Nắng nóng kéo dài, mực nước nhiều hồ đập ở Hà Tĩnh... chạm đáy!

(Baohatinh.vn) - Nắng nóng kéo dài đã khiến mực nước của nhiều hồ chứa, đập dâng trên địa bàn Hà Tĩnh xuống thấp, tác động xấu đến hoạt động tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp.

Nắng nóng kéo dài, mực nước nhiều hồ đập ở Hà Tĩnh... chạm đáy!

Mực nước đập dâng Khe Táy đã thấp hơn 1m so với thiết kế.

Đã 4 năm nay, đập dâng Khe Táy (xã Lộc Yên, Hương Khê) mới rơi vào tình trạng cạn nước như bây giờ. Hiện nay, mực nước đã ở mức thấp hơn mực nước thiết kế hơn 1m, nếu giảm thêm 10 cm nữa sẽ... chạm mực nước “chết”.

Anh Nguyễn Xuân Thành - Trạm trưởng trạm Sông Tiêm (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho hay: "Đập dâng Khe Táy cấp nước tưới cho 130 ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã Lộc Yên, Gia Phố, Hương Giang (Hương Khê). Nắng nóng gay gắt, không có mưa nên hiện nay chỉ 60 ha lúa của xã Lộc Yên đảm bảo nguồn nước tưới, còn 70 ha tại xã Gia Phố và Hương Giang không đủ nguồn cấp.

Còn tại hồ chứa nước Đập Mưng (xã Điền Mỹ, Hương Khê) có cao trình mực nước thiết kế 20m nhưng hiện nay chỉ còn đạt 15,40m. Đây là mực nước thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nắng nóng kéo dài, mực nước nhiều hồ đập ở Hà Tĩnh... chạm đáy!

Do mực nước xuống thấp nên hiện nay cống B lấy nước phục vụ tưới của hồ Đập Mưng đã bị “tê liệt”.

Hồ phục vụ tưới tiêu cho khoảng 70 - 80 ha của xã Điền Mỹ. Năm nay, nắng hạn kéo dài nên mực nước trong hồ cạn sớm. Hồ có 2 cống lấy nước phục vụ tưới nhưng do mực nước xuống quá thấp nên nước không thể chảy qua cống B, nếu mực nước giảm thêm 40cm nữa thì cống A cũng sẽ bị “tê liệt”. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, với tình trạng hiện nay, nếu vài ngày tới không có mưa thì nguy cơ thiếu nước tưới cho những vùng sau hồ Đập Mưng trong những đợt tiếp theo là rất cao.

Cùng với Hương Khê, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh là những vùng tưới gặp nhiều khó khăn nhất của Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh. Nguyên nhân là vì địa bàn chia cách, nhiều vùng núi và hồ, đập nhỏ. Những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, hồ chứa Mộc Hương (nằm ở địa phận phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) có dung tích thiết kế 1,97 triệu m3 nước đã "tụt" hẳn còn khoảng 35% so với dung tích thiết kế. Hơn 100 ha lúa hè thu luôn trong tình trạng "thấp thỏm" vì thiếu nước.

Nắng nóng kéo dài, mực nước nhiều hồ đập ở Hà Tĩnh... chạm đáy!

Đồng ruộng ở xã Hương Giang - Hương Khê đã nứt nẻ.

Theo ông Đặng Hòa Bình - Trưởng phòng Quản lý và khai thác, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, công ty đang quản lý và vận hành 33 hồ chứa, 4 đập dâng. Qua theo dõi thông số vận hành, hiện, tình trạng thiếu nước, cạn nước xuất hiện khá phổ biến ở các hồ, đập nhỏ và hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh. Thực trạng này đã tác động xấu tới công tác vận hành, điều tiết nước tưới ở các vùng tưới. Đặc biệt, ở các vùng cao cưỡng, cuối nguồn tưới của kênh thủy lợi, nhiều chân ruộng hè thu đã nằm trong vùng báo động hạn hán như: Hương Giang, Phú Phong, Hòa Hải, Phúc Trạch (Hương Khê); Cẩm Hà, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên); Việt Tiến, Thạch Kênh (Thạch Hà); Kỳ Khang, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh)...

Tại Vũ Quang, Hương Sơn..., tình trạng hồ, đập thủy lợi cạn đáy, chực chờ mực nước “chết” cũng khá phổ biến. Theo Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, 100% hồ chứa, đập dâng trên địa bàn chỉ đạt 30 - 50% so với mực nước thiết kế.

Đơn cử, hồ Khe Đá thuộc địa bàn xã Sơn Kim 2 là nguồn tưới chính phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã. Từ đầu vụ, do thiếu nước, xã đã không thể hoàn thành kế hoạch gieo cấy (chỉ đạt 54/55 ha lúa), đến nay, khi lúa đang bước vào kỳ đẻ nhánh, cần nước để sinh trưởng thì mực nước trong hồ chỉ còn lại 30%, rất khó khăn trong việc cấp nước tưới.

Ông Nguyễn Chí Tâm - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho hay: “Địa phương đang quản lý, vận hành 86 hồ chứa, đập dâng quy mô vừa và nhỏ. Từ đầu năm lại nay, lượng mưa rất ít, nắng nóng kéo dài nên mực nước tại các hồ chứa, đập dâng giảm. Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng và đưa vào khai thác lâu năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gây rò rỉ, thất thoát nguồn nước. Điển hình như: các đập Đình Đẹ, Cây Thị, Tri Báo; hồ Phố Tây... ”.

Nắng nóng kéo dài, mực nước nhiều hồ đập ở Hà Tĩnh... chạm đáy!

Mực nước của nhiều hồ, đập đã gần chạm mức nước “chết”.

Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác 348 hồ chứa nước với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước; có 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Hằng năm, các công trình cấp nước phục vụ tưới cho trên 62.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nắng gay gắt khiến mực nước ở hơn 50% số hồ đập trên địa bàn đã giảm mạnh, đe dọa đến nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Theo ngành chuyên môn, nếu tình trạng này kéo dài, tới đây, một số công trình sẽ bị... tê liệt do cạn nguồn nước.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Chè vằng Cẩm Mỹ hướng tới sản phẩm OCOP

Chè vằng Cẩm Mỹ hướng tới sản phẩm OCOP

Nhiều hộ dân ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm hàng hóa, đưa lại nguồn thu nhập bền vững từ cây chè vằng. Địa phương tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP chè vằng.
Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Người dân một số địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung cải tạo những vùng đất ven biển bị hoang mạc hóa do biến đổi khí hậu, lựa chọn cây trồng phù hợp đưa vào sản xuất. Từ đó không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần phủ xanh đất đai hoang hóa, cải tạo môi trường.
Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn cao điểm cho mục tiêu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Những tuyến đường mở rộng, những khu dân cư kiểu mẫu hình thành, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao…
Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Sự đồng lòng của người dân Hà Tĩnh trong triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới không chỉ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Thời tiết Hà Tĩnh duy trì hình thái nhiều mây, có mưa rào, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa thời kỳ trổ tập trung.
Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Năm 2024, Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thành lập với gần 50 hội viên tham gia, trở thành nền tảng để đưa thương hiệu mật ong vươn xa.
Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Trở về từ quân ngũ, ông Nguyễn Kiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã hăng hái cùng người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong.