Cẩm Xuyên vất vả với dịch tai xanh

(Baohatinh.vn) - Sau gần 2 tháng xuất hiện dịch tai xanh trên địa bàn Cẩm Nam, Cẩm Thăng, Cẩm Dương và Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên), hiện nay, hiện tượng lợn chết rải rác trong các hộ dân vẫn xảy ra. Sự dai dẳng của dịch tai xanh trên đàn lợn đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người chăn nuôi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề.

Dai dẳng dịch tai xanh

Ông Nguyễn Tiến Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng cho biết: “Ngày 27/10, nghe tin xã Cẩm Nam có dịch tai xanh, chúng tôi đã chủ động phòng chống nhưng cuối cùng vẫn không thể tránh được. Là địa bàn giáp nhau, có nhiều đường tiểu ngạch qua lại giữa 2 xã, có bãi chăn thả gia súc gần nhau nên thực sự rất khó phòng chống. Tính đến ngày con lợn chết gần đây nhất (6/12), toàn xã có 444 con, tổng trọng lượng trên 18 tấn. Trong đó, có nhà lên đến trên 50 con, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.

cam xuyen vat va voi dich tai xanh

Bà Hoàng Thị Thái lo lắng vì đàn lợn vẫn chưa thể xuất bán do tình hình dịch bệnh.

Theo thống kê, đến ngày 6/12, 4 xã vùng dịch Cẩm Xuyên đã tiêu hủy gần 1.900 con lợn với trọng lượng hơn 64 tấn. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng, đến nay, hiện tượng lợn chết rải rác trong dân vẫn còn, gây hoang mang cho người dân. Nhiều gia đình, lợn đã đạt trọng lượng trên 100 kg nhưng do “dính” vùng dịch nên vẫn chưa thể xuất bán. Bà Hoàng Thị Thái (thôn 7, xã Cẩm Thăng) cho biết: “Đợt dịch này kéo dài nhiều ngày nên người dân rất lo lắng. Dù đã được làm hồ sơ hỗ trợ với giá lợn hơi 38.000 đồng/kg, nhưng thiệt hại vẫn rất lớn. Riêng nhà tôi tiêu hủy 51 con, tính ra, mỗi con bị hao khoảng 20 kg; bên cạnh đó, giá đền bù rẻ hơn giá thị trường

6-8 giá nên gia đình tôi thiệt hại về khoản này lên tới 100 triệu đồng. Đó là chưa kể đàn lợn 43 con còn lại nay đã khỏe mạnh, trọng lượng trung bình mỗi con trên 100 kg, thậm chí có con 150 kg, nhưng vẫn chưa được bán”.

Khó khăn trong phòng chống, dập dịch

Khống chế dịch sớm, triệt để là mục tiêu, mong muốn của địa phương và các ngành chức năng, nhưng trên thực tế, khó khăn không ít. Nơi phát dịch là những vùng ngập lũ kéo dài nên sau lũ, môi trường ô nhiễm, sức đề kháng của lợn yếu hơn khiến mầm mống bệnh phát tán. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong phòng chống dịch nói chung còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng xử lý lợn chết không đúng quy trình; bán tháo lợn khi đã bị dịch; vận chuyển lợn từ vùng dịch đi tiêu thụ. Đội ngũ bác sỹ thú y có tay nghề cao quá ít, trình độ thú y cộng đồng hạn chế nên bất cập trong điều trị, dập dịch. Việc báo cáo tình hình diễn biến bệnh tật trên đàn lợn cũng chưa được kịp thời. Khi lợn phát bệnh, các gia đình thường tự điều trị, trong lúc ngay cả bản thân họ cũng còn thiếu kiến thức cơ bản về bệnh lý và cách chăm sóc. Ví dụ như gia đình bà Phan Thị Huyên ở thôn Nam Thanh, xã Cẩm Dương, khi phát hiện lợn bị bệnh đã tự điều trị gần 1 tháng, đến lúc lợn chết mới báo với chính quyền địa phương.

Nhiều người cho rằng, trước đây, thủ tục hỗ trợ, đền bù chậm trễ, gặp nhiều khó khăn, vì vậy, khi phát hiện lợn bị bệnh, một số gia đình đã lén lút vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ mà không báo với chính quyền địa phương. Trong khi đó, công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán vẫn chưa được quản lý chặt chẽ do lực lượng mỏng, đường tiểu ngạch, liên thôn qua các xã nhiều nên kiểm soát không xuể. Nhiều hộ dân ở thôn 7, xã Cẩm Thăng cho biết, thôn nằm giáp ranh vùng dịch Cẩm Nam nên khi Cẩm Nam bị dịch, đêm đêm vẫn có tình trạng xe máy chở lợn sang Cẩm Thăng. Vì vậy, có 3 hộ chăn nuôi nằm trên trục đường bị phát dịch sớm (bà Thái, anh Bình và ông Hoán). Trong đó, hộ bà Thái là điểm phát đầu tiên của Cẩm Thăng.

Ông Lê Văn Danh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho rằng, trước đây, dịch bệnh bùng phát được dập nhanh chóng do có chủ trương tiêu hủy cả đàn. Nhưng nay, theo quy định mới, khi có dịch tai xanh chỉ tiêu hủy chọn lọc (tiêu hủy số con không thể phục hồi), số còn lại vẫn được giữ để điều trị chăm sóc, vì vậy, dẫn đến tình trạng lợn vẫn chết rải rác cho đến mấy hôm gần đây.

Rất nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh tai xanh bùng phát trên diện rộng và kéo dài từ cuối tháng 10 đến nay ở Cẩm Xuyên. Nhiều gia đình trong các xã vùng dịch đang rất lo lắng khi dịch vẫn chưa hết (chưa qua 21 ngày) cũng như việc từng đàn lợn tạ đã quá kỳ xuất bán nhưng vẫn phải ôm nuôi trong nơm nớp lo âu.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast