Bờ sông Đập Đình sạt lở, hàng trăm hộ dân ở Trung Lộc lo lắng

(Baohatinh.vn) - Để ngăn nguy cơ sạt lở bờ sông Đập Đình, chính quyền và người dân ở xã Trung Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã gia cố bờ kè, trồng thêm cây xanh “giữ đất” nhưng tình trạng xói lở ngày càng nghiêm trọng.

Video: Ông Nguyễn Văn Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc trao đổi về tình trạng sạt lở sông Đập Đình.

Sông Đập Đình qua xã Trung Lộc dài 2km, trong đó, đoạn chảy qua khu dân cư 2 thôn Đồng Kim và Bình Minh của địa phương này dài khoảng 1km.

Nhiều năm trở lại đây, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, khúc sông Đập Đình chảy qua 2 thôn Đồng Kim, Bình Minh có độ dốc khá lớn, nước chảy xiết nên bờ sông đã bị sạt lở, nhiều khối đất lớn cùng cây cối bị cuốn xuống sông.

Bờ sông Đập Đình sạt lở, hàng trăm hộ dân ở Trung Lộc lo lắng

Vị trí sạt lở bờ sông Đập Đình qua 2 thôn Đồng Kim và Bình Minh, xã Trung Lộc chỉ cách địa điểm xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ vài trăm mét.

Theo người dân địa phương, địa hình 2 thôn này khá thấp cùng nước sông đổ về lớn nên cứ mùa mưa lũ thì đây là nơi bị ngập lụt đầu tiên và kéo dài nhất của xã Trung Lộc. Tình trạng sạt lở bờ sông Đập Đình đoạn qua 2 thôn Đồng Kim và Bình Minh vì thế càng nghiêm trọng.

Dọc bờ sông Đập Đình có 1.200 hộ dân của 2 thôn Đồng Kim và Bình Minh sinh sống. Tình trạng sạt lở bờ sông có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới 400 hộ dân, phần lớn ở thôn Đồng Kim. Do việc sạt lở bờ sông không được khắc phục triệt để nên thời điểm này, các vết nứt lớn đã “ăn sâu” vào đường bê tông trục thôn.

Bờ sông Đập Đình sạt lở, hàng trăm hộ dân ở Trung Lộc lo lắng

Tuyến đường trục thôn bị “hở hàm ếch” do sạt lở bờ sông Đập Đình gây ra.

Tại nhiều vị trí, phần bê tông gia cố đường cùng diện tích đất dành cho trồng hoa, cây cảnh đã bị gãy, vỡ, tạo nên tình trạng “hở hàm ếch” trên tuyến đường trục thôn Đồng Kim.

“Sạt lở bờ sông Đập Đình diễn ra từ mấy năm nay, nhất là vào đợt mưa lũ năm 2020 tới nay, tình trạng này càng nghiêm trọng. Nếu như sạt lở cứ tiếp diễn thì không chỉ tuyến đường bê tông mà nhà cửa của hàng trăm hộ dân trong thôn cũng bị ảnh hưởng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền sớm xử lý để đảm bảo an toàn nhưng tới nay vẫn chưa được khắc phục” - bà Lê Thị Diên (thôn Đồng Kim, xã Trung Lộc) trao đổi.

Bờ sông Đập Đình sạt lở, hàng trăm hộ dân ở Trung Lộc lo lắng

Nếu tình trạng sạt lở vẫn cứ diễn ra thì tuyến đường bê tông rất dễ bị sụt lún, hư hỏng trong thời gian tới.

Xã Trung Lộc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2017 và hiện nay địa phương đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao trong năm 2022 này. Khi xây dựng NTM, việc phát quang cây bụi được chính quyền, người dân hướng tới. Tuy nhiên, riêng với tuyến đường dọc bờ sông Đập Đình đoạn thôn Đồng Kim thì cây cối vẫn rất rậm rạp do địa phương và người dân phải để lại nhằm “giữ đất”, tránh tình trạng sạt lở thêm nghiêm trọng.

Thậm chí có những vị trí mà cây cối bị cuốn xuống sông, người dân đã phải trồng thêm cây để ngăn sạt lở.

Bờ sông Đập Đình sạt lở, hàng trăm hộ dân ở Trung Lộc lo lắng

Người dân đã phải trồng thêm cây ở những vị trí bị sạt lở nghiêm trọng để “giữ đất”.

Theo tìm hiểu của Báo Hà Tĩnh, tình trạng sạt lở bờ sông Đập Đình còn xảy ra tại một số thôn khác. Trước tình trạng xói lở bờ sông đe dọa hạ tầng và khu dân cư, năm 2021, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng xây dựng bờ kè kiên cố, với chiều dài khoảng 500m. Tuy nhiên, đoạn qua 2 thôn Đồng Kim và Bình Minh chưa được xử lý.

Bờ sông Đập Đình sạt lở, hàng trăm hộ dân ở Trung Lộc lo lắng

Phần diện tích dành cho trồng hoa ở tuyến đường trục thôn tại xã Trung Lộc đã bị tình trạng sạt lở bờ sông làm rạn nứt.

Xác nhận tình trạng sạt lở bờ sông Đập Đình đoạn qua 2 thôn Đồng Kim và Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc Nguyễn Văn Đại cho rằng, nếu tình trạng tiếp diễn thì tuyến đường bê tông trục thôn sẽ bị sụt lún, về dài lâu có nguy cơ ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân sinh sống dọc bờ sông.

Theo ông Đại, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành gia cố bờ sông, trồng thêm cây “giữ đất” nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời. Biện pháp hiệu quả nhất là xây dựng bờ kè ngăn chặn sạt lở, tuy nhiên, kinh phí để triển khai việc này quá lớn, ước tính khoảng 13 tỷ đồng nên ngân sách địa phương gần như không thể cân đối, rất cần sự hỗ trợ của cấp trên.

Bờ sông Đập Đình sạt lở, hàng trăm hộ dân ở Trung Lộc lo lắng

400 hộ dân ở 2 thôn Đồng Kim và Bình Minh lo lắng khi tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Đặng Trần Phong cho hay: Từ đề xuất của xã Trung Lộc, huyện cũng đã cử đoàn công tác về kiểm tra thực tế sạt lở bờ sông Đập Đình đoạn qua 2 thôn Đồng Kim, Bình Minh và nhận thấy việc xây dựng tuyến kè bờ sông là hết sức cấp thiết, nhằm đảm bảo an toàn đối với hạ tầng dân cư, tài sản, tính mạng của bà con nhân dân cũng như an toàn bền vững đối với hệ thống công trình tiêu thoát lũ của vùng.

Bờ sông Đập Đình sạt lở, hàng trăm hộ dân ở Trung Lộc lo lắng

Sạt lở bờ sông Đập Đình chỉ cách khu dân cư ở xã Trung Lộc (huyện Can Lộc) vài chục mét.

Trong điều kiện nguồn ngân sách huyện, xã đang gặp rất nhiều khó khăn, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn hỗ trợ để triển khai xây dựng công trình nhằm bảo vệ hạ tầng, giúp Nhân dân ổn định cuộc sống, sản xuất cũng xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast