Nữ cán bộ thôn đảm việc xã hội, giỏi làm kinh tế

(Baohatinh.vn) - Hơn 10 năm hoạt động công tác thôn xóm, chị Ngô Thị Nhàn (SN 1988, xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được biết đến là người cán bộ trẻ nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc và mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Người cán bộ trẻ giàu nhiệt huyết

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành du lịch - Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam (Nghệ An), chị Ngô Thị Nhàn vào làm việc tại một số cơ sở du lịch trên địa bàn Nghệ An - Hà Tĩnh. 3 năm sau, chị lấy chồng và về sinh sống tại xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân). Nhờ trong thời gian làm việc ở lĩnh vực du lịch, chị theo học thêm chứng chỉ sơ cấp y nên khi về địa phương, chị được tin tưởng giao nhiệm vụ nhân viên y tế thôn và Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Trường Mỹ (nay là thôn Hồng Mỹ).

Nữ cán bộ thôn đảm việc xã hội, giỏi làm kinh tế

Chị Ngô Thị Nhàn là người đảng viên trách nhiệm với công việc.

Là người trẻ giàu nhiệt huyết, năng nổ trong công việc, chị Nhàn được địa phương tín nhiệm giao thêm nhiều nhiệm vụ mới. 11 năm nay, chị đảm nhận nhiều công việc như: cộng tác viên dân số, chi hội phó chi hội phụ nữ, chi hội trưởng chi hội nông dân thôn. Hiện, chị Nhàn là Phó Bí thư chi bộ, Bí thư chi đoàn kiêm nhân viên y tế thôn Hồng Mỹ.

Trong vai trò người cán bộ cấp thôn, chị Nhàn quan niệm “vướng đâu gỡ đó, có kiên trì sẽ có quả ngọt”. Theo chị Nhàn, hoạt động của chi đoàn ở thôn xóm khó khăn nhất là đa số đoàn viên đi làm ăn xa, một bộ phận người trẻ lại không không mặn mà với hoạt động đoàn, đội. Vậy nên, để tập hợp được đoàn viên, thanh thiếu niên trong thôn, chị Nhàn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, tạo sức hút cho đoàn viên, thanh niên tham gia. Từ đó, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó hơn để thực hiện các phong trào.

Nữ cán bộ thôn đảm việc xã hội, giỏi làm kinh tế

Chi đoàn Hồng Mỹ đã xây dựng thành công 2 khu vui chơi cho trẻ em.

Những năm qua, với sự dẫn dắt của “thủ lĩnh” Ngô Thị Nhàn, Chi đoàn Hồng Mỹ đã có nhiều việc làm ý nghĩa, công trình thiết thực như: xây dựng thành công 2 khu vui chơi cho trẻ em, người già; xây dựng tuyến đường thanh niên; giúp đỡ nhiều hộ dân xóa bỏ vườn tạp, xây dựng vườn mẫu và tích cực tham gia lao động xây dựng nông thôn mới cùng các tổ chức đoàn thể khác.

Thôn Hồng Mỹ được sáp nhập năm 2019 từ 3 thôn Vinh Mỹ, Tân Mỹ, Trường Mỹ nên có địa bàn rộng, dân cư đông với hơn 1.400 nhân khẩu. Người dân lại có phong tục, sinh hoạt khác nhau nên việc tập hợp Nhân dân tham gia các công việc chung của thôn cũng gặp không ít khó khăn.

Là Phó Bí thư chi bộ thôn, nữ đảng viên Ngô Thị Nhàn cùng cấp ủy chi bộ và ban công tác mặt trận thôn đã làm tốt công tác dân vận bằng việc đến tận nhà dân để trò chuyện, tìm hiểu điều kiện từng gia đình, tuyên truyền các chủ trương của Đảng và những lợi ích Nhân dân được thụ hưởng từ các chương trình. Từ đó, giúp bà con trong thôn thay đổi nếp nghĩ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Nữ cán bộ thôn đảm việc xã hội, giỏi làm kinh tế

Chị Nhàn quan niệm, để làm tốt công việc ở thôn xóm thì phải gần dân, hiểu dân.

Với lợi thế là cán bộ nữ, chị Nhàn cũng thường xuyên đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh, quan tâm đời sống sức khỏe người dân và chăm lo sức khỏe phụ nữ, trẻ em trong thôn. “Chỉ cần mình gần dân, hiểu dân, làm việc tận tâm, trách nhiệm, gương mẫu trong lời nói và hành động thì nhất định người dân sẽ quý mến và tin tưởng mình” – chị Nhàn bày tỏ.

Năm 2021, thôn Hồng Mỹ đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu. Hạ tầng đường sá, hàng rào cây xanh sạch đẹp, đời sống người dân được nâng cao về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn hiện đạt trên 48 triệu đồng/người/năm. Bà Lê Thị Hương - người dân thôn Hồng Mỹ cho hay: “Sự nhiệt tình, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của chị Ngô Thị Nhàn và cấp ủy chi bộ, ban công tác mặt trận thôn đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo cảnh quan thôn Hồng Mỹ, giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế từ vườn mẫu, tăng thêm nguồn thu nhập”.

Với nhiều đóng góp trong hoạt động cơ sở, chi đoàn Hồng Mỹ nhiều năm liền là chi đoàn xuất sắc của Đoàn xã Xuân Mỹ. Cá nhân chị Ngô Thị Nhàn được Huyện đoàn Nghi Xuân tặng giấy khen bí thư chi đoàn xuất sắc 5 năm liền giai đoạn 2016 - 2021.

Mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế

Không chỉ là người cán bộ thôn gương mẫu, trách nhiệm, với ý chí quyết tâm của người đảng viên trẻ, chị Nhàn còn mạnh dạn trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Cuối năm 2022, tận dụng diện tích vườn rộng, chị Nhàn đã vay mượn số tiền gần 500 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng dưa lưới thủy canh. Từ số tiền này, chị đầu tư 2 nhà màng với diện tích gần 1.000 m2.

Nữ cán bộ thôn đảm việc xã hội, giỏi làm kinh tế

Chị Nhàn đầu tư 2 nhà màng trồng dưa lưới thủy canh.

“Ở địa phương đã có nhiều mô hình trồng dưa lưới nhưng trồng theo hình thức thủy canh thì chưa có. Vì thế, tôi cùng người cháu “khăn gói” vào Đà Nẵng, Bình Dương để học tập kinh nghiệm một số mô hình. May mắn, người cháu Trần Văn Sơn đã có 7 năm làm việc tại Malaysia với nghề trồng rau củ quả nên việc học tập, triển khai thực hiện cũng dễ dàng hơn”.

Tháng 2/2023, chị Nhàn chỉ trồng 300 gốc dưa lưới để vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm. Sau hơn 2 tháng, vụ dưa thử nghiệm đầu tiên đã cho thu hoạch khá với doanh thu khoảng 15 triệu đồng. Anh Trần Văn Sơn – kỹ thuật phụ trách mô hình cho biết: “Trồng dưa lưới thủy canh là trồng cây bằng hệ thống chứa dung dịch dinh dưỡng với thành phần phù hợp, trong đó hoàn toàn không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc trừ sâu bệnh. Dung dịch này được bơm từ bể chứa lên hệ thống ống nhựa, sau đó được chảy qua hệ thống rễ của cây trồng và quay lại bể chứa thành một vòng tuần hoàn khép kín. Nhờ đó, cây hấp thụ được các chất dinh dưỡng và mình cũng dễ kiểm soát được hàm lượng dinh dưỡng”.

Nữ cán bộ thôn đảm việc xã hội, giỏi làm kinh tế

Chị Nhàn phấn khởi khi vụ dưa mới sắp vào kỳ thu hoạch.

Từ thành công của lứa dưa đầu tiên, chị Nhàn tiếp tục xuống giống vụ thứ hai với hơn 1.300 gốc. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, dưa phát triển tốt và dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tháng 8 này.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn dưa, chị Nhàn phấn khởi: “Chỉ còn mấy ngày nữa là lứa dưa này bước vào đợt thu hoạch. Ước tính, sau khi trừ chi phí, vụ này sẽ cho thu nhập khoảng gần 70 triệu đồng”.

Ông Lê Duy Tân - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Mỹ cho hay: “Chị Ngô Thị Nhàn - Phó Bí thư chi bộ, Bí thư Chi đoàn thôn Hồng Mỹ là người nhiệt tình, năng nổ trong hoạt động thôn xóm, có nhiều đóng góp cho sự phát triển thôn. Hơn thế, chị Nhàn còn mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế tại địa phương. Những nỗ lực của chị Nhàn cùng cấp ủy, ban công tác mặt trận thôn Hồng Mỹ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đưa thôn Hồng Mỹ ngày càng phát triển".

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.