Đưa thịt lợn quê thành sản phẩm OCOP, vợ chồng trẻ thu gần 250 triệu đồng mỗi năm

(Baohatinh.vn) - Lấy thị hiếu khách hàng làm hành trang khởi nghiệp, sau 3 năm sản xuất, sản phẩm giò lụa của gia đình chị Võ Thị Anh (xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh) đã đạt chuẩn OCOP, thị trường mở rộng đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Video: Quy trình sản xuất giò lụa Song Anh.

Là món ăn truyền thống, phổ biến nên sản phẩm giò, chả luôn có sự cạnh tranh cao trên thị trường. Nhưng với hướng đi đúng đắn cùng với quyết tâm tạo ra sản phẩm ngon, sạch, an toàn, giò lụa Song Anh của gia đình chị Võ Thị Anh (SN 1991) đã vươn tầm, trở thành sản phẩm OCOP.

Nói là vậy, song hành trình đi đến thành quả này của đôi vợ chồng trẻ ở huyện miền núi Hương Khê cũng gặp không ít trở ngại. Chị Võ Thị Anh nhớ lại: “Là người có đam mê với ẩm thực, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi đi học nghề làm đầu bếp, nhà hàng. Tuy nhiên, khi trở về quê thì nghề này chưa phát triển.

Năm 2018, nhận thấy trong thôn và người thân mình có nhiều người chăn nuôi, kinh doanh thịt lợn với chất lượng rất tốt nên chúng tôi nghĩ đến việc làm sản phẩm giò, chả. Dù có kiến thức cơ bản, song thiếu kinh nghiệm nên nhiều mẻ giò ban đầu thất bại. Khi đó mỗi ngày tôi “phá” đến hàng yến thịt nguyên liệu để tìm công thức. Với quan điểm, khách hàng là trung tâm phục vụ, sau mỗi mẻ giò, tôi mời người thân, bạn bè ăn thử và đóng góp ý kiến. Dần dần, sản phẩm giò lụa Song Anh được hoàn thiện, phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng”.

Đưa thịt lợn quê thành sản phẩm OCOP, vợ chồng trẻ thu gần 250 triệu đồng mỗi năm

Giò lụa của gia đình chị Anh được làm từ nguồn nguyên liệu chính là thịt lợn quê.

Nguyên liệu chính của sản phẩm vẫn là thịt nạc mông, thăn. Lợi thế của cơ sở là luôn lựa chọn được phần thịt tươi, được chính bà con nông dân Hương Khê nuôi bằng thức ăn tự nhiên như cám gạo, ngô, hèm rượu, bã đậu phụ...

Sau khi lựa chọn được nguyên liệu, chúng tôi sơ chế sạch sẽ và đưa vào chế biến. Thịt được xay cùng với ít mỡ phần, nước mắm, tiêu, tỏi cùng các gia vị khác rồi gói trong lá chuối và luộc chín. Điều đặc biệt của giò lụa Song Anh là không làm mất đi hương vị đặc trưng của thịt mà vẫn dai, giòn, mùi vị đậm đà, phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Đưa thịt lợn quê thành sản phẩm OCOP, vợ chồng trẻ thu gần 250 triệu đồng mỗi năm

Quá trình chế biến giò lụa Song Anh áp dụng theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7049:2002 về thịt chế biến có xử lý nhiệt - quy định kỹ thuật do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Khi sản phẩm ban đầu được người dân địa phương đón nhận, chị Anh bắt đầu nghĩ đến việc phải đầu tư dây chuyền sản xuất theo hướng bài bản, quy mô lớn. "Chúng tôi nhận thấy hầu hết cơ sở sản xuất giò, chả trên địa bàn có quy mô nhỏ, sản xuất thủ công, chưa đạt được sự đồng đều, mẫu mã sản phẩm chưa bắt mắt. Từ thực tế đó, gia đình đã xây dựng kế hoạch để mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình" - chị Anh chia sẻ thêm.

Nghĩ là làm, năm 2021, vợ chồng chị vay mượn vốn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu, tăng cường kiểm soát chất lượng, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Bởi vậy, giò lụa Song Anh hiện nay có sự kết hợp giữa chế biến truyền thống, thủ công và ứng dụng các thiết bị tiên tiến như máy xay thịt, máy xay giò,… và công nghệ bảo quản bằng tủ đông. Sản phẩm cũng được đóng gói theo nhiều loại trọng lượng nên thuận tiện khi tham gia thị trường. Cùng với lợi thế của người trẻ, chị Anh cũng nhanh chóng tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại.

Đến nay, ngoài thị trường Hà Tĩnh, giò lụa Song Anh còn được người tiêu dùng một số địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Dương… đón nhận. Đặc biệt, sản phẩm cũng đã xuất hiện ở thị trường Thái Lan.

Đưa thịt lợn quê thành sản phẩm OCOP, vợ chồng trẻ thu gần 250 triệu đồng mỗi năm

Giò lụa Song Anh dai, giòn, mùi vị đậm đà.

Chị Anh cũng phấn khởi khoe, nếu như năm 2021, lợi nhuận của cơ sở đạt khoảng 150 triệu đồng thì đến nay mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 60 kg thịt nguyên liệu (cao điểm có khi đạt 100 kg/ngày) - tương đương với mức lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/tháng và gần 250 triệu đồng/năm.

Trước mắt, cơ sở xác định tiếp tục đẩy mạnh phương thức bán hàng qua internet và mạng xã hội. Hướng đến đối tượng sử dụng là những người đi làm, không có nhiều thời gian cho công việc nội trợ, có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn đảm bảo ATVSTP và nguồn gốc rõ ràng.

Đánh giá về sản phẩm giò lụa Song Anh, ông Nguyễn Trí Đồng – Phó Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Chánh Văn phòng NTM huyện Hương Khê cho biết, hiện nay, giò lụa Song Anh đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm có chất lượng khá tốt, hợp thị hiếu người tiêu dùng và đảm bảo ATVSTP. Thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ để cơ sở tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm được nhiều người biết đến, góp phần tiêu thụ thuận lợi hơn.

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.