Nông dân Hà Tĩnh “cướp nắng”, hối hả sản xuất vụ đông

(Baohatinh.vn) - Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu, ngay khi trời vừa hửng nắng, bà con nông dân các địa phương Hà Tĩnh lại tất bật ra đồng làm đất, xuống giống diện tích mới và chăm sóc số rau màu vụ đông đã gieo trỉa.

Thời điểm này, bà con thôn Quyết Tiến, xã Đồng Môn - một trong những vùng sản xuất rau tập trung lớn của TP Hà Tĩnh đang nhanh tay làm đất, lên luống, bón phân... để kịp xuống giống cây trồng vụ đông. Người dân thôn Quyết Tiến chủ yếu trồng các loại cây chủ lực có giá trị khá cao như: cà rốt, bắp cải, súp lơ...

Nông dân Hà Tĩnh cướp nắng, hối hả sản xuất vụ đông

Bà Trần Thị Nhân (thôn Quyết Tiến) tất bật lên luống, gieo giống các loại rau.

Bà Trần Thị Nhân (thôn Quyết Tiến) cho biết: "Vụ này, tôi canh tác hơn 4 sào rau màu. Hiện, tôi đã trồng được 2 sào, còn 2 sào đang tiến hành làm đất và xuống giống trong vài ngày tới. Năm nay, nhà tôi trồng sớm nên dự kiến giữa tháng 11 sẽ xuất bán lứa rau đầu tiên".

Cách chân ruộng của chị Nhân không xa, chị Lê Thị Hà cũng đang tất bật dẫn trâu vào ruộng cày bừa. “Gia đình tôi sản xuất gần 3 sào súp lơ. Khâu làm đất rất quan trọng nên đặc biệt được chú ý, lên luống to để cây phát triển. Do thời tiết thời gian qua có mưa nên từ ngày 5/10, tôi mới bắt đầu làm đất, đến nay đã được khoảng 90% diện tích", chị Lê Thị Hà cho biết.

Từ nhiều năm nay, bà con nông dân xã Thạch Liên (Thạch Hà) đã xem vụ đông là vụ sản xuất chính đưa lại hiệu quả kinh tế cao, vì thế, sau mấy ngày nắng, đất khô hơn, bà con lại huy động nhân lực xuống đồng làm rau màu vụ đông.

Bà Trần Thị Châu (thôn Thọ) cho biết: “Thời tiết đầu vụ đông thường mưa nhiều nên đợt này tôi chủ động xuống giống ở vườn nhà vốn được che chắn kỹ rồi mới đưa ra vùng trồng tập trung. Gia đình đã chủ động ủ phân chuồng, dùng bạt phủ, chờ thời tiết ổn định hơn thì bắt tay trồng cây con”.

Nông dân Hà Tĩnh cướp nắng, hối hả sản xuất vụ đông

Bà Trần Thị Châu (thôn Thọ, xã Thạch Liên) chủ động ươm giống ở vườn nhà.

Với ông Lê Tuấn (thôn Khang), vụ đông năm nay cũng canh tác 3 sào đất, chủ yếu trồng súp lơ, bắp cải và một ít rau ngắn ngày xen canh. "Hiện, nền đất đã khô ráo nên cả gia đình phải tranh thủ nhanh chóng làm đất, bón phân để xuống giống kịp thời vụ” - ông Tuấn cho biết.

Nông dân Hà Tĩnh cướp nắng, hối hả sản xuất vụ đông

Ông Lê Tuấn cẩn thân làm giàn, kéo màng nilon che chắn cho diện tích vừa gieo giống để ứng phó với thời tiết bất thường trong vụ đông.

Chủ tịch UBND xã Thạch Liên Trần Văn Hương thông tin, vụ đông 2023, toàn xã Thạch Liên sản xuất gần 25 ha rau, tập trung tại các vùng chuyên canh truyền thống ở thôn Thọ, thôn Khang, thôn Nguyên và trồng xen canh, gối vụ trên diện tích hơn 10 ha tại vườn nhà. Năm nay, xã tiếp tục định hướng bà con gieo trồng các loại cây vụ đông có lợi thế của địa phương như: su hào, bắp cải, cà chua, dưa chuột, đậu côve. Nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ trong vài tháng tới, những cánh đồng màu sẽ cho thu hoạch.

Nông dân Hà Tĩnh cướp nắng, hối hả sản xuất vụ đông

Bà con nông dân sử dụng phân chuồng ủ hoai để tăng độ phì nhiêu cho đất.

Thời điểm này, không khí sản xuất của người dân cũng đang trở nên tất bật hơn ở khắp các cánh đồng của xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ). Do vừa qua đợt mưa nặng hạt nên bà con chủ yếu mới làm đất và trồng một số loại rau, củ.

Bà Trần Thị Dần (thôn Quyết Tiến, xã Bùi La Nhân) gieo trồng 5 sào rau, với các giống chủ yếu là củ cải, cải chíp, cải ngồng. Bà Dần chia sẻ: "Tôi trồng rau theo phương pháp gối lứa (mỗi lứa cách nhau 15 - 20 ngày), do đó, rau được thu hoạch liên tục, mang lại thu nhập đều và tránh rủi ro. Trong đợt mưa vừa qua, tôi túc trực ngoài đồng để khơi thông rãnh thoát nước, vùn luống lên cao, chống đỡ các dàn leo... giúp cây có thể phục hồi sau khi tạnh ráo. Những ngày qua, tôi tập trung làm đất, bón phân, lên luống để trồng lứa mới".

Nông dân Hà Tĩnh cướp nắng, hối hả sản xuất vụ đông

Nhiều địa phương trên toàn tỉnh đang tập trung làm đất, gieo trồng cây vụ đông.

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 11.890 ha cây vụ đông (tương đương diện tích vụ đông năm 2022). Trong đó có khoảng 4.259 ha ngô lấy hạt, 1.649 ha ngô sinh khối, 4.524 ha rau các loại, 1.458 ha cây khoai lang. Đến thời điểm này, tiến độ gieo trồng cây vụ đông đã đạt hơn 2.153 ha (trên 18% kế hoạch).

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: "Thời tiết đang ủng hộ việc làm đất và xuống giống vụ đông. Nhiều giống cây trồng đang nằm trong khung lịch thời vụ. Vì vậy, ngành chuyên môn đang tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các địa phương tranh thủ điều kiện thuận lợi, vận động bà con khẩn trương làm đất gieo trỉa nhằm đạt và vượt chỉ tiêu về diện tích các loại cây trồng, nhất là các loại cây trồng chủ lực như: ngô, khoai lang, các loại rau".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.