Chuyển đổi số “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bay xa

(Baohatinh.vn) - Nhờ quảng bá trực tuyến rộng rãi trên không gian mạng, nhiều sản phẩm OCOP ở Hà Tĩnh đã xuất ngoại thành công, mở ra những hướng đi mới trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Với mong muốn đưa bánh đa truyền thống vượt “lũy tre làng”, năm 2020, HTX Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh) đã đăng ký ý tưởng xây dựng sản phẩm OCOP, đồng thời thực hiện nghiêm quy trình sản xuất an toàn. Đến nay, HTX có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là bánh đa vừng và miến vừng đen.

Chuyển đổi số “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bay xa

Từ khi tham gia OCOP, HTX Nguyên Lâm chú trọng hơn đến quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác và quảng bá sản phẩm trên mạng internet.

Anh Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX Nguyên Lâm chia sẻ: Từ khi tham gia OCOP, cơ sở chú trọng hơn đến quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác và quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm được sản xuất ngày càng nhiều hơn, thị trường cũng vươn ra ngoại tỉnh. Khi đó, đòi hỏi chúng tôi phải nâng cấp cách thức hoạt động, thực hiện chuyển đổi số theo xu thế chung của xã hội.

Đối với sản phẩm, mọi thông tin sản xuất sẽ được cung cấp đầy đủ thông qua mã QR trên nhãn hàng. HTX cũng kết nối với các ngân hàng để nhận thanh toán trực tuyến khi giao dịch trên không gian mạng.

Chuyển đổi số “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bay xa

Năm 2022, sản lượng của HTX Nguyên Lâm ước đạt 3 triệu bánh

Đặc biệt, HTX giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng, trang thương mại điện tử. Qua quá trình tích cực tiếp thị sản phẩm đã được nhiều đối tác quan tâm.

“Năm 2021, sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Nhật Bản với tổng giá trị hơn 230 triệu đồng. Nhờ đó, năm 2021, HTX đạt doanh thu 3,7 tỷ đồng. Năm 2022, sản lượng dự kiến của HTX Nguyên Lâm sẽ đạt 3 triệu bánh, đặc biệt đã có 4 đơn hàng xuất khẩu sang các nước: Nga, Ba Lan và Nhật Bản với số lượng 365 nghìn bánh, trị giá gần 1,3 tỷ đồng " - anh Duẩn phấn khởi nói.

Chủ động số hóa sản phẩm, thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của thị trường xuất khẩu cũng là bí quyết thành công của Công ty CP Sản xuất thực phẩm Hồ Cầm (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh). Hiện công ty có 3 đơn hàng với gần 6 tấn vỏ bánh ram mang thương hiệu Nam Chi được xuất khẩu sang Hàn Quốc, giá trị khoảng 250 triệu đồng.

Chuyển đổi số “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bay xa

Quy trình sản xuất bánh đa nem Nam Chi đạt các tiêu chuẩn cao theo quy định quốc tế.

Theo ông Hồ Sỹ Cầm - Giám đốc Công ty CP Sản xuất thực phẩm Hồ Cầm, để chinh phục được thị trường Hàn Quốc, đơn vị đã nỗ lực tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc nhà xưởng hơn 1 tỷ đồng, chú trọng chất lượng sản phẩm và mẫu mã, bao bì hơn. OCOP chính là tấm giấy “thông hành” để bánh ram Nam Chi tiến gần hơn với thị trường thế giới. Nhờ tham gia chương trình OCOP, Công ty đã rút ngắn một phần quy trình kiểm định, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật khắt khe của các nước trên thế giới.

Chuyển đổi số “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bay xa

Công ty CP sản xuất thực phẩm Hồ Cầm xây dựng trang web riêng nhằm quảng bá sản phẩm và minh bạch thông tin sản xuất trên mạng internet.

Bên cạnh bánh đa vừng Nguyên Lâm, bánh đa nem Nam Chi, đến nay, Hà Tĩnh đã có nhiều sản phẩm OCOP khác đã xuất khẩu ra thị trường thế giới như: sứa Mai Dung, bánh ram Anh Thu. Ngoài ra, một số sản phẩm khác như: nem chua Ý Bình, hải sản Hoa Linh Chi, mực Ngọc Diệp… đã được xuất bán qua đường tiểu ngạch.

Chuyển đổi số “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bay xa

Sản phẩm sứa ép Mai Dung đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mang giá trị kinh tế cao.

Ông Lê Xuân Tùng - Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, sau 4 năm thực hiện, toàn tỉnh có 249 sản phẩm của 191 cơ sở đạt chuẩn OCOP. Hầu hết, các sản phẩm đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng hơn 40%. Việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Hà Tĩnh được thực hiện rất tốt, nhất là khâu bán hàng. 100% cơ sở OCOP đã tham gia chuyển đổi số, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử... Từ đó, một số sản phẩm đã tiếp cận với các đối tác nước ngoài và xuất khẩu thành công.

Thực hiện chuyển đổi số, từ việc phân hạng sản phẩm, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cũng áp dụng phần mềm để đánh giá qua hồ sơ điện tử của các cơ sở. Việc này đảm bảo tính minh bạch và giảm chi phí cho các cơ sở tham gia chương trình. Đơn vị đang khuyến khích các cơ sở sản xuất sử dụng tem điện tử để quản lý sản phẩm OCOP.

Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các sản phẩm OCOP trong khâu tiêu thụ, Hà Tĩnh đã phối hợp tham gia phiên chợ đêm trên mây (do TP Hà Nội tổ chức); xây dựng chương trình phiên chợ OCOP trên Đài PTTH Hà Tĩnh… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua nền tảng số.

Chuyển đổi số “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bay xa

Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã kết nối các cơ sở sản xuất OCOP trong tỉnh với các đơn vị chuyên xuất khẩu qua không gian mạng để tạo cơ hội hợp tác, tiêu thụ sản phẩm.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ các cơ sở xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Trong đó, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tập trung nâng hạng sản phẩm OCOP, bởi khi đạt chuẩn 5 sao, sản phẩm sẽ đạt một số tiêu chuẩn quan trọng, cơ bản đủ điều kiện xuất khẩu. Cùng đó là hỗ trợ các cơ sở thiết lập quy trình sản xuất đủ tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, hữu cơ… Văn phòng đã kết nối các cơ sở sản xuất và các đơn vị chuyên xuất khẩu qua không gian mạng để tạo cơ hội hợp tác. Đặc biệt, Hà Tĩnh sẽ kết nối để các cơ sở OCOP tham gia các diễn đàn OCOP ASEAN (khi được thống nhất tổ chức), tham gia các hội chợ quốc tế để giao lưu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác ở nước ngoài” - ông Tùng nhấn mạnh.

Chủ đề Chuyển đổi số

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast