Xã ven đô Hà Tĩnh đa dạng mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Bằng sự linh hoạt, táo bạo, nhiều nông dân ở xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) đã mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương.

Xã ven đô Hà Tĩnh đa dạng mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Mô hình kinh tế rộng gần 2 ha của anh Ngô Hà Phương ở thôn Đông Nam (xã Thạch Bình).

Trên vùng trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị bỏ hoang của thôn Đông Nam, anh Ngô Hà Phương (SN 1986, thôn Đông Nam) đã mạnh dạn thuê lại gần 2 ha đất ruộng không đủ điều kiện canh tác để chuyển đổi thành mô hình nuôi cua đồng, kết hợp nuôi cá chạch sụn, tôm thẻ chân trắng, ốc bươu đen...

Anh Phương chia sẻ: “Trước đây, diện tích đất được người dân trong thôn sử dụng để trồng lúa nhưng hiệu quả không cao nên họ dần bỏ đất, không còn canh tác. Nhận thấy đất để không, cỏ dại mọc um tùm rất lãng phí, tôi đã bàn với vợ và vận động người dân cho thuê lại để làm ăn. Tháng 6/2023, tôi đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để thuê máy móc đào ao, đắp bờ, hoàn chỉnh kênh dẫn nước để quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản trên diện tích gần 2 ha. Vừa làm, tôi vừa học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật nuôi cua đồng, cá chạch sụn, cá diếc và ốc bươu đen”.

Xã ven đô Hà Tĩnh đa dạng mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Mô hình của anh Phương đang thả nuôi cua đồng, cá chạch sụn, cá diếc, tôm thẻ chân trắng và ốc bươu đen.

Hiện tại, mô hình của anh Phương đang thả nuôi 6 vạn cua đồng, 26 vạn cá chạch sụn, 6 vạn cá diếc, 4 vạn tôm thẻ chân trắng và 5 vạn ốc bươu đen. Dự kiến, tháng 12 tới, anh sẽ thu hoạch các loại trên với tổng sản lượng đạt khoảng hơn 5 tấn, doanh thu ước đạt khoảng trên 1 tỷ đồng.

"Nhờ sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương và biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên mô hình của tôi đang phát triển tốt. Tôi hy vọng, mô hình sẽ đem về nguồn thu tốt ở lứa thu hoạch đầu tiên để gia đình có điều kiện mở rộng quy mô và tăng số lượng nuôi ở những lứa tiếp theo" - anh Phương kỳ vọng.

Xã ven đô Hà Tĩnh đa dạng mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Ông Hồ Xuân Tịnh ở thôn Đông Nam đang nuôi 50 đàn ong và trồng gần 100 gốc ổi Đài Loan.

Năm nay đã 70 tuổi nhưng ông Hồ Xuân Tịnh ở thôn Đông Nam vẫn luôn hăng say, miệt mài chăm sóc 50 đàn ong và gần 100 gốc ổi Đài Loan của gia đình. Bởi, đây là nguồn thu nhập chính, giúp vợ chồng ông sống khỏe mỗi ngày, vừa chăm chỉ lao động vừa gặt hái quả ngọt.

Ông Tịnh cho biết: "Hơn 5 năm trước, tôi được địa phương hỗ trợ 5 đàn ong giống để phát triển kinh tế, tăng nguồn thu nhập. Từ 5 đàn ong này, tôi đã nhân lên 50 đàn và thường xuyên hỗ trợ các hộ xung quanh có nhu cầu nuôi. Nhờ chăm sóc tốt nên ong tiết mật đều, bình quân mỗi năm tôi thu về trên 150 lít mật ong, cho nguồn thu gần 40 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn thu từ trồng ổi cũng giúp gia đình tôi có thêm đồng ra, đồng vào".

Xã ven đô Hà Tĩnh đa dạng mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Từ nuôi ong và trồng ổi giúp gia đình ông Tịnh có cuộc sống ổn định.

Cũng theo ông Tịnh, chăm lo phát triển kinh tế không chỉ giúp gia đình cải thiện thu nhập mà còn góp phần giúp địa phương giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao trên địa bàn như: tiêu chí thu nhập, môi trường... Việc tích cực phát triển kinh tế cũng giúp vườn được sạch đẹp, khang trang hơn.

Không chỉ giúp người dân tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, xã Thạch Bình còn tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình có tính liên kết, liên doanh nhằm ổn định thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Điển hình như các mô hình nuôi hươu trên địa bàn.

Xã ven đô Hà Tĩnh đa dạng mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Mô hình nuôi hươu của gia đình ông Trần Hữu Bình ở thôn Bình Yên.

Đầu năm 2022, được địa phương hỗ trợ 50% tiền mua con giống, gia đình ông Trần Hữu Bình (SN 1964, ở thôn Bình Yên) đã đầu tư chuồng trại và mua 5 con hươu giống về thả nuôi thử nghiệm.

Ông Bình cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ nuôi hươu để phát triển kinh tế. Bởi, hươu là loài khó nuôi, chi phí mua con giống cao, nếu không có kinh nghiệm thì sẽ khó thành công. Tuy nhiên, được chính quyền địa phương hỗ trợ 50% tiền mua giống, liên kết với trung tâm cung cấp con giống tập huấn kỹ thuật nuôi, thu hoạch nhung cũng như bao tiêu sản phẩm nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại và thả nuôi 5 con. Đến nay, sau gần 2 năm gắn bó với loài vật nuôi này, gia đình tôi đã nhân đàn lên 13 con và sẽ phát triển thêm trong thời gian tới".

Xã ven đô Hà Tĩnh đa dạng mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Trên địa bàn xã Thạch Bình có 6 hộ nuôi hươu với tổng đàn 40 con.

Ngoài gia đình ông Bình, hiện tại, trên địa bàn xã Thạch Bình có 6 hộ nuôi hươu với tổng đàn 40 con. Đây là loài vật nuôi mới được địa phương phát triển trên địa bàn và bước đầu đã đem lại những tín hiệu tích cực như: hươu phát triển tốt, ra lộc nhung đều...

Hiện, trên địa bàn xã Thạch Bình có khoảng 50 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 80 triệu đồng/năm trở lên. Các mô hình không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn giúp đời sống người dân ngày càng được nâng lên, đóng góp vào sự đổi thay bộ mặt kinh tế của địa phương, nhất là trong xây dựng NTM. Đây sẽ là bước đệm giúp địa phương vững vàng về đích xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025 như lộ trình đã đề ra.

Video: Lãnh đạo xã Thạch Bình chia sẻ về các mô hình kinh tế trên địa bàn.

Ông Trần Huy Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: “Thời gian qua, cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, ứng dụng công nghệ cao... vào sản xuất nông nghiệp, địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp. Đặc biệt là hỗ trợ nguồn vốn; giúp đỡ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi về lãi suất... Hiện, nhiều mô hình ở địa phương đã và đang phát triển tích cực, đưa lại lợi nhuận kinh tế cao, góp phần giúp địa phương sớm về đích xã NTM kiểu mẫu, từng bước hướng đến nền nông nghiệp đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố".

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.