Những người con anh hùng trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh cũng như trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc ở thế kỷ XX, nhiều người con của quê hương Can Lộc đã hiến dâng tuổi xuân cho độc lập, tự do của đất nước, được phong tặng danh hiệu Anh hùng và được sử sách tôn vinh.

Những người con anh hùng trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Ngã ba Đồng Lộc - nơi nhiều anh hùng của Hà Tĩnh đã chiến đấu và hy sinh. Ảnh Huy Tùng

Anh hùng liệt sỹ Phan Như Cẩn sinh năm 1933, quê xã Quang Lộc (Can Lộc). Từ nhỏ anh đã là người thông minh, gan dạ, sức khỏe tốt. Năm 1951, anh lên đường nhập ngũ. Ngày 24/2/1956, anh được gửi đi học phi công lái máy bay ở Trung Quốc và sau đó sang Liên Xô học.

Đêm 7/3/1966, được cấp trên giao nhiệm vụ, với tư cách là Tiểu đoàn trưởng, bằng chiếc AN-2 được cải tiến, phi công Phan Như Cẩn đã bắn cháy tàu biệt kích Mỹ trên vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), lập nên chiến công “không đối biển” đầu tiên của không quân Việt Nam.

Ngày 22/12/1967, Phan Như Cẩn cùng một số phi công xuất sắc vinh dự được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, được chụp ảnh chung với Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những người con anh hùng trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Anh hùng liệt sỹ Phan Như Cẩn. Ảnh Tư liệu

Vào 11h45’ trưa ngày 12/1/1968, Trung đoàn không quân 919 dùng 4 chiếc máy bay AN-2 đánh trạm ra-đa Pa Thí trên đỉnh núi cao 1.688m, gần biên giới Lào - Việt. Trạm ra-đa này của Mỹ - ngụy được gọi là “con mắt thần” rất lợi hại và nguy hiểm, đã nhiều lần quân tình nguyện Việt Nam và Pa-thét Lào tổ chức tấn công nhưng không thành công. Lần này, cấp trên chỉ thị dùng không quân oanh tạc mục tiêu. Mỗi máy bay AN-2 mang 32 quả rốc két, 12 quả đạn cối 120 mm, 4 tổ bay nhận nhiệm vụ.

Tổ bay của Phan Như Cẩn gồm có 3 người điều khiển máy bay mang số hiệu 664. Bất ngờ bị oanh tạc, toàn bộ trang bị, đài chỉ huy và doanh trại lính của trạm ra-đa bị phá hủy hoàn toàn. Hai trực thăng của địch bốc cháy, hàng trăm tên địch phải đền tội. Nhưng không may trên đường về, hai chiếc máy bay số hiệu 664 và 665 bốc cháy, lần lượt lao xuống khu rừng già thuộc huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) và các anh đã anh dũng hy sinh. Tháng 8/1970, liệt sỹ Phan Như Cẩn là người đầu tiên của Trung đoàn Không quân 919 vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Anh hùng liệt sỹ Võ Triều Chung sinh năm 1935 ở làng Tả Thượng (xã Thuần Thiện, Can Lộc). Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh tình nguyện tham gia lực lượng TNXP đợt 1, làm nhiệm vụ mở đường 12 từ Quảng Trị đến biên giới 3 nước Đông Dương. Anh đã được suy tôn danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” và chiến sỹ thi đua quyết thắng.

Tháng 1/1968, Đại đội 211 - N25 được điều động về tăng cường cho Tổng đội 55 TNXP Hà Tĩnh và đổi tên là C557-N55-P18. Ngày 23/8/1968, cấp trên thông báo có đoàn xe quân sự đặc biệt đi qua cầu Tùng Cóc - Ngã ba Đồng Lộc, cấp trên chỉ thị phải bằng mọi giá không để đoàn xe quan trọng này bị tắc.

Những người con anh hùng trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Anh hùng liệt sỹ Võ Triều Chung (đầu tiên phía tay phải hàng thứ nhất) chụp cùng đồng đội C557 vào năm 1968. Ảnh tư liệu của gia đình.

Rạng sáng ngày 24/8/1968, máy bay Mỹ điên cuồng ném hàng trăm quả bom xuống cầu Tùng Cóc. Nếu không rà phá bom kịp thời thì đoàn xe đó không thể đi qua an toàn. Trong ngày hôm đó, Võ Triều Chung đã cùng đồng đội rà phá được 50 quả bom nổ chậm, còn lại 1 quả cuối cùng vừa khó khăn, vừa cực kỳ nguy hiểm, muốn phá được thì phải hy sinh tính mạng.

Đứng giữa sự sống và cái chết, trong tình thế hết sức cấp bách, Võ Triều Chung triệu tập cuộc họp chi bộ bất thường và xung phong nhận nhiệm vụ. Cuối cùng đơn vị quyết định để Võ Triều Chung và Phan Văn Bổn thực hiện nhiệm vụ này.

Sau 30 phút thì quả bom được phá thành công. Dứt tiếng bom, đồng đội chia nhau đi tìm thì chỉ thấy thi thể Phan Văn Bổn còn người bí thư chi bộ quả cảm thì đã tan vào trong đất mẹ yêu thương. Sau hơn 30 năm ngày anh hy sinh, ngày 9/10/2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sỹ Võ Triều Chung.

Anh hùng La Thị Tám sinh năm 1949 tại xã Vĩnh Lộc cũ (nay là Khánh Vĩnh Yên), Can Lộc. 18 tuổi, chị đi làm công nhân thuộc Hạt Giao thông Can Lộc, ngành Giao thông Hà Tĩnh. Từ tháng 12/1967 đến tháng 5/1968, chị được điều về Ngã ba Đồng Lộc và được giao một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cũng hết sức nguy hiểm: đứng trên đài quan sát núi Mòi đếm xem bao nhiêu quả bom chưa nổ để sau khi máy bay địch vừa đi, chạy xuống cắm tiêu đánh dấu cho công binh đến phá nổ.

Những người con anh hùng trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Nữ anh hùng La Thị Tám - nguyên mẫu trong ca khúc Người con gái sông La. Ảnh: Văn Bảo

Suốt 200 ngày đêm ròng rã, chị đã đếm được, cắm tiêu được một số lượng bom hết sức khủng khiếp: 1.205 quả. Đứng trên đỉnh núi Mòi trong làn bom đạn địch, trong tiếng máy bay gầm rú trên đầu, tay cầm ống nhòm, đầu đội mũ sắt, áo ngụy trang bay trong gió, chị đã không hề run sợ. Ghi nhận công lao của chị, Chủ tịch nước đã phong tặng chị danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Anh hùng Nguyễn Tri Ân sinh năm 1945, tại xã Sơn Lộc, Can Lộc. Anh là công nhân phá bom thuộc C3, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, anh đã sẵn lòng yêu nước, căm thù giặc. 300 ngày đêm làm việc ở đoạn đường Khe Út, Khe Giao, Ngã ba Đồng Lộc, những nơi địch đánh phá ác liệt, song anh vẫn không hề nản chí và mệt mỏi.

Những người con anh hùng trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Anh hùng Nguyễn Tri Ân với nhiệm vụ phá bom nổ chậm trên chiến trường Đồng Lộc. Ảnh tư liệu

Qua 293 trận bom của địch, bị vùi 15 lần, song anh vẫn tiến lên cắm tiêu rà phá bom nổ chậm. Anh đã tự chế tạo ra dụng cụ phá bom. Dù bom loại gì, rơi ở đâu anh đều phá được trong thời gian rất ngắn. Anh đã rà phá được 545 quả bom các loại, 5 năm liền là chiến sỹ thi đua.

Anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, được Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên dương Anh hùng lao động năm 1972.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast