Trở lại Phúc Trạch
Một ngày giữa thu nắng vàng rực rỡ, chúng tôi tìm về xứ sở của loại quả đặc sản - bưởi Phúc Trạch. Khác với trước đây, cũng thời điểm này, tại các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô… đi đâu cũng bắt gặp cảnh người, xe tấp nập đi mua bưởi. Ở bến xe, ga tàu nhộn nhịp người mua kẻ bán; những đống bưởi được thương lái tập kết cao ngất, chất đầy các bến xe, tàu... Vậy mà hôm nay chúng tôi trở lại, không khí thật khác xưa.
Những vườn bưởi áp dụng theo phương pháp của Viện nghiên cứu rau quả đều sum suê quả. |
Một người bán hàng tại ga Phúc Trạch nói với chúng tôi: "Gần chục năm ni, bưởi Phúc Trạch mất mùa liên tục. Bưởi Hương Khê thì vẫn có nhưng bưởi Phúc Trạch thì ít lắm. Các anh muốn mua đúng bưởi Phúc Trạch thì cứ tìm đến nhà ông Ân, ông Phước ở xã Hương Trạch hoặc ông Thiết ở xã Hương Đô, ông Giao ở Gia Phố... Nghe nói, vườn của mấy nhà ông nớ có đoàn cán bộ mô ở Hà Nội về nghiên cứu nên bưởi vẫn đậu quả như xưa".
Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến vườn bưởi nhà ông Nguyễn Văn Thiết ở xóm 1, xã Hương Đô. Trước mắt là một vườn bưởi mênh mông với bạt ngàn quả chín vàng mọng treo đung đưa trên cành chờ người hái. Nhiều cây do quả quá nhiều, nên ông Thiết phải dùng cọc tre chống trụ.
Ông Thiết khoe: "Vườn bưởi nhà tôi hiện có 150 gốc, trong đó khoảng trên 50% đã cho quả. Mấy năm về trước, cứ đến độ xuân sang, hoa bưởi trắng xóa vườn nhưng tỷ lệ đậu quả chẳng được là bao. Năm nào cũng thế nên chán nản. Nhiều người cũng vì thế mà đã bỏ mặc cây bưởi, tập trung sức lực vào cây dó trầm. Thế rồi, vào cuối năm 2008, xuất hiện đoàn khách lạ tìm đến vườn bưởi nhà tôi, đặt vấn đề nghiên cứu giúp đỡ để cứu lấy vườn bưởi. Bước đầu tiếp xúc, tôi cứ ngờ ngợ, không mấy mặn mà bởi từ trước tới nay cũng rất nhiều đoàn cán bộ về nói là giúp đỡ nhưng rốt cuộc chẳng đưa lại kết quả gì. Nhưng, ngược lại, khi đoàn cán bộ của Viện nghiên cứu rau quả Trung ương xuất hiện, nghe các bác trao đổi, thì tôi tin tưởng các bác ấy sẽ làm được. Năm 2009, họ đã vào cuộc quyết liệt, áp dụng nghiên cứu ngay trong vườn bưởi nhà tôi. Và mùa bưởi năm 2010, cây nào cây ấy quả đậu trĩu cành. Cả vườn đậu trên 7.000 quả, bán được 160 triệu đồng, thay vì chỉ được vài chục triệu so với trước đó. Đến cuối năm 2011 thì các bác ấy hoàn thành đề tài, rút về Hà Nội. Năm nay, tôi cứ theo cách làm của các bác ấy tập huấn và tỷ lệ đậu quả cũng tương tự năm trước".
Hồi sinh từ các vườn bưởi
Đứng dưới gốc bưởi nhiều quả nhất trong vườn ông Thiết, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi khi đưa vườn bưởi này ra đối chứng với những vườn bưởi chưa được các nhà khoa học chăm sóc khác hẳn một trời một vực. Bưởi ở đây cành nào cành ấy treo lủng lẳng đầy quả chín mọng. Ông Thiết cho biết: "Riêng gốc bưởi này có đến gần 200 quả. Tổng cả vườn có trên 6.000 quả thuộc loại đẹp (bình quân mỗi cây đạt trên 70 quả). Mấy ngày qua thương lái vào ra “trả quạ” cả vườn với giá 130 triệu đồng nhưng tôi không bán. Phải được từ 160-180 thì tôi mơi bán được".
Thành công của đề tài mở ra cơ hội khôi phục lại nghề trồng Bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê |
Trước lúc rời vườn bưởi nhà ông Thiết, chúng tôi không quên chọn mua mấy quả về làm quà. Biết chúng tôi là nhà báo nên ông Thiết chỉ lấy với giá hữu nghị 50 ngàn đồng/quả, dù những quả bưởi mà chúng tôi chọn, có giá đến 70 ngàn.
Rời vườn ông Thiết, chúng tôi tiếp tục rong ruổi ngược rừng tìm đến vườn bưởi nhà ông Ân ở Hương Trạch, rồi xuôi về vườn nhà ông Xuân, ông Hương ở Phúc Trạch, vượt qua sông Ngàn Sâu để đến chiêm ngưỡng vườn bưởi nhà ông Giao ở Gia Phố... Tiếp xúc với các vườn bưởi này, tất cả đều sai quả và chín mọng, mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon, đúng với nguyên bản bưởi Phúc Trạch còn sót lại.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Đinh Hữu Tân phấn khởi: "Chúng tôi rất mừng khi được Viện nghiên cứu rau quả về áp dụng thành công đề tài "Nghiên cứu xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch tại Hương Khê". Nông dân Phúc Trạch chúng tôi rất ghi nhận công lao và sự tâm huyết của tiến sỹ Bình, tiến sỹ Hưng ở Viện nghiên cứu rau quả cùng các cộng sự đã ăn nằm hàng năm trời không quản gian lao, vất vả để bằng mọi giá cứu cho bằng được đặc sản bưởi Phúc Trạch quý hiếm trời ban cho quê hương Phúc Trạch chúng tôi. Quả thực, chỉ có những nhà khoa học tâm huyết mới làm được điều kỳ diệu như hôm nay".
Tiến sỹ Ngô Hồng Bình, chủ nhiệm Đề tài, tư lự nói: Quả thực, nay nhìn lại một chặng đường dài thực hiện đề tài khoa học này, mới thấy được những nỗi vui buồn lẫn lộn. Những ngày đầu bắt tay vào thực hiện đề tài, chúng tôi rất lo lắng, bởi đây là vấn đề rất phức tạp, phải nghiên cứu rất kỹ nguyên nhân suy giảm năng suất bưởi Phúc Trạch, điều tra hiện trạng sản xuất, diễn biến sâu bệnh, đặc tính lý, hóa về đất trồng, đặc điểm sinh trưởng... Nghiên cứu đặc trưng hình thái của hoa và tập tính nở hoa, sinh thái bao phấn và hạt phấn đến cả đặc điểm rụng nhụy, rụng hoa, rụng quả non... Đấy là những đặc điểm cực kỳ quan trọng mà các nhà khoa học như chúng tôi buộc phải nắm chắt để tìm biện pháp "chữa trị". Ngoài ra, còn nghiên cứu kỹ về đặc điểm bộ rễ, nhiệt độ, ẩm độ, không khí, dinh dưỡng đất, tác nhân che bóng, sâu bệnh...
Nhờ say sưa, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các nhà khoa học trẻ đã giám "bỏ phố lên rừng" từ Hà Nội vào tận vùng miền núi Hương Khê xa xôi hẻo lánh bám trụ hàng mấy năm trời nên đề tài này mới thành công được như hôm nay.
Cũng theo ông Bình, đây là đề tài cấp nhà nước, có tính kế thừa do Viện rau quả triển khai, được thực hiện từ tháng 3/2009 đến tháng 12/2011. Bảy mô hình của 7 hộ gia đình nằm trong khuôn khổ đề tài đều cho kết quả khả quan. Như vườn bưởi nhà ông Thiết, ông Ân, ông Phước, ông Giao, ông Xuân... giá trị kinh tế đưa lại cho các hộ này bình quân mỗi vườn đạt trên 100 triệu đồng/năm. Trong đó một số vườn đạt từ 150-180 triệu đồng/năm.
Cần được nhân rộng
Tiếp xúc với người dân Phúc Trạch, họ đều cho rằng, bưởi Phúc Trạch là loại cây không thể mai một. Những năm qua, do nhiều năm mất mùa liên tục nên nông dân Phúc Trạch đâm ra chán nản mới sinh ra chuyện bỏ bê cây bưởi. Nay, được các nhà khoa học về hướng dẫn nhiều phương pháp, từ cắt tỉa cành,bón phân, thụ phấn bổ sung từ bưởi chua cho bưởi Phúc Trạch, dùng túi bao để phòng trừ sâu bệnh... nên tự bản thân họ đã áp dụng thành công.
Tiến sỹ Ngô Hồng Bình khẳng định: "Đề tài mà chúng tôi thực hiện đã thành công, được Bộ KHCN và Sở KHCN Hà Tĩnh công nhận. Nay chúng tôi rất muốn được các cấp các ngành ở tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê tạo kinh phí giúp bà con nông dân nhân rộng mô hình, nhằm góp phần nhanh chóng phục hồi lại giống bưởi Phúc Trạch đặc sản, quý hiếm có một không hai, thiên nhiên ban tặng cho Hà Tĩnh".
Rời Phúc Trạch sau một ngày rong ruổi, được tận mắt chứng kiến những vườn bưởi trĩu quả, thành quả có được nhờ bàn tay khối óc của các nhà khoa học và những người dân mê say trồng bưởi, chúng tôi thầm hy vọng đây sẽ là “phao cứu sinh” cho bưởi Phúc Trạch. Thiết nghĩ, nếu được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân trong vùng sớm nhân rộng mô hình thì chẳng bao lâu nữa bưởi Phúc Trạch lại lên ngôi trở lại là thứ đặc sản lừng danh của Hà Tĩnh.