Hà Tĩnh vững vàng trên hành trình xây dựng tỉnh nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Những nỗ lực chuyển mình từ các khu dân cư đang giúp mỗi xã, mỗi huyện ở Hà Tĩnh khoác lên mình diện mạo NTM khang trang, giàu đẹp. Đó cũng là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh vững vàng trên chặng đường xây dựng tỉnh NTM.

Hà Tĩnh vững vàng trên hành trình xây dựng tỉnh nông thôn mới

Tiêu chí quy hoạch “chạm” chuẩn NTM cấp tỉnh.

Những tiêu chí đầu tiên “chạm” chuẩn

Cuối năm 2022, Hà Tĩnh vui mừng đón nhận tin vui khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tiêu chí quy hoạch “chạm” chuẩn NTM cấp tỉnh.

Cùng với quy hoạch, tiêu chí ANTT - an toàn xã hội cũng được đánh giá cơ bản đạt chuẩn. Kết quả này một phần được kế thừa từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh; gắn liền với những phong trào như: Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, “Cả tỉnh chung sức xây dựng NTM”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... mà các cấp, ngành ở Hà Tĩnh đã tổ chức tuyên truyền, phát động sâu rộng trong thời gian qua.

Hà Tĩnh vững vàng trên hành trình xây dựng tỉnh nông thôn mới

Mô hình khu dân cư bình yên chung sức xây dựng NTM ở Lộc Yên là một trong những mô hình tổ chức quần chúng tự quản về ANTT hiệu quả góp phần giúp tiêu chí ANTT - an toàn xã hội cũng được đánh giá cơ bản đạt chuẩn

Những ngày này, về thôn Bình Phúc, xã Lộc Yên (Hương Khê), suốt dọc đường đi, hương hoa bưởi phảng phất; những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp trong xuân mới càng điểm tô thêm sự trù phú và bình yên của vùng quê. Ông Nguyễn Duy Hán phấn khởi nói: “Ủng hộ phong trào xây dựng NTM, gia đình tôi hiến hơn 700 m2 đất vườn để mở rộng trục đường thôn. Vui mừng nhất là khi địa phương xây dựng mô hình khu dân cư bình yên chung sức xây dựng NTM, tình hình ANTT ổn định hẳn lên, không xảy ra tình trạng mất cắp, bà con ai cũng hăng hái cam kết tham gia bảo đảm ANTT và xây dựng NTM”.

Cùng với mô hình khu dân cư bình yên chung sức xây dựng NTM, ở xã Lộc Yên, lực lượng công an các cấp cũng đã xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng tự quản về ANTT ở cơ sở, tiêu biểu như: “Camera an ninh”, “Khu dân cư bình yên, chung sức xây dựng NTM”, “Khu dân cư an toàn về phòng cháy và chữa cháy”, “Tổ liên gia tự quản về ANTT”, “Tổ công nhân vì môi trường xanh - tự quản về ANTT”...

Theo đánh giá từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và các sở, ngành, ngoài những tiêu chí quy hoạch, ANTT - an toàn xã hội được đánh giá “chạm” chuẩn, một số tiêu chí khác cũng đã có nhiều kết quả tích cực, tiệm cận đạt chuẩn như: giáo dục và y tế (khoảng 80%), giao thông (khoảng 70%), môi trường và cảnh quan nông thôn (khoảng 60%)... Thời gian qua, tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc làm việc với nhiều bộ, ngành và Văn phòng Điều phối NTM Trung ương; các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao đã chủ động tham mưu UBND tỉnh giải pháp triển khai thực hiện các tiêu chí cấp tỉnh, đảm bảo đạt chuẩn theo lộ trình của đề án.

Huyện, xã tăng tốc, chung sức vì mục tiêu tỉnh NTM

Hà Tĩnh vững vàng trên hành trình xây dựng tỉnh nông thôn mới

Toàn xã Hương Liên như một “đại công trường” khi nhà nhà, người người đều góp công, góp sức để phấn đấu về đích NTM.

Dù bận bịu với vô vàn công việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nhưng trên nhiều tuyến đường đường ở xã Hương Liên (Hương Khê) vẫn nhộn nhịp tiếng cười nói, động viên nhau mở đường làm rộn thêm không khí đón xuân mới. Anh Nguyễn Văn Hoạt (thôn 3, xã Hương Liên) phấn khởi chia sẻ: “Trên địa bàn thôn có nhiều con đường cũ, vừa nhỏ hẹp lại xuống cấp nên việc đi lại của người dân không được thuận tiện. Chúng tôi cũng muốn làm mới nhưng đời sống còn khó khăn, không có đủ kinh phí. Được hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bà con rất phấn khởi, cùng tham gia lao động để phát quang, mở rộng hành lang đường, xây dựng đường, mương bê tông. Nhiều người còn hiến đất, hiến cây để mở đường... Hiện, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký xây dựng vườn mẫu, vừa làm đẹp cảnh quan nông thôn, vừa tăng thu nhập”.

Năm 2022, toàn xã Hương Liên như một “đại công trường” khi nhà nhà, người người đều góp công, góp sức để phấn đấu về đích NTM. Ông Trần Phúc Anh - Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên phấn khởi: “Với sự đỡ đầu của các đơn vị, tổ chức, chúng tôi từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng các tiêu chí NTM ở địa phương nhanh, vững chắc, đảm bảo kịp “về đích” đúng hẹn. Bên cạnh làm đẹp bộ mặt nông thôn, việc thực hiện các tiêu chí còn góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của bà con nhân dân miền biên viễn”.

Qua ghi nhận, 4 xã cuối cùng chưa đạt chuẩn NTM ở Hà Tĩnh (Hương Liên, Hương Lâm, Hà Linh, Điền Mỹ) đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí (các xã Hương Lâm, Hương Liên đã được huyện đánh giá đạt chuẩn 20 tiêu chí). Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, dự kiến đến cuối năm 2023, Hà Tĩnh sẽ có 181/181 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%), có khoảng 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tiến tới 100% huyện đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, huyện Nghi Xuân đang tập trung xây dựng huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch; các địa phương: Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ cũng khẩn trương hoàn thành các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Hà Tĩnh vững vàng trên hành trình xây dựng tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới.

Dù vậy, lộ trình xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là về nguồn lực thực hiện, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Ngô Đình Long - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, việc xây dựng các huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cần sự vào cuộc, quyết tâm cao của các địa phương cũng như sự đồng lòng, thống nhất của cả hệ thống chính trị, Nhân dân để đảm bảo hoàn thành kế hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tiếp tục kết nối với các bộ, ngành Trung ương, đề xuất triển khai thực hiện các mô hình thí điểm theo đề án tỉnh đạt chuẩn NTM trên địa bàn nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là hoàn thành xây dựng tỉnh NTM. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các chỉ tiêu, tiêu chí đảm bảo phát triển một cách toàn diện, sẵn sàng cho hành trình tăng tốc.

Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, giải pháp tối ưu là cần tập trung tạo sự chuyển biến nhanh về chiều sâu, vững chắc; phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp, nâng cao thu nhập cho người dân; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả; đẩy mạnh kinh tế số; quan tâm “phủ” nước sạch đến các khu vực nông thôn; xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, công trình vệ sinh hộ gia đình; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, từng bước phát triển du lịch nông thôn; thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP...

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast