Núi Cơm huyền thoại

(Baohatinh.vn) - Ngọn núi Cơm theo từ Hán Việt xưa là Phong Phạn (Tặng Cơm), nằm bên bờ Nam sông Lam, điểm khởi đầu và vươn ra của dãy Hồng Lĩnh 99 ngọn, thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Núi Cơm huyền thoại

Núi Cơm nơi gắn liền với câu chuyện truyền thuyết và là nơi ghi dấu sự kiện ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, mở đầu cho cao trào cách mạng công nông Nghệ Tĩnh. Ảnh Đậu Hà

Núi Cơm gắn liền với huyền thoại ông Đùng - một nhân vật khổng lồ có sức khỏe phi thường, tự mình sắp đặt lại giang sơn, để chống chọi với lũ lụt, bão giông. Chuyện kể rằng: Hằng năm, vùng đất Xứ Nghệ thường xẩy ra nạn hồng thủy, sông Lam hung dữ dâng nước lũ mênh mông, cuốn trôi nhà cửa, hoa màu. Ông Đùng đã ra tay dời núi, chắn sông để cứu dân làng.

Sau một ngày vật lộn để chinh phục thiên nhiên, ông Đùng để quên đùm cơm gói của mình mang theo trên bờ. Sáng hôm sau, đùm cơm ấy biến thành hòn núi lớn đứng sừng sững bên bờ sông Lam, góp sức cùng ông chặn dòng nước dữ. Sự tích núi Cơm dù là truyền thuyết hay huyền thoại, nhưng đó là câu chuyện ngợi ca lòng kiên cường, tinh thần dũng cảm trong lao động để chống trả thiên nhiên khắc nghiệt có truyền thống từ ngàn đời của con người Hà Tĩnh.

Trong thời kỳ Xô viết Nghệ - Tĩnh, núi Cơm là chứng tích gắn liền với sự kiện ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, mở đầu cho cao trào cách mạng công nông Nghệ Tĩnh. Ngày ấy, để hưởng ứng và chia lửa với phong trào đấu tranh của công nhân các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy ở phía Bắc sông Lam, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã giao nhiệm vụ cho 3 đồng chí Nguyễn Tiến, Nguyễn Cảnh, Lê Tịnh là những đội viên cảm tử của đội tự vệ Đỏ, thuộc Đảng bộ huyện Nghi Xuân bí mật trèo lên đỉnh núi Cơm cắm cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn kêu gọi.

Núi Cơm huyền thoại

Bến Lách - một địa danh gắn liền với di tích núi Cơm huyền thoại. Ảnh tư liệu

Sáng hôm sau, khi cuộc đấu tranh bên bờ Bắc sông Lam, giai cấp công nông Vinh - Bến Thủy đang dâng tràn khí thế sục sôi, trên đỉnh núi Cơm cờ đỏ búa liềm đã tung bay cổ vũ cho các đoàn công nhân biểu tình ào ào xông vào các nhà máy đòi tiền lương, giảm giờ làm. Lá cờ đỏ hiên ngang trên đỉnh núi Cơm đã làm cho bọn thực dân phong kiến căm tức.

Chúng đã bắt bọn tay sai trèo lên đỉnh núi để hạ xuống, nhưng ngày hôm đó, không một tên nào dám thực hiện. Đến 3 ngày sau, chúng phải kéo một đội lính lê dương có súng ống, đạn dược đầy đủ, từ thị xã Hà Tĩnh ra yểm trợ mới hạ được lá cờ. Việc xuất hiện cờ đỏ búa liềm trên đỉnh núi Cơm là thời khắc báo hiệu mở đầu cho ngọn lửa cách mạng của giai cấp công nông do Đảng ta lãnh đạo đang tràn từ bờ Bắc vào Nam.

Ngay những ngày đầu đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ngọn núi Cơm đứng bên bờ sông Lam đã chứng kiến những năm tháng kháng chiến hào hùng của quân và dân ta. Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ đánh phá thành phố Vinh, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta đã kết hợp với dân quân địa phương đặt trên đỉnh núi Cơm một đài quan sát cùng một trung đội súng phòng không.

Khi máy bay giặc Mỹ đến ném bom, trung đội phòng không núi Cơm đã kiên cường bám chốt, chia lửa với quân dân hai bờ sông Lam bảo vệ bến phà, nhà máy, đường phố và góp phần bắn rơi một máy bay giặc Mỹ.

Đầu năm 1968 vào thời kỳ kháng chiến của dân tộc ta đi vào giai đoạn quyết liệt, nhằm cắt đứt đường chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam, phà Bến Thủy trở thành trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ. Ngày đêm, chúng đã trút xuống vùng bến phà hàng ngàn tấn bom đạn, rải hàng trăm quả thủy lôi và pháo sáng.

Núi Cơm huyền thoại

Cây đa, một trong những điểm đến trong quần thể di tích bến Lách - núi Cơm - nơi đã từng giấu tài liệu cách mạng, nay trở thành địa chỉ đỏ, là điểm nhấn cho vùng quê trù phú ven dòng sông Lam. Ảnh: Đậu Hà

Để giữ vững mạch máu giao thông, bảo đảm cho hàng chục binh đoàn và các chuyến phà vượt sông Lam được an toàn, các đơn vị công binh đã khoét sâu dưới chân núi Cơm một hệ thống giao thông hào, đào các hầm xuyên núi để cất giấu khí tài, xe pháo. Bộ đội và dân quân tự vệ còn đào một hầm sâu trên sườn núi, đặt trong đó một ngọn đèn để làm hoa tiêu cho phà vượt sông từ bờ Bắc sang bờ Nam vào ban đêm an toàn.

Về sau, để chi viện cho chiến trường kịp thời, quân và dân ta đã bắc thêm những chiếc cầu phao bên cạnh chân núi Cơm cho xe và người vượt sông được nhanh chóng. Suốt 10 năm chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, mặc dù khu vực núi Cơm bị không quân và tàu chiến Mỹ đánh phá ác liệt, đánh cả ngày lẫn đêm nhưng các chiến sỹ trên mặt trận giao thông vận tải vẫn bám trụ kiên cường, thành lập các đội cảm tử rà phá bom mìn, để bảo vệ bến phà, bảo vệ từng khúc đường, từng bến bãi, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày nay tại khu vực di tích núi Cơm đã mọc lên nhiều nhà máy, xí nghiệp, khách sạn cao tầng, giao thông thông thoáng. Thị trấn Xuân An đang trở thành đô thị tràn đầy sức trẻ, đổi thay hằng ngày. Đi trên hai cây cầu Bến Thủy 1 và 2 nhìn về ngọn núi Cơm giống như một tấm bia đá hiện hữu với thời gian, đứng hiên ngang bên dòng sông Lam lịch sử.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống