K130 - từ làng đến tổ dân phố

(Baohatinh.vn) - Từng là địa chỉ đỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, làng K130 (thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) hiện đã vươn mình vượt qua khó khăn, trở thành tổ dân phố trù phú, bình yên.

K130 - từ làng đến tổ dân phố

Nhà Văn hóa tổ dân phố K130 hiện nay.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, làng Hạ Lội xưa (xã Tiến Lộc cũ) nay là làng K130 đã trở thành trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Đoạn đường huyết mạch đi qua làng Hạ Lội nằm sát cầu Già, là điểm giao thông quan trọng nối 2 miền Bắc - Nam. Thời điểm đó, đế quốc Mỹ xác định tầm quan trọng của vị trí này nên tập trung đánh phá nhằm chia cắt con đường chi viện của quân ta vào miền Nam.

Cựu chiến binh Nguyễn Xin (SN 1950) - người con của làng Hạ Lội từng tham gia đội du kích của xã Tiến Lộc bồi hồi nhớ lại: “Năm 1968, lúc đó tôi vừa tròn 18 tuổi đã tham gia đội du kích của xã. Ngày ấy, làng Hạ Lội là nơi đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt nhất bởi mục đích chia cắt con đường vận chuyển huyết mạch vào Nam của quân dân ta.

Để cứu nguy cho xe chi viện, ngày 13/8/1968, Nhân dân làng Hạ Lội với khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc” đã tự nguyện tháo dỡ nhà cửa để lát đường cho đoàn xe vào miền Nam an toàn. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, đã có 130 ngôi nhà, 1 ngôi miếu, 4 nhà thờ họ, 2 kho hợp tác xã được tháo dỡ để tạo thành đoạn đường dài 1,2km đi xuyên qua làng Hạ Lội giúp xe chi viện vào tiền tuyến ngay trong đêm”.

K130 - từ làng đến tổ dân phố

Con đường mang tên “Làng K130” đang được chính quyền địa phương mở rộng, tôn tạo nhằm xây dựng làng K130 trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu lịch sử của người dân trong và ngoài địa phương.

Ông Xin kể thêm: Bên cạnh việc tháo dỡ nhà cửa, nhân dân làng Hạ Lội còn chặt tre, chặt gỗ và lấy phên nhà để làm thành mố cầu bắc qua sông. Nhờ vậy, đến 3h sáng 14/8/1968, chiếc xe đầu tiên đã lăn bánh và đoàn xe chi viện của quân ta đi vào tiền tuyến an toàn.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho xe chi viện, Nhân dân Hạ Lội còn dùng những bụi tre của làng để ngụy trang, che đi con đường huyết mạch, đến tối cả làng lại cất giấu ngụy trạng để xe đi qua.

Cứ thế, trong suốt 5 năm liền, con đường đi xuyên qua làng Hạ Lội đã trở thành con đường độc đạo giúp xe chi viện vào miền Nam an toàn cho đến năm 1973.

K130 - từ làng đến tổ dân phố

Ông Nguyễn Xin (áo trắng) cùng hàng xóm ôn lại những kỷ niệm thời chiến.

Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của Nhân dân làng Hà Lội, tên làng K130 đã được ra đời (liên quan đến việc tháo dỡ 130 ngôi nhà vào đêm 13/8/1968).

Năm 2006, làng K130 đã vinh dự được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, tên làng K130 trở thành một địa chỉ đỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

K130 - từ làng đến tổ dân phố

Miếu Mướp - công trình được tháo dỡ vào năm 1968 để mở đường cho xe chi viện vào miền Nam đã được khôi phục lại vào năm 1991 và tôn tạo, tu bổ qua từng năm.

Ngày nay, làng K130 đã có những bước tiến nhanh trong việc phát triển kinh tế, đời sống của Nhân dân ngày một khấm khá.

Những dấu tích như hố bom cũng đã được lấp đi để phủ lên đó một màu xanh tươi mới hay di tích Miếu Mướp - nơi từng phải tháo dỡ để làm đường cũng đã được phục hồi, 130 ngôi nhà từng phá dỡ cho xe chi viện đi qua cũng đã được các thế hệ sau gây dựng lại to đẹp hơn.

K130 - từ làng đến tổ dân phố

Người dân làng K130 tích cực xây dựng, dọn dẹp đường làng để xây dựng khu phố ngày một giàu đẹp, văn minh.

Đường làng K130 nay đã được phủ bê tông 100%, đời sống Nhân dân ngày càng phát triển, những cánh đồng lúa, khu vườn trĩu quả đã tạo thành điểm nhấn của một ngôi làng bình yên.

Ông Phạm Tiến Ân (SN 1951) - một trong số ít nhân chứng lịch sử còn sống tại làng K130 chia sẻ: “Những năm kháng chiến chống Mỹ, ngôi làng này đã phải chịu hàng chục ngàn quả bom trút xuống khiến hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương, ngôi làng gần như bị phá hủy.

Nhưng với sự kiên cường, ý chí vươn lên, các thế hệ của làng K130 đã vượt qua khó khăn, xây dựng lại ngôi làng để ngày nay, K130 đã thành tổ dân phố trù phú, sạch đẹp, văn minh”.

K130 - từ làng đến tổ dân phố

Cánh đồng lúa trù phú, xanh tốt bên làng K130 hiện nay.

Ông Nguyễn Duy Đạt - Phó Bí thư chi bộ tổ dân phố K130 phấn khởi cho biết: “Trước khi xã Tiến Lộc sáp nhập vào thị trấn Nghèn, làng K130 đã xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao vào năm 2019. Đến tháng 1/2020, làng K130 cùng xã Tiến Lộc được sáp nhập vào thị trấn Nghèn. Sau gần 2 năm tạo dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế, làng K130 đã được công nhận là khu phố văn minh vào tháng 12/2021.

Hiện, tổ dân phố K130 chỉ còn 1% hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 56 triệu/người/năm vào năm 2021. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được người dân tích cực hưởng ứng. Đảng bộ nhiều năm đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Ngoài ra, nhằm góp phần xây dựng khu phố văn minh, trong 2 năm trở lại đây, người dân đã hiến hơn 3.000 m2 đất vườn để mở rộng đường giao thông. Quan trọng hơn cả, phát huy tinh thần của thế hệ ông cha đi trước, người dân tổ dân phố K130 vẫn trọn niềm tin sắt son với Đảng và từ đó phát huy nội lực để thi đua lao động sản xuất, xây dựng khu phố ngày một phát triển".

K130 - từ làng đến tổ dân phố

Người dân làng K130 luôn phát huy tinh thần cách mạng của ông cha không chỉ trong chiến tranh mà còn trong cả việc phát triển kinh tế hiện nay. (Trong ảnh: Vườn cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Minh (SN 1970) - nơi từng bị phá hủy hoàn toàn do bom Mỹ).

Ông Bùi Việt Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn cho biết: “Dù thời gian sáp nhập vào thị trấn Nghèn chưa lâu nhưng làng K130 đã phát huy tinh thần của thế hệ cha ông đi trước để sớm xây dựng thành công khu phố văn minh. Những kết quả mà tổ dân phố K130 đạt được hiện nay đã tạo sự khích lệ quan trọng để các đơn vị khác của thị trấn Nghèn vươn lên trong xây dựng đô thị văn minh. K130 cũng đang trở thành một địa chỉ đỏ để giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh to lớn của Nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast