Nông dân Hà Tĩnh cấp tập thu hoạch lúa hè thu "chạy" bão số 3

(Baohatinh.vn) - Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão và hoàn lưu bão Yagi (bão số 3) gây ra, nông dân Hà Tĩnh đang cấp tập thu hoạch lúa hè thu sớm ngày nào tốt ngày đó.

z5797388359546_0e0d25e452400eaf4bddfb2cbe719f3d.jpg
Máy gặt đập liên hợp chạy đuổi thời vụ tại huyện Lộc Hà.

Trước những thông tin về bão và hoàn lưu bão Yagi,nông dân huyện Lộc Hà khẩn trương thu hoạch lúa hè thu. Máy gặt đập liên hợp cỡ lớn hoạt động hết công suất, giúp bà con thu hoạch lúa hè thu xong sớm ngày nào tốt ngày đó.

Trên cánh đồng của thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc (huyện Lộc Hà), không khí ngày mùa đang khẩn trương hơn bao giờ hết. Ông Phan Văn Lý (thôn Yến Giang cho biết: "Thời điểm này gặp thời tiết xấu thì coi như mất trắng. Từ hôm qua, nghe tin có bão số 3, xã đã huy động 15 máy gặt đập tập trung, tiến độ được đẩy nhanh hẳn. Vụ hè thu năm nay năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay, trên 2,6 tạ/sào nên chúng tôi rất phấn khởi”.

z5797388647613_04488fdb60f1f61b4a21839f8f54e707.jpg
z5796616932087_d1a94d1ca9cc13b471a97ffb88ee092f.jpg
Lúa được bà con nông dân xã Hồng Lộc vận chuyển đến điểm tập kết để bán cho thương lái.

Để cùng bà con "né" mưa bão, lúa gặt xong được thương lái thu mua nhanh chóng ngay tại các điểm tập kết. Chị Nguyễn Thị Minh - thương lái tại huyện Can Lộc chia sẻ: “Những ngày này, chúng tôi tập trung về Lộc Hà để thu mua lúa cho dân. Trước thông tin về ảnh hưởng của cơn bão số 3, riêng trong ngày 4/9, chúng tôi đã thu mua hơn 100 tấn lúa cho bà con với giá 6.500 đồng/kg. Dự kiến trong ngày 5/9 sẽ thu mua hơn 100 tấn nữa”.

Với mục tiêu thu hoạch nhiều nhất diện tích lúa chín trước bão, cán bộ và Nhân dân huyện Lộc Hà bám đồng để điều tiết máy gặt, gặt hết vùng đồng này mới chuyển sang vùng đồng khác, làm việc xuyên trưa, tăng ca vào ban đêm. Ông Lê Hồng Cơ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “Nông dân huyện Lộc Hà đang khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa nhằm tránh thiệt hại do mưa bão. Đồng thời, chủ động kết nối với các tổ chức, cá nhân tiêu thụ lúa cho người dân. Nhờ cơ cấu tập trung bộ giống chủ lực, lúa ở các địa phương chín khá đều, tạo điều kiện cho bà con nông dân thu hoạch thuận lợi”.

z5796501405948_dc0c31052983e95bcea30679b0f2b03b.jpg
Nông dân Lộc Hà nhanh chóng vận chuyển lúa đến điểm tập kết.

Tại TP Hà Tĩnh, bà con nông dân cũng đang tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa hè thu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Ông Phạm Tiến (thôn Trung Tiến, xã Đồng Môn) cho biết: “Lúa vùng này xuống giống muộn nên chưa chín hết, chỉ mới đạt khoảng 80 - 85%. Để tránh mưa bão, từ ngày 3/9 đến nay, bà con đã tranh thủ gọi máy gặt về tập trung thu hoạch".

5 sào lúa của bà Phạm Thị Xuân (thôn Liên Thanh, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) trong thời gian ngắn đã được máy gặt đập liên hợp thu hoạch gọn. “Cánh đồng này sâu trũng nên chỉ cần gió lớn là ngã đổ ngay. Ngày hôm qua, tôi gặt đến 8h đêm mới xong, được hơn 1 tấn lúa. Cũng may, kịp gặt trước khi mưa bão đến; lúa cũng bán luôn nên không lo những ngày tới có thể có mưa to không phơi được”.

z5797926271070_75923b8ba61b3954dc6272103b734e3e.jpg
Lúa chín được 80 - 90%, nông dân Hương Sơn thu hoạch để hạn chế ảnh hưởng của mưa bão.

Lo ngại bão số 3 đổ bộ gây ảnh hưởng nên bà con nông dân huyện Hương Sơn cũng chủ động thu hoạch số diện tích lúa hè thu còn lại với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Tại những vùng đồng ruộng khó khăn do địa hình, người dân đẩy nhanh tiến độ bằng việc sử dụng máy gặt tự chế mang trên vai.

Bà Nguyễn Thị Phượng (thôn 8, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) chia sẻ: "Để đảm bảo “ăn chắc”, dù lúa chưa "chín tới" nhưng nông dân vẫn ra đồng để thu hoạch. Tôi tận dụng thời tiết còn có nắng, gặt đến đâu, phơi đến đó mới có thể yên tâm được. Bà con rất mừng vì vụ sản xuất năm nay thắng lợi, lúa được mùa, được giá”.

z5797925679184_e96e75f203786178bb51a479907b817a.jpg
Khoảng 1.800 ha chưa thu hoạch tập trung chủ yếu tại Lộc Hà, Hương Sơn, thành phố Hà Tĩnh, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh.

Qua kiểm tra thực tế sản xuất và báo cáo của các địa phương, đến ngày 4/9, toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 43.000/44.878 ha diện tích gieo cấy, đạt 95,8%. Số diện tích còn lại khoảng hơn 1.800 ha chưa thu hoạch tập trung chủ yếu tại Lộc Hà, Hương Sơn, TP Hà Tĩnh, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh.

Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: “Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương đôn đốc, hướng dẫn người dân tranh thủ tối đa những ngày thời tiết thuận lợi để tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu. Rà soát, huy động tối đa số lượng máy gặt đập trên địa bàn, có kế hoạch điều phối hợp lý giữa các địa phương để đảm bảo thu hoạch lúa hè thu nhanh nhất. Đồng thời, soát xét, khai thác tối đa công suất các cơ sở sấy trên địa bàn sẵn sàng các điều kiện để sấy lúa cho người dân trong điều kiện mưa lũ xảy ra nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch; chủ động kết nối với các tổ chức, cá nhân tiêu thụ lúa và các sản phẩm nông nghiệp khác cho người dân”.

z5786011497678_2da1c5ef81c600007f75dde9b3d5d803.jpg
Máy gặt tăng ca vào ban đêm để giúp bà con nông dân thu hoạch lúa hè thu cuối vụ.

Theo chuyên gia thời tiết, bão số 3 (Yagi) là cơn bão rất mạnh, có khả năng mạnh tới cấp 14, giật cấp 17, do vậy phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 3 gây ra trên vùng biển khu vực Bắc Biển Đông được Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nâng lên cảnh báo ở cấp 4 (rủi ro rất lớn). Phạm vi gió mạnh của bão cũng mở rộng nhanh theo mức độ tăng cấp của bão, thể hiện rõ nhất qua việc vùng ảnh hưởng của bão rất rộng.

Dự báo: Hồi 4 giờ ngày 5/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 550 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/h), giật trên cấp 17.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Trồng nấm bằng công nghệ làm mát

Trồng nấm bằng công nghệ làm mát

Sử dụng hệ thống làm mát, anh Kiều Ngọc Bính ở thôn Yên Nam, xã Xuân Yên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) trồng hàng vạn nấm sò, bước đầu thành công mang lại hiệu quả kinh tế.
Mồ hôi mà đổ xuống đồng...

Mồ hôi mà đổ xuống đồng...

Những vạt nắng vàng như mật đổ xuống đồng ruộng làm dậy lên mùi thơm nồng nàn của lúa chín. Dẫu nhiều mệt nhọc, lắm lo toan, nhưng mùa thu hoạch năm nay lại thêm một lần bà con nông dân Hà Tĩnh hân hoan niềm vui thắng lợi.