗ bờ xi măng, vừa tăng năng suất, vừa giảm dịch bệnh nuôi trồng

Ngay như Kỳ Xuân, địa phương chủ yếu dựa vào đánh bắt gần bờ thì nay tư duy của bà con cũng thay đổi. Ông Dương Xuân Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ tháng 7/2016 đến nay, toàn xã có 180 tàu, số lượng không lớn nhưng quan trọng là bà con đã thay đổi tư duy, đầu tư các loại tàu có máy móc hiện đại hơn, phục vụ tốt hơn cho đánh bắt; gần 100 ngư dân có bằng thuyền trưởng. Sản lượng đánh bắt 6 tháng năm 2019 đạt khoảng 350 tấn, đặc biệt rất nhiều loại hải sản có giá trị cao về trên vùng biển. Nhờ vậy, giá trị đánh bắt ước đạt gấp 1,5 - 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2018.

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 3): Ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi trên tàu lớn, hải sản về đầy khoang

Nghề nuôi vẹm đen phát triển mạnh mẽ, cho thu nhập cao

Nuôi trồng thủy sản vùng ven biển cũng hồi phục nhanh với nhiều loại thủy sản nuôi phong phú như: tôm thẻ chân trắng, hàu, nghêu, vẹm đen… Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà Lê Văn Luyện cho hay: “Sau sự cố môi trường biển, để đồng hành cùng với dân, chúng tôi cân đối chính sách nhằm tạo sự đồng đều cho các hộ nuôi trồng. Đối với những hộ không thuộc diện hỗ trợ chính sách của tỉnh, thị xã, xã hỗ trợ 15 triệu đồng để vỗ bờ xi măng. Đến nay, 80% ao nuôi được vỗ bờ xi măng, dịch bệnh giảm, sản lượng và giá trị hàng hóa tăng cao. Tính riêng 6 tháng năm 2019, tổng giá trị đánh bắt và nuôi trồng đạt trên 100 tỷ đồng”.

Qua cơn bĩ cực, từ năm 2017, Hà Tĩnh bắt tay điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế biển và ven biển, tiếp tục hồi phục phát triển ngành nghề, du lịch biển.

Trong năm 2018, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt hơn 47.000 tấn, trị giá sản xuất hơn 2.200 tỷ đồng. Trong đó, khai thác biển đạt trên 33.276 tấn, vượt kế hoạch đề ra; nuôi trồng thủy sản 13.984 tấn. Năm 2018, tỉnh cũng thu về hàng chục tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản.

Tiếp đà tăng trưởng, 6 tháng đầu năm nay 2019, sản xuất thủy sản đạt 18.312 tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khai thác thủy sản đạt 13.812 tấn, tăng 13,89%; nuôi trồng thủy sản đạt 4.500 tấn, tăng 8,9 %, giá trị xuất khẩu đạt 198 tỷ đồng.

Ngày qua ngày, những đoàn tàu lại tiếp nối ra khơi như chưa hề có bất cứ sự cố nào, như chưa bao giờ ngư dân khuất phục trước sóng gió...

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 3): Ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi trên tàu lớn, hải sản về đầy khoang

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast